Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Lào Cai trên hành trình biến di sản thành tài sản

Trọng Bảo - 08:06, 27/05/2021

Là tỉnh vùng cao biên giới, Lào Cai có 25 dân tộc sinh sống với kho tàng văn hóa phong phú và độc đáo. Để bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc, những năm qua, Lào Cai đã thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Với 25 dân tộc, Lào Cai có kho tàng văn hóa phong phú và đặc sắc
Tỉnh Lào Cai đang lưu giữ một kho tàng văn hóa phong phú và đặc sắc

Nhiều cách làm hay

Buổi hoạt động ngoại khóa của Trường THCS Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương với chủ đề “Gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc Mông”, thu hút đông đảo các em học sinh tham gia. Bên cạnh việc học múa, học hát, các em học sinh còn được tìm hiểu và học đánh đàn nhị-một nhạc cụ truyền thống của người Mông. Người hướng dẫn và dạy cho các em về văn hóa của người Mông, chính là những nghệ nhân và các bậc phụ huynh của trường.

“Chúng tôi mời các nghệ nhân đến để dạy cho các em vào mỗi buổi chiều. Các nội dung gồm: dạy múa khèn, dạy kéo nhị, múa sinh tiền, qua đó giúp các em thêm yêu trường mến lớp. Mong muốn của nhà trường là tiếp tục được cấp ủy chính quyền địa phương và các bậc phụ huynh ủng hộ, đồng hành để giáo dục tình yêu di sản văn hóa cho các em”, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường THCS Tả Ngài Chồ cho biết.

Xây dựng mô hình trường học văn hóa gắn với bản sắc dân tộc, đã và đang được nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Lào Cai đưa vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa với nhiều nội dung phong phú như: Học thêu thổ cẩm, sưu tầm trưng bày văn hóa, học múa dân gian (múa sinh tiền, múa khèn, mùa xòe, nhảy sạp)… 

Dựa trên quan điểm “học đi đôi với hành, lí luận gắn với thực tiễn”, ngành Giáo dục tỉnh Lào Cai đã xây dựng mô hình, gắn với đặc thù văn hóa từng vùng miền nhằm giúp các em hiểu hơn về văn hóa của từng dân tộc, nhóm dân tộc địa phương. Cũng từ đây, mô hình trường học văn hóa gắn với cộng đồng đã ra đời, góp phần gìn giữ và bảo tồn nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc.

Ngoài giải pháp bảo tồn văn hoá trong trường học, thời gian qua, việc bảo tồn nghề truyền thống của đồng bào các DTTS luôn được tỉnh Lào Cai quan tâm hỗ trợ. Minh chứng như việc bảo tồn phát huy giá trị từ nghề bạc trang sức.

 Lâu nay, sản phẩm bạc trang sức, bạc trang trí trên trang phục của đồng bào Dao ở thôn Séo Pờ Hồ, xã Mường Hum, huyện Bát Xát được mọi người biết đến, bởi sự tinh xảo, đặc sắc. Sản phẩm bạc nơi đây còn được gọi với cái tên “bạc Tiên nữ”.

 Để bảo tồn và phát triển nghề thủ công độc đáo này, HTX nghề bạc Séo Pờ Hồ được thành lập. Việc HTX ra đời, được hỗ trợ trang thiết bị máy móc đã góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, thu hút du lịch, nhờ đó tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân từ nghề truyền thống này.

"Trước đây các hộ kinh doanh tự phát, tự mang sản phẩm ra bán ở các phiên chợ vùng cao, đầu ra rất khó khăn. Từ khi có HTX, nhiều người biết đến sản phẩm bạc ở đây, từ đó sản phẩm bán dễ hơn và giá cũng ổn định hơn", chị Tẩn Bằng Mến, ở thôn Séo Pờ Hồ cho biết.

Việc bảo tồn và phát triển văn hóa ở Lào Cai đang từng bước thực hiện mục tiêu biến di sản thành tài sản
Việc bảo tồn và phát triển văn hóa ở Lào Cai đang từng bước thực hiện mục tiêu biến di sản thành tài sản

Từng bước biến di sản thành tài sản

Theo thống kê, Lào Cai là một trong những địa phương đứng trong tốp đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa, với 33 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, 2 di sản đại diện nhân loại (Nghi lễ kéo co Tày, Giáy và Nghi lễ thực hành then Tày, Nùng Thái). 

Để bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa, thời gian qua, địa phương đã ban hành nhiều chương trình, đề án phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đó là gắn bảo tồn với phát triển du lịch. Cụ thể như, Đề án số 08-ĐA/TU ngày 27/11/2015 của Tỉnh ủy Lào Cai về "Phát triển văn hóa, thể thao tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020"; Dự án "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2017- 2020". 

Từ việc triển khai các chương trình, đề án, trung bình mỗi năm kiểm kê 6 đến 8 di sản tại hơn 30 xã trên địa bàn toàn tỉnh. Nổi bật như: Nghiên cứu, sưu tầm bổ sung hoàn thiện dữ liệu liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như Nghi lễ Cấp sắc người Dao, Lễ Mủ đẳng mai (cúng rừng) của người Thu Lao xã Tả Gia Khâu (huyện Mường Khương)...

Ở các huyện Bắc Hà, Sa Pa, Mường Khương… đều xây dựng các làng văn hóa du lịch. Mỗi làng khi tiến hành xây dựng trở thành điểm du lịch, đều bảo tồn các di sản văn hóa. Ở đây, du khách được tham quan cảnh đẹp thiên nhiên, tham quan các nghề thủ công, xem văn nghệ và nghỉ ngơi tại các căn nhà cổ truyền của đồng bào các dân tộc. Các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của làng đều được bảo tồn và trở thành tài sản để khách du lịch chiêm ngưỡng.

 Những chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa tỉnh Lào Cai triển khai trong thời gian qua, đã và đang góp phần gìn giữ, phát huy được những nét đặc sắc trong kho tàng văn hóa phong phú của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu biến di sản thành tài sản, từng bước đưa Lào Cai trở thành một trong những điểm nhấn đặc sắc trên bản đồ du lịch văn hóa của Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục
Tự hào nguồn cội

Tự hào nguồn cội

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là loại hình Di sản tập quán xã hội, tín ngưỡng và lễ hội được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã lắng đọng trong tâm thức mỗi người dân niềm tự hào về nguồn cội con rồng cháu tiên, xuyên suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, lan tỏa mạnh mẽ đến mọi miền Tổ quốc, trở thành bản sắc văn hóa độc đáo của người Việt Nam.