Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Lễ hội dân gian, nơi cất giữ các thói quen văn hóa

PV - 15:40, 04/05/2022

Vì nhiều lý do, cả chủ quan lẫn khách quan, nhiều thói quen văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên buộc phải ẩn đi trong đời sống thường nhật. Chỉ khi có lễ hội thì những tri thức bản địa cùng các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào mới xuất lộ.

Dân nhạc và dân vũ luôn là món ăn không thể thiếu trong đời sống tinh thần người dân Tây Nguyên
Dân nhạc và dân vũ luôn là món ăn không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào các DTTS ở Tây Nguyên

Như một bảo tàng dân tộc học

Có mặt tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ V - năm 2022 vừa diễn ra tại huyện Đơn Dương, anh Hoàng Tuấn Dũng, một du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Tham dự ngày hội, ngoài việc được thỏa đam mê tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc Cơ ho, Mạ, Chu Ru, Mnông... qua nhiều hoạt động mang tính cố kết cộng đồng rất cao, tôi còn được hòa mình vào không gian đặc quánh tín ngưỡng Chu Ru trong nghi lễ cúng Yàng Bơ-mung (thần đập nước). Nghi lễ này liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người Chu Ru”.

Theo tìm hiểu của anh Dũng, trước kia, người Chu Ru rất coi trọng việc dẫn thủy nhập điền, bởi phần lớn họ sống nhờ cây lúa nước. Theo đó, người Chu Ru sẽ làm những con đập ngăn sông hoặc suối để lấy nước tưới cho các cánh đồng. Bên cạnh đó, họ còn làm thêm những con mương dẫn nước tới các thửa ruộng. Ruộng lúa có xanh tốt thì năng suất lúa mới cao. Tất cả là nhờ ơn Yàng Bơ-mung đã giữ nước, giúp ruộng lúa luôn ăm ắp nước, tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng tốt.

 “Nếu chúng ta chịu khó quan sát một chút sẽ nhận ra rất nhiều điều thú vị ẩn đọng trong các nghi thức, lễ thức của lễ hội dân gian. Những hoạt động trong lễ hội không đơn giản chỉ là tái hiện các mô thức văn hóa cổ xưa mà còn là nơi chứa đựng những khao khát về thực tại sống, những mong cầu rất cao cả của cư dân cao nguyên gửi tới thế giới siêu nhiên. Thậm chí, qua lễ hội, chủ nhân của nó còn tìm ra phương cách để cân bằng lại các mối quan hệ: người và người, người và vạn vật, người và thần linh...”, anh Dũng cho biết.

Thật vậy, chúng ta hoàn toàn có thể coi lễ hội dân gian của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên là một bảo tàng dân tộc học, nơi cất giữ tất cả những thói quen văn hóa, cũng là nơi phản ánh tâm thức, tín ngưỡng người Tây Nguyên một cách trung thực, sinh động nhất. Trong lễ hội, có rất nhiều hoạt động thuộc nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên diễn ra như diễn tấu cồng chiêng, các trò chơi dân gian, hội thi ẩm thực, nghi thức rước vật thiêng..., những hoạt động được định hình từ quá trình lịch sử, được lưu truyền từ đời này sang đời khác, qua thực tiễn sản xuất và hoạt động xã hội, qua kinh nghiệm ứng xử giữa con người với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Vì thế, lễ hội chính là một di sản đặc biệt, nét văn hóa độc đáo mang căn cốt Tây Nguyên, một thành tố quan trọng góp phần làm nên bản sắc văn hóa đặc sắc của cộng đồng cư dân nơi đây.
Tích hợp các yếu tố mới
Theo nghệ nhân K’Niêm (xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh), việc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng phối hợp với UBND huyện Đơn Dương tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ V - năm 2022 đã tạo điều kiện để thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nhìn lại di sản của ông cha, yêu và hiểu hơn về văn hóa của dân tộc mình. “Mọi di sản đều cần có sự kế thừa giữa các thế hệ. Muốn vậy, phải có không gian cho việc thực hành di sản, để di sản sống giữa cộng đồng. Chính trong không gian ấy, chủ nhân di sản sẽ nhận rõ chân giá trị của riêng dân tộc mình trong cộng đồng”, nghệ nhân K’Niêm tâm sự.
Trả lời câu hỏi việc sân khấu hóa một phần ngày hội có làm phai lạt bản sắc văn hóa Tây Nguyên không? Nghệ nhân K’Niêm thẳng thắn: Căn cốt của lễ hội dân gian Tây Nguyên, ấy là lễ hội nông nghiệp, đi dọc vòng đời cây lúa cạn và cây lúa nước. Theo chu kỳ sinh trưởng của cây lúa, người Tây Nguyên sẽ tổ chức những lễ hội tương ứng. Mục đích của việc tổ chức những lễ hội đó là để tạ ơn Yàng, đồng thời là dịp để gắn kết các thành viên trong cùng một cộng đồng, gắn kết cộng đồng này với cộng đồng khác. 

Trước đây thì là vậy! Nhưng ngày nay, cây lúa đã không còn phổ biến trong đời sống, cũng như trong sản xuất của người Tây Nguyên, nên không thể “bắt” lễ hội trả về nguyên gốc được nữa. Nó phải nương theo sự phát triển của thời đại mới.

Cũng theo nghệ nhân K’Niêm, chính thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên sẽ tiếp thu những giá trị văn hóa mới, tri thức mới và phát triển lễ hội theo chiều hướng tiên tiến, để một mặt thỏa mãn nhu cầu sáng tạo, giải trí của cộng đồng, mặt khác vẫn giữ được nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân tộc mình, hướng đến những giá trị tốt đẹp của thời đại.

Tin cùng chuyên mục
Hai Nghệ nhân Nhân dân tiêu biểu của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng

Hai Nghệ nhân Nhân dân tiêu biểu của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng

Sóc Trăng là tỉnh tập trung khá đông đồng bào Khmer sinh sống (tỷ lệ trên 30%). Đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh có đời sống văn hóa tinh thần phong phú, giàu bản sắc, được truyền nối qua nhiều thế hệ. Trong cộng đồng có những hạt nhân ưu tú đã và đang miệt mài, cần mẫn đóng góp tâm sức để làm giàu cho kho tàng di sản văn hóa dân tộc, tiêu biểu như hai Nghệ nhân Nhân dân Châu Ôn và Lý Lết.