Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Lễ cúng mừng được mùa của người M’nông

PV - 10:35, 03/08/2018

Đồng bào M’nông có hệ thống lễ nghi rất đa dạng, mỗi nghi lễ mang một ý nghĩa riêng. Trong đó, Lễ cúng mừng được mùa, thường thực hiện ngay sau vụ thu hoạch có ý nghĩa rất quan trọng, với mục đích cảm tạ trời đất, thần linh đã che chở, phù hộ cho bon làng cây trái sum suê, mùa vụ no đủ.

lễ cúng được mùa Diễn tấu cồng chiêng và múa xoang đón khách.

Con đường nhựa phẳng lỳ vào bon Đăk R’Moan, xã Đăk R’Moan, thị xã Gia Nghĩa (Đăk Nông) trở nên đông đúc, nhộn nhịp bởi bà con trong bon đang tấp nập đón khách, chuẩn bị mọi việc cho buổi lễ quan trọng mừng được mùa. Bên trong ngôi nhà dài truyền thống trưng bày đầy đủ các dụng cụ lao động sản xuất và sinh hoạt của đồng bào như: chiêng, ché, gùi, rổ rá, bếp… để phục vụ cho buổi lễ. Mọi người từ già đến trẻ đều khoác lên mình bộ trang phục truyền thống của dân tộc, các nghệ nhân mang theo cồng chiêng đã đứng thành hàng chờ diễn tấu.

Già làng Y Jơng, 84 tuổi là người am hiểu tường tận các nghi lễ truyền thống của đồng bào M’nông cho biết: Đối với đồng bào M’nông, Lễ cúng mừng được mùa là lễ lớn nhất của đồng bào M’nông. Vì vậy, để thực hiện chu đáo theo đúng nghi lễ, bà con trong bon phân chia công việc chuẩn bị từ nhiều ngày trước. Lễ vật cúng gồm: 1 ché rượu cần, 1 con gà, 1 ống bầu, cơm lam, thịt nướng, lòng heo và phải có sản vật nông nghiệp của mùa vụ đó như lúa, cà phê, bơ… Tất cả các lễ vật đều được đặt lên bàn thờ Yang, thể hiện tấm lòng của bà con tạ ơn trời đất đã phù hộ cho mùa màng tốt tươi, đời sống ấm no, hạnh phúc. Trước khi lễ cúng diễn ra, già làng và chủ nhà thực hiện nghi lễ đón khách. Nữ chủ nhà hát đối đáp với người nữ khách, còn người nhà và con cháu diễn tấu cồng chiêng và thể hiện điệu múa dân tộc để đón khách vào nhà. Sau đó, mời khách uống rượu cần và thực hiện các nghi thức đặt nghi lễ lên bàn thờ Yang.

lễ cúng mừng được mùa Trao vòng sức khỏe cho bà con và du khách đến dự.

Già K’Teng, Bon trưởng bon Đăk R’Moan cho biết: Bon Đăk R’Moan có gần 120 hộ, hơn một nửa là đồng bào DTTS, chủ yếu dân tộc M’nông. Đây là bon điểm về giữ gìn văn hóa truyền thống đồng bào M’nông ở thị xã Gia Nghĩa. Không chỉ bảo tồn Lễ cúng mừng được mùa, bà con trong bon còn giữ được nhiều nghi lễ, nghề dệt thổ cẩm, đan lát truyền thống. Hàng năm, bon vẫn tổ chức một số lễ khác như cúng bến nước, cúng sức khỏe…

Theo bà Lê Thị Hồng An, Phó Giám đốc Ban Quản lý Công viên địa chất núi lửa Krông Nô, Lễ cúng mừng được mùa là một trong những nghi lễ nông nghiệp cổ truyền của người M’nông được đồng bào gìn giữ đến ngày nay. Trong thời gian diễn ra Lễ hội Đăk Nông-Mùa bơ chín, các chuyên gia UNESCO cũng có mặt tham dự để đánh giá các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc địa phương. Những giá trị văn hóa truyền thống này là một trong những điểm nhấn quan trọng để họ đồng ý cho tỉnh Đăk Nông nộp hồ sơ xét duyệt danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu.

LÊ HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục
Vùng DTTS của Thủ đô trong dòng chảy văn hóa Hà thành: Bồi đắp bản sắc đất trăm nghề (Bài 2)

Vùng DTTS của Thủ đô trong dòng chảy văn hóa Hà thành: Bồi đắp bản sắc đất trăm nghề (Bài 2)

Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước, Hà Nội còn nổi tiếng là vùng đất “bách nghệ” (trăm nghề). Nghề truyền thống của Hà Nội không chỉ là sinh kế mà còn là nơi lưu giữ, kiến tạo nên giá trị văn hóa Hà thành. Hiện nay, vùng đất trăm nghề được bổ sung, bồi đắp thêm bởi những nghề truyền thống độc đáo của đồng bào các DTTS.