Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Lào Cai: Hiệu quả trồng rừng sau đầu tư

Trọng Bảo - 16:02, 04/02/2020

Là tỉnh miền núi, nhiều năm về trước tình trạng chặt phá rừng tràn lan khiến cho diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai bị thu hẹp. Việc phủ xanh đất trống, đồi núi trọc được địa phương đặc biệt chú trọng; trong đó, mô hình trồng rừng sau đầu tư đã và đang thực sự mang lại hiệu quả. Mô hình này không chỉ mở rộng diện tích che phủ rừng, mà còn mang lại lợi ích, thu nhập cho chính người trồng rừng.

Việc hỗ trợ trồng rừng sau đầu tư góp phần nâng cao đời sống người dân tham gia trồng rừng
Việc hỗ trợ trồng rừng sau đầu tư góp phần nâng cao đời sống người dân tham gia trồng rừng

Bảo Yên là một trong những huyện có diện tích che phủ rừng lớn nhất của tỉnh Lào Cai. Từ năm 2016, huyện thay đổi cách thức hỗ trợ người dân trồng rừng sản xuất từ trả tiền trước sang trả sau, khi cây trồng được nghiệm thu tại vườn, đồi của người dân đạt tiêu chuẩn thì mới trả tiền hỗ trợ. Với cách làm này, thay vì cấp phát giống cho người dân thì hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng có đất quy hoạch là rừng sản xuất tự mua giống và trồng rừng. Sau khi rừng trồng được ngành chuyên môn bao gồm Ban Quản lý rừng 661, Kiểm lâm, phòng Nông nghiệp huyện và chính quyền xã nghiệm thu tại thực địa thì chủ đầu tư thực hiện chi trả tiền hỗ trợ cho người trồng rừng theo quy định. 

Hộ gia đình ông Trần Hữu Xương dân tộc Dao ở thôn Bông 2, xã Bảo Hà được giao 5ha đất rừng sản xuất. Với diện tích này, ông Xương đưa toàn bộ giống quế vào trồng. Hiện nay, rừng quế của gia đình ông đã được hơn 1 tuổi bén rễ, bám đất xanh mướt mắt. Ông Xương cho biết: Khi bắt đầu trồng cán bộ Kiểm lâm về hướng dẫn kỹ thuật, khi cây sống rồi thì cán bộ về thống kê và trả tiền cho gia đình.

Ông Hà Quang Kim, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Yên cho biết: Mô hình trồng rừng sau đầu tư đã và đang mang lại lợi ích kép. Đó là, khuyến khích người dân chủ động đầu tư phát triển kinh tế rừng, giao quyền tự chủ cho người dân trồng rừng, từ khâu giống, thời gian trồng, chăm sóc, thu lợi, bảo đảm đúng diện tích, tỷ lệ cây sống cao, chất lượng rừng tốt hơn. 

“Từ khi triển khai mô hình này, huyện Bảo Yên đã chi trả hỗ trợ gần 10 tỷ đồng cho hàng nghìn hộ dân, trồng gần 9.000ha rừng, bảo đảm chất lượng, nâng tỷ lệ che phủ đạt 57%, cao thứ hai trong toàn tỉnh”, ông Kim cho biết thêm.

Việc triển khai mô hình trồng rừng sau đầu tư được tỉnh Lào Cai triển khai từ năm 2012 và được thí điểm ở các huyện Bảo Thắng, Bảo Yên và Văn Bàn. Đây là những huyện trọng điểm, có diện tích đất lâm nghiệp lớn, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất lâm nghiệp. 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết: Trước đây, Lào Cai thực hiện hỗ trợ trồng rừng sản xuất theo Quyết định 147 của Chính phủ, là hỗ trợ người dân trồng rừng bằng việc cấp phát cây giống. Tuy nhiên, việc cung ứng cây giống không phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của người trồng rừng về chủng loại, thời gian, nhân lực… dẫn tới hiệu quả trồng rừng thấp, tỷ lệ cây sống thấp, người dân không mặn mà với rừng trồng. Từ khi triển khai mô hình trồng rừng sau đầu tư, đã giao quyền tự chủ cho người trồng rừng, nên kết quả đạt cao, nâng cao ý thức tự giác của người trồng rừng, chất lượng rừng trồng thực tế tốt hơn, đem lại lợi ích cho cả người dân và Nhà nước.

“Chỉ tính khoảng 4 năm trở lại đây, toàn tỉnh Lào Cai đã trồng được hơn 25.000ha rừng sản xuất, trong đó có hơn 18.000ha được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, còn lại 6.500ha do người dân tự trồng. Năm 2020, tỉnh Lào Cai phấn đấu sẽ tiếp tục hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao trồng 5.400ha rừng”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục