Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách và đời sống

Tây Nguyên sau những đợt đồng bào hồi hương tránh dịch: Gieo niềm tin để làm lại từ đầu (Bài 1)

L.Hường - P.Trọng - T.Dung - 20:15, 04/11/2021

Từ tháng 7 đến nay, các tỉnh khu vực Tây Nguyên đón nhận hàng vạn người dân làm việc, sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về quê. Trong đó, đồng bào các DTTS chiếm đa số. Trong muôn vàn khó khăn sau khi hồi hương, họ vẫn ấm lòng vì chính quyền, người dân cùng chung tay giúp đỡ. Mặc dù vậy, người lao động hồi hương vẫn có nhiều băn khoăn chuyện tiếp tục trở lại các tỉnh phía Nam làm việc, hay ở lại quê hương. Dù đi hay ở, họ cũng hy vọng về cuộc sống tương lai lâu dài được ổn định, tốt hơn. Hiện nay, các cấp chính quyền, sở ngành các tỉnh Tây Nguyên đang nỗ lực để hỗ trợ người dân tốt nhất.

Trở về nhà trong hoàn cảnh khốn khó, người hồi hương đối diện với muôn vàn khó khăn trong cuộc sống. Đặc biệt, đối với lao động đồng bào DTTS, họ ra đi vì nghèo khó với hy vọng đổi đời. Dịch bệnh ập đến cuộc sống đảo lộn, đồng bào lại ào ào về quê tránh dịch. Nhiều người trong số đó từ bỏ giấc mơ “miền đất hứa”, "làm lại từ đầu" ở chính quê hương.

Chị H’Vương Bkrông ở Bon U3, thị trấn Ea Tling, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông dự định sẽ ở lại địa phương để phát triển kinh tế gia đình
Chị H’Vương Bkrông ở Bon U3, thị trấn Ea Tling, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông dự định sẽ ở lại địa phương để phát triển kinh tế gia đình

Giúp nhau vượt qua khó khăn

Căn nhà ván cũ kỹ, rêu mốc phủ đen sau thời gian dài chủ nhân rời quê xuống Bình Dương làm việc. Đây có lẽ cũng là chuyến “phiêu lưu” nhớ đời đối với gia đình chị H’Vương Bkrông.

Gia đình chị H’Vương thuộc hộ nghèo của Bon U3, thị trấn Ea Tling, huyện Cư Jút (Đắk Nông). Không có đất sản xuất, vợ chồng chị đi làm thuê quanh năm để trang trải cuộc sống và nuôi 5 đứa con. Năm 2019, vợ chồng chị H’Vương mang theo 2 con nhỏ xuống Bình Dương làm việc cho một công ty ngành gỗ, với mức lương khá. Ngoài thuê nhà trọ, sinh hoạt phí cho 4 người, vợ chồng chị còn gửi tiền về cho ông bà nội chăm sóc cho 3 đứa con ở quê nhà. 

Dịch Covid-19 phức tạp, tỉnh Bình Dương siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch, công ty tinh giảm công nhân. Vợ chồng H’Vương mất việc, mắc kẹt ở Bình Dương suốt 2 tháng. Đến ngày 4/10 cả gia đình chị mới về đến quê, nhưng thật không may khi cả 4 người đều nhiễm Covid-19.

Chị H’Vương chia sẻ: Trong 21 ngày cách ly điều trị, gia đình tôi sống nhờ vào những suất cơm miễn phí từ các "Bếp ăn 0 đồng”, nhờ chính quyền, bà con hỗ trợ. Hết thời gian cách ly, vợ chồng tôi sẽ đi làm thuê cho người dân trong vùng như hái cà phê, làm cỏ, chăm sóc cây trồng… Ở quê sẽ khó tìm việc làm ổn định, nhưng vợ chồng chịu khó làm ăn, tính toán về lâu dài, thì cũng trang trải được, nên chúng tôi sẽ không trở lại miền Nam xin việc nữa.

Ban tự quản thôn ở tỉnh Đắk Nông đến tìm hiểu về nhu cầu việc làm của người dân
Ban tự quản thôn đến tìm hiểu về nhu cầu việc làm của người dân

Cũng thuộc hộ nghèo, đất sản xuất ít, nên gia đình Nay Kalet ở làng Plei Kia, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh (Gia Lai) rời quê vào miền Nam làm công nhân. Trở về trong hoàn cảnh đặc biệt, dịch bệnh bùng phát, gia đình anh được chính quyền, Nhân dân hỗ trợ vượt qua khó khăn bước đầu.

Anh Nay Kalet cho biết: Thời điểm này mình chưa vội trở lại miền Nam tìm việc, mà kiếm việc làm tạm ở quê, chờ dịch bệnh lắng mới tính tiếp. Từ bây giờ đến qua Tết âm lịch, Tây Nguyên bước vào vụ thu hoạch cà phê, rồi đến tiêu, điều nên vợ chồng đi làm thuê cũng có thu nhập, tạm ổn định trước mắt. Về lâu dài nếu có đi làm ăn xa, dự định chỉ 1 người đi, còn 1 người ở nhà chăm sóc rẫy nương, lo cho con.

Nhằm kịp thời hỗ trợ người dân sớm vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, tỉnh Gia Lai đề nghị các địa phương trong tỉnh rà soát, thống kê, nắm tình hình đời sống Nhân dân, kịp thời hỗ trợ người dân có nguy cơ thiếu đói do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Theo báo cáo, toàn tỉnh có 4.009 hộ, với 16.015 khẩu có nguy cơ thiếu đói. Trong đó, các địa phương đã chủ động xuất ngân sách hỗ trợ cho 570 hộ, 2.248 khẩu, với số gạo hỗ trợ 31.860 kg và đang tiếp tục đề xuất Chính phủ xem xét hỗ trợ cho 3.439 hộ, 13.767 khẩu, với số gạo đề nghị hỗ trợ 206.505 kg. Công tác hỗ trợ công dân về từ các tỉnh phía Nam luôn được các đoàn thể, ban ngành, Mặt trận quan tâm, triển khai các hoạt động hỗ trợ thiết thực.

Ông Nguyễn Hữu Dương, Chủ tịch UBND thị trấn Nhơn Hòa cho biết: Để giúp Nhân dân trong địa bàn vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, UBND xã đã vận động người dân chung tay, góp sức để hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về các nhu yếu phẩm như gạo, mì, nước mắm, tiền mặt…; mua đồ dùng hỗ trợ cho các công dân trong thời gian thực hiện cách ly và tìm phương án hỗ trợ tìm việc làm sau khi cách ly, để bà con ổn định cuộc sống.

Lãnh đạo địa phương ở tỉnh Gia Lai đến thăm và động viện người dân trở về từ vùng dịch
Lãnh đạo địa phương ở tỉnh Gia Lai đến thăm và động viện người dân trở về từ vùng dịch

Để không ai bị bỏ lại phía sau

Để “không ai bị bỏ lại phía sau”, các địa phương khu vực Tây Nguyên đã nhanh chóng rà soát, thống kê danh sách lao động bị ảnh hưởng của dịch bệnh để hỗ trợ theo các quy định của Chính phủ. Đồng thời, huy động Nhân dân chung tay cùng hỗ trợ người khó khăn.

Theo báo cáo, từ 27/4 đến nay, tỉnh Đắk Lắk tiếp nhận gần 130.000 lượt người trở về các địa phương trong tỉnh. Tính riêng từ ngày 2 - 28/10, toàn tỉnh tiếp nhận 33.421 lượt người. Trong đó, ước tính đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ khoảng 15%.

Hỗ trợ lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, tỉnh Đắk Lắk thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị Quyết 68/NQ-CP, phê duyệt hỗ trợ 54.840 người lao động với tổng số tiền là 29.764,603 triệu đồng. Đến nay, đã thực hiện chi trả cho 47.928 người lao động, với tổng số tiền là 21.119,623 triệu đồng. Chính sách hỗ trợ theo Nghị Quyết 116/NQ-CP, Đắk Lắk đã hỗ trợ 40.609 người lao động với tiền 100,4 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương đã phê duyệt 468 người với số tiền 1.891.210.000 đồng. Đến nay, đã chi trả cho 173 người với số tiền 707.020.000 đồng.

Ngoài ra, tỉnh Đắk Lắk đã hoàn thành cấp, phát gạo cứu đói từ nguồn dự trữ quốc gia cho 9.981 hộ, 35.626 khẩu với 534,39 tấn gạo. Dùng ngân sách của tỉnh, huyện để cứu đói cho 1.019 hộ, 3.933 khẩu với 58,995 tấn gạo. Đã kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho 1.803 hộ, 7.983 khẩu số lượng 33,5 tấn gạo.

Cũng trong 4 tháng qua, tỉnh Đắk Nông có khoảng 25.000 người lao động từ các tỉnh phía Nam trở về do mất việc, hoặc nghỉ việc để phòng, chống dịch. Trong đó, người DTTS chiếm hơn 65%, chủ yếu là lao động phổ thông. Nhiều người lao động khi trở về quê đã cố gắng cầm cự trong mùa dịch bằng số tiền tiết kiệm, hoặc tiền trợ cấp mất việc. Ngay sau khi kết thúc cách ly, những lao động này nhanh chóng tìm một công việc mới để từng bước ổn định lại cuộc sống.

Ông Nguyễn Công Tự, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông cho biết: Đến nay, tỉnh đã phê duyệt 16.508 đối tượng được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và 16.942 đối tượng theo Nghị quyết 116. Tổng số tiền được phê duyệt là hơn 26,3 tỷ đồng, trong đó thực hiện chi gần 19,5 tỷ đồng.

“Để các đối tượng đều được hưởng các chế độ theo quy định, Sở đã kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, huyện, thành phố khẩn trương rà soát, thống kê đối tượng; đồng thời kiến nghị Trung ương bố trí nguồn kinh phí để chi hỗ trợ cho các đối tượng đã được phê duyệt", ông Tự cho biết thêm.

Trải qua bao khó khăn, người lao động cũng tìm được niềm vui khi Tây Nguyên bước vào vụ thu hoạch cà phê được mùa, được giá. Vụ mùa sẽ giải quyết công việc tạm thời, thu nhập khá cho hàng vạn con người trên mảnh đất Tây Nguyên.

Tin cùng chuyên mục
“Giữ chân” người bảo vệ rừng bằng cơ chế đặc thù

“Giữ chân” người bảo vệ rừng bằng cơ chế đặc thù

Việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp là một trong những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ, phát triển rừng. Tại Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Lào Cai khóa XVI ngày 22/8/2024 đã thông qua Nghị quyết số 14/2024/NQ-HĐND (NQ14) về mức cấp kinh phí, đầu tư, hỗ trợ đầu tư, khoán bảo vệ rừng; hỗ trợ tiền ăn cho người tham gia chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Trong đó, ban hành mức cấp kinh phí khoán bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh đối với các loại rừng với mức hỗ trợ đều tăng so với trước đây.