Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chương trình 1719

Lào Cai: Điều chỉnh kế hoạch, danh mục đầu tư Chương trình MTQG 1719 sau mưa lũ

Trọng Bảo - 07:18, 25/10/2024

Sau mưa lũ, hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh Lào Cai bị thiệt hại nặng nề. Để tập trung khắc phục hậu quả, cũng như bảo đảm tiến độ triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), nhiều địa phương đã và đang khẩn trương điều chỉnh danh mục, kế hoạch đầu tư phù hợp với điều kiện thực tế.

Mưa lũ gây thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Mưa lũ gây thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Công trình cấp nước sạch sinh hoạt cho các thôn Nậm Pẻn, Mà Mù Sử 1 và Ky Quan San của xã Sảng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai được đưa vào sử dụng đầu năm 2024, với tổng vốn đầu tư gần 5 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư của Chương trình MTQG 1719. Tuy nhiên, trận mưa lũ lịch sử do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 3 vừa qua đã làm gãy hỏng gần 700m đường ống dẫn nước, ước thiệt hại khoảng 1,5 tỷ đồng; khiến cho công trình không thể vận hành được.

Theo ông Lê Đức Minh, Trưởng phòng Dân tộc huyện Bát Xát, công trình bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt cho 3 thôn nên khi ngừng hoạt động thì hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, việc sớm đầu tư, bổ sung vốn để sửa chữa các hạng mục bị hư hỏng nhằm cấp nước trở lại cho bà con là nhu cầu cấp thiết. 

"Hiện nay, chúng tôi dự kiến sẽ dùng nguồn vốn được UBND tỉnh Lào Cai bổ sung để sửa chữa. Nguồn vốn cấp bổ sung này là các nguồn đã cấp cho các sở, ban, ngành của tỉnh thuộc Chương trình MTQG 1719; tuy nhiên, hiện nay chưa sử dụng hoặc khó giải ngân nên tỉnh điều chuyển phục vụ cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định”, ông Lê Đức Minh thông tin.

Cũng theo ông Minh, huyện Bát Xát là địa phương chịu thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng do mưa lũ gây ra. Chính vì vậy, để bảo đảm tiến độ cũng như đáp ứng nhu cầu khắc phục thiệt hại; Phòng Dân tộc huyện đã và đang tiếp tục rà soát, thống kê để đề nghị điều chỉnh kinh phí ở một số dự án thuộc Chương trình MTQG 1719.

Đơn vị cũng đã có tờ trình gửi UBND huyện, Phòng Tài chính - Kế hoạch về việc điều chỉnh kinh phí nguồn vốn sự nghiệp. Cụ thể, đối với Dự án 3, chúng tôi đề nghị giảm từ 47.945,4 triệu đồng xuống còn 46.805,9 triệu đồng (giảm 1.139,5 triệu đồng); nguyên nhân là diện tích rừng bị thiệt hại do cơn bão số 3 và thực tế khả năng giải ngân kinh phí bảo vệ rừng sẽ thấp đi nên điều chỉnh sang thực hiện duy tu, sửa chữa thuộc Dự án 4.

Hay như đối với Dự án 4, Phòng đã đề nghị tăng từ 38.996 triệu đồng lên 52.674,9 triệu đồng; trong đó, điều chỉnh tăng 3.678,9 triệu đồng từ các dự án 3, 5, 10 điều chỉnh sang và đề nghị bổ sung thêm 10 tỷ đồng…

Hàng trăm công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Lào Cai bị hư hỏng
Hàng trăm công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Lào Cai bị hư hỏng

Đến thời điểm này, các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Lào Cai đã có báo cáo về tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra. Trên có sở đó, nhiều địa phương đã có đề xuất điều chuyển các công trình, dự án chưa cấp bách sang các dự án hạ tầng cấp bách để khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra. 

Ông Nguyễn Xuân Nhẫn, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lào Cai cho biết: Một số địa phương đã có báo cáo về Ban Dân tộc việc điều chuyển các nguồn vốn khó triển khai thực hiện sang đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, như trường học, thủy lợi, nước sinh hoạt; đặc biệt là các công trình giao thông.

“Chúng tôi đã tổng hợp và chuyển sang Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để báo cáo UBND tỉnh trình kỳ họp HĐND tỉnh tới đây. Hiện nay, cũng có những khó khăn, vướng mắc nhất định: ví dụ như đối với các công trình đang thi công do các tổ đội thực hiện mà chưa có nghiệm thu, đánh giá nhưng bị hư hỏng, vùi lấp do mưa lũ, thì cũng có khó khăn nhất định trong việc xác định khối lượng đã thi công, do việc ghi chép nhật ký thi công của các tổ đội này cũng không được bài bản như các đơn vị thi công chuyên nghiệp, rồi có thể sổ sách cũng bị mưa lũ cuốn trôi… 

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai có sự giám sát của cộng đồng nên chính thôn bản và cộng đồng sẽ họp đánh giá về khối lượng đã thi công đối với các công trình bị hư hỏng, vùi lấp. Từ đó, sẽ có căn cứ tiếp tục bổ sung vốn để hoàn thành đối với các công trình này”, ông Nhẫn nhấn mạnh.

Bà con nông dân xã Quang Kim, huyện Bát Xát cải tạo đồng ruộng, khôi phục sản xuất sau mưa lũ
Bà con nông dân xã Quang Kim, huyện Bát Xát cải tạo đồng ruộng, khôi phục sản xuất sau mưa lũ

Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai, điều này đã và đang tác động trực tiếp đến việc hoàn thành 29 chỉ tiêu phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 của địa phương như chỉ tiêu giảm nghèo, hệ thống giao thông nông thôn… Tuy nhiên, tỉnh Lào Cai đang quyết tâm hết năm 2025 tất cả các chỉ tiêu vẫn phải hoàn thành. 

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp, lồng ghép các nguồn vốn và điều chuyển đối với các nguồn vốn chưa thực sự cần thiết, cấp bách sang các công trình, dự án khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.