Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Lao động hồi hương và câu chuyện an sinh nơi cực Nam Tổ quốc

Phương Nghi - 16:41, 27/11/2021

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số người đi làm ăn xa trở về các địa phương trong tỉnh Cà Mau tăng đột biến. Vì vậy, ngoài việc bảo đảm an sinh xã hội trong thời gian cách ly, vấn đề tạo sinh kế cho những lao động này đang được chính quyền tỉnh Cà Mau đặc biệt quan tâm.

Hàng chục ngàn lao động từ các tỉnh trở về Cà Mau khó tìm việc làm, cuộc sống gặp nhiều khó khăn
Hàng chục ngàn lao động từ các tỉnh trở về Cà Mau khó tìm việc làm, cuộc sống gặp nhiều khó khăn


Từ đầu tháng 10 đến nay, Cà Mau đã có hơn 55 ngàn lao động trở về quê. Đa phần người hồi hương là lao động ở vùng nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tác động trực tiếp đến đời sống của nhiều gia đình, nhất là những lao động bị thất nghiệp, mất việc ở các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, khi về quê thì khó khăn càng nhân lên gấp bội.

Anh Nguyễn Văn Huy, ngụ ấp Xóm Sở, xã Hồ Thị Kỷ (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), chia sẻ: Tuy cuộc sống trước đây không dư dả lắm nhưng cũng tạm ổn. Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát thì mọi sinh hoạt trong gia đình tôi đều đảo lộn, cuộc sống hết sức khó khăn. Khi cách ly theo quy định, gia đình cũng nhận được hỗ trợ của địa phương để trang trải khó khăn.Tuy nhiên, sau khi hoàn thành cách ly, tôi muốn tìm việc để lo cho cuộc sống gia đình nhưng không tìm được việc. 

Hiện nay gia đình anh Huy có mẹ già, vợ và 3 đứa con thơ, để có tiền trang trải sinh hoạt hằng ngày, anh Huy phải đi bắt nghêu dưới sông. Hoàn cảnh của anh Huy cũng như bao hộ gia đình khác đang trong hoàn cảnh lo từng bữa.

Thực hiện hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68, tỉnh Cà Mau đã chi hỗ trợ cho hơn 230 ngàn đối tượng, với số tiền trên 267,3 tỷ đồng. Hiện, tổng số lao động trở về địa phương nhu cầu cần tạo việc làm trên 54.800 người, trong đó lao động tự tìm được việc làm trên 9.000 người, toàn tỉnh cần giải quyết việc làm cho trên 45.600 lao động.

Đoàn viên thanh niên xã Hồ Thị Kỷ (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), đến từng gia đình trao tặng nhu yếu phẩm cho lao động thất nghiệp về quê, đang thực hiện cách ly theo quy định
Đoàn viên thanh niên xã Hồ Thị Kỷ (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), đến từng gia đình trao tặng nhu yếu phẩm cho lao động thất nghiệp về quê, đang thực hiện cách ly theo quy định


Cà Mau xác định để giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho những người trở về từ vùng dịch, cách tốt nhất, nhanh nhất vẫn là tạo “cần câu” cho họ ngay tại quê nhà.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ông Huỳnh Quốc Việt cho biết: Hành trình trở về quê của bà con vẫn chưa dừng lại. Tỉnh sẽ chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ động khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, làng nghề, nghề phụ, hỗ trợ vốn ưu đãi, kỹ thuật, cây, con giống giúp người lao động tiếp cận, phát triển sản xuất, tạo việc làm tại chỗ, sớm ổn định cuộc sống cho người dân hồi hương.

Do chưa tìm được công việc ổn định ở quê, anh Nguyễn Thanh Hoàng, ngụ ấp Xóm Sở, xã Hồ Thị Kỷ (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), phải đi bắt nghêu dưới sông để sống qua ngày
Do chưa tìm được công việc ổn định ở quê, anh Nguyễn Thanh Hoàng, ngụ ấp Xóm Sở, xã Hồ Thị Kỷ (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), phải đi bắt nghêu dưới sông để sống qua ngày

Đồng thời, tỉnh cũng phối hợp với các sở, ngành, đơn vị để tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho người lao động, có phương án đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với khả năng và nguyện vọng của từng người.

Ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau cho biết: “Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm đẩy nhanh việc kết nối với doanh nghiệp ngoài tỉnh, để lao động trở lại làm việc. Bên cạnh đó, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể vào cuộc động viên tinh thần, để người lao động ổn định tâm lý, yên tâm trở lại làm việc”. 

Tin cùng chuyên mục