Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Lào Cai: Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

PV - 14:14, 28/05/2019

Sau 3 năm thực hiện ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có những chuyển biến tích cực, góp phần giúp người nông dân tăng giá trị thu nhập trên cùng một diện tích canh tác; cung ứng ra thị trường những sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Năm 2018, hộ gia đình anh Hù Văn Vàng ở thôn Làng Kim, xã Quang Kim, huyện Bát Xát dùng số tiền tích lũy cộng với nguồn vốn vay hỗ trợ giải quyết việc làm đầu tư 0,3ha hệ thống nhà lưới và tưới nhỏ giọt để trồng dưa lưới. Vụ dưa đầu tiên, dù mới trồng một nửa diện tích nhưng sau khi trừ chi phí đã cho gia đình anh thu về hơn 50 triệu đồng.

“Số tiền đầu tư ban đầu tuy tương đối lớn-khoảng 450 triệu đồng nhưng hệ thống nhà lưới có thể sử dụng hàng chục năm. Nhờ có nhà lưới mà mình chủ động canh tác hơn, không còn phụ thuộc vào thời tiết nữa, sâu bệnh giảm hẳn, sản phẩm dưa không phun thuốc nên được thị trường ưa chuộng. Vụ dưa năm nay, mình trồng hết diện tích trong nhà lưới, hy vọng sẽ có thu nhập cao hơn”, anh Vàng cho biết.

Dùng ni lông phủ mặt luống giúp giữ độ ẩm cho đất cũng như giảm thiểu sâu bệnh hại cây trồng. Dùng ni lông phủ mặt luống giúp giữ độ ẩm cho đất cũng như giảm thiểu sâu bệnh hại cây trồng.

Trước đây, với 0,1ha đất canh tác, hộ gia đình chị Trần Thị Thơm ở thôn Làng Pẳn, xã Quang Kim chủ yếu trồng ngô và đậu tương. Mặc dù vất vả quanh năm nhưng thu nhập cũng chẳng được là bao. Từ năm 2017, gia đình chị đã áp dụng một phần CNC vào sản xuất bằng việc phủ ni lông mặt luống để trồng giống dưa lê lai. Ngay vụ đầu tiên, gia đình chị Thơm đã thu về hơn 4 tấn dưa quả, bán ra thị trường được gần 150 triệu đồng, trừ chi phí, chị Thơm còn thu về được gần 100 triệu đồng.

“Dùng ni lông phủ mặt luống giúp giữ độ ẩm cho đất tốt hơn, cỏ cũng không mọc được, mình bớt công làm cỏ. Sâu bệnh không có nơi trú ngụ, nên có con nào mình bắt bằng tay, không phải phun thuốc nữa. Thương lái về tận ruộng xem cách canh tác của mình nên rất an tâm về chất lượng sản phẩm”, chị Thơm chia sẻ.

Ông Trần Văn Ngọc, Chủ tịch UBND xã Quang Kim cho biết: Việc đầu tư CNC vào sản xuất nông nghiệp chi phí tuy cao, nhưng lợi ích kinh tế đã thấy rõ bởi năng suất và chất lượng sản phẩm cao hơn hẳn.

“Với những kết quả đã đạt được từ áp dụng CNC vào sản xuất, địa phương đang phấn đấu trong năm nay, sẽ đạt khoảng 15ha; ứng dụng CNC vào sản xuất (trong đó 3ha CNC, còn lại là ứng dụng một phần CNC), từng bước nâng cao thu nhập, cũng như giúp bà con tiếp cận với khoa học-kỹ thuật vào trong sản xuất”, ông Ngọc nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Xuân Nhẫn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai cho biết: Bắt đầu triển khai từ năm 2015, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh Lào Cai tăng khá nhanh. Sau 3 năm, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 2.054ha diện tích đất sản xuất, đáp ứng các tiêu chí về kỹ thuật, công nghệ và thị trường. Giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đạt 513,5 tỷ đồng, bình quân thu nhập 250 triệu đồng/1ha diện tích canh tác.

Thời gian tới, tỉnh Lào Cai sẽ tập trung ứng dụng CNC đối với một số cây trồng chủ lực, có lợi thế cạnh tranh như rau, hoa, cây ăn quả ôn đới, cây dược liệu… Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 2.500ha diện tích ứng dụng CNC; giá trị bình quân sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC đạt 260 triệu đồng/ha/năm.

Cùng với đó, tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện và thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào công nghiệp chế biến giảm tổn thất sau thu hoạch; đẩy mạnh xúc tiến thương mại phát triển thị trường, liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho người nông dân.

TRỌNG BẢO

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Xây dựng mô hình thí điểm “Làng nông nghiệp thuận thiên thích ứng với biến đổi khí hậu”

Sóc Trăng: Xây dựng mô hình thí điểm “Làng nông nghiệp thuận thiên thích ứng với biến đổi khí hậu”

Xã Tân Hưng (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) là địa điểm được khảo sát và lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình Làng nông nghiệp thuận thiên thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), trong khuôn khổ Đề tài nghiên cứu “Phát triển mô hình làng nông nghiệp thuận thiên thích ứng với BĐKH vùng đồng bào DTTS và miền núi”, do Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì thực hiện, Ủy ban Dân tộc là cơ quan quản lý.