Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Lào Cai: Nông dân khó tiếp cận chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp của tỉnh

Trọng Bảo - 15:01, 21/06/2022

Là tỉnh vùng cao biên giới, Lào Cai đặc biệt chú trọng đến việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn. Theo đó, nhiều cơ chế, chính sách đã được địa phương ban hành nhằm khuyến khích, thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, bền vững. Tuy nhiên, có một thực tế, hiện nay rất nhiều nông dân khó tiếp cận với các chính sách để phát triển sản xuất.

HTX nông nghiệp Thanh Phong đang gặp nhiều khó khăn do không tiếp cận được nguồn hỗ trợ
HTX nông nghiệp Thanh Phong đang gặp nhiều khó khăn do không tiếp cận được nguồn hỗ trợ

Điển hình của việc nông dân khó tiếp cận chính sách, là Nghị quyết 26/2020/NQ-HĐND ngày 04/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai về “Một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn” (Nghị quyết 26).

Chưa kịp áp dụng đã thay đổi quy định

Năm 2020, HTX nông nghiệp Thanh Phong, huyện Bảo Yên đã xây dựng chuồng trại, mua giống bò vàng địa phương chăn nuôi sinh sản, với tổng mức đầu tư trên 7 tỷ đồng theo chính sách hỗ trợ sản xuất từ Nghị quyết 12/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Lào Cai ban hành quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Đến ngày 01/10/2020, sau khi thẩm tra, nghiệm thu UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 3343/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư.

Ông Phạm Thanh Xuân, thành viên HTX cho biết: Theo Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh, thì HTX Thanh Phong được hỗ trợ sau đầu tư theo Nghị quyết 12, với mức hỗ trợ không quá 2 tỷ đồng đầu tư con giống và chuồng trại. Tuy nhiên, khi HTX chưa được hưởng mức hỗ trợ này, thì đến ngày 04/12/2020, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 26 thay thế cho Nghị quyết 12 trước đó.

Trong Nghị quyết 26, tại điều 22 có ghi rõ điều khoản chuyển tiếp đó là: Các nội dung đang thực hiện và đáp ứng quy định về ưu đãi, hỗ trợ theo Nghị quyết 12 mà đã được UBND tỉnh phê duyệt triển khai thực hiện trước khi có Nghị quyết 26 có hiệu lực, thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị quyết 12…

"Chủ trương là vậy, những khi chúng tôi có ý kiến đề xuất hỗ trợ thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đơn vị thường trực triển khai Nghị quyết 26) không chấp thuận, mà yêu cầu làm hồ sơ hỗ trợ đầu tư theo Nghị quyết 26”, ông Xuân nói .

Thực tế cho thấy, với Nghị quyết 26 thì, mức hỗ trợ sau đầu tư chỉ hỗ trợ phần chuồng trại, không hỗ trợ về con giống nên mức hỗ trợ thấp hơn Nghị quyết 12. Ngoài ra, với Nghị quyết 12, thì tỉnh chủ trương hỗ trợ, khuyến khích các HTX, tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo tồn các nguồn gien quý của địa phương.

“Chúng tôi tuân thủ theo Nghị quyết 12 nên đầu tư chuồng trại quy mô hơn để nuôi sinh sản và bảo tồn giống bò vàng của địa phương. Nếu bình thường, để chăn nuôi gia súc thì chúng tôi có thể đầu tư chuồng trại và chăn nuôi bò thịt, thì hiệu quả hơn nhiều, mức đầu tư cũng sẽ thấp hơn, vì chăn nuôi bò sinh sản yêu cầu chuồng trại, con giống cao hơn so với bò thịt.  Tuy nhiên, theo trả lời của đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chúng tôi không được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 12, như vậy sẽ rất thiệt thòi cho các xã viên. Nông dân chúng tôi cũng không thể thay đổi kịp theo Nghị quyết”, ông Xuân chia sẻ.

HTX Tâm Hợi huyện Bảo Thắng chuyên thu mua, chế biến các sản phẩm về quế xuất khẩu sang các nước Châu Âu và Trung Đông. Bình quân mỗi tháng HTX chế biến trên 200 tấn quế thành phẩm, giải quyết cho gần 100 lao động người địa phương. Với mong muốn tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết 26 để mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm máy móc trang thiết bị, tận thu được tất cả các sản phẩm, nhưng đến hiện tại HTX vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn này.

Bà Tạ Thị Hợi, Giám đốc HTX Tâm Hợi phản ánh: Đến nay, chúng tôi cũng chưa biết là mắc ở đâu, mắc vì cái gì. Đất đai chúng tôi có bây giờ chúng tôi muốn chuyển đổi mở rộng diện tích nhà xưởng cũng không được; các thủ tục, hồ sơ rất phức tạp và cơ quan chức năng đều trả lời chúng tôi chưa đáp ứng đủ các điều kiện, mặc dù sản phẩm của chúng tôi đã xuất khẩu đi hàng chục nước trên thế giới nhiều năm nay.

"Chúng tôi mong muốn, tỉnh có sự điều chỉnh về các thủ tục phù hợp với trình độ, năng lực của các HTX cũng như của bà con nông dân… Sớm chấp thuận chủ trương đầu tư cho chúng tôi để mở rộng sản xuất góp phần nâng cao năng lực tiêu thụ các sản phẩm về quế cho bà con”, bà Tạ Thị Hợi, Giám đốc HTX Tâm Hợi kiến nghị.

Quá nhiều quy định và thủ tục để được thụ hưởng

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng, hiện nay các quy định về thủ tục, hồ sơ theo Nghị quyết 26 còn quá nhiều khâu, nhiều ngành, mất rất nhiều thời gian nên chưa thực sự khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp…

Bà Tạ Thị Hợi, Giám đốc HTX Tâm Hợi mong muốn, tỉnh Lào Cai sớm có những điều chỉnh các quy định để bà con nông dân, doanh nghiệp tiếp cận với nguồn hỗ trợ theo Nghị quyết 26
Bà Tạ Thị Hợi, Giám đốc HTX Tâm Hợi mong muốn, tỉnh Lào Cai sớm có những điều chỉnh các quy định để bà con nông dân, doanh nghiệp tiếp cận với nguồn hỗ trợ theo Nghị quyết 26

“Nghị quyết 26 thể hiện sự quan tâm của tỉnh Lào Cai đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện tại bà con nông dân không thiết tha với nguồn hỗ trợ này vì các thủ tục còn nhiều, phải quan nhiều ngành thẩm định. Chúng tôi rất mong muốn, tỉnh sớm có những điều chỉnh chính sách để phù hợp với điệu kiện thực tế cũng như năng lực của bà con nông dân, các tổ chức doanh nghiệp”, ông Vũ Kiều Hưng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng nhấn mạnh về thực trạng

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai (cơ quan thường trực triển khai Nghị quyết 26) thì, Nghị quyết số 26 có 21 nội dung, đến nay mới có 03 chính sách đã được giải ngân, hỗ trợ là: chính sách phòng, chống dịch; hỗ trợ trồng chè chất lượng cao; hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP). 

Nguyên nhân chính của việc các chính sách chưa được triển khai là, một số nội dung chính sách theo văn bản hướng dẫn phải làm nhiều hồ sơ, quy trình thực hiện nhiều bước, nhiều khâu theo quy định/luật của từng lĩnh vực chuyên ngành. Ngoài ra, do nhu cầu và khả năng đáp ứng yêu cầu sản xuất, tài chính của các tổ chức, cá nhân; do thiếu thông tin về giá đất, giá đất đa dạng, khó thỏa thuận…

Thiết nghĩ, với những khó khăn, bất cập trong triển khai hỗ trợ cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực nông nghiệp theo Nghị quyết 26, tỉnh Lào Cai cần sớm có những điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế để bà con nông dân, các tổ chức có thể tiếp cận, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp vùng cao theo hướng hàng hóa, bền vững...