Doodle là cách mà Google thể hiện logo của mình trên trang chủ theo một lối minh họa đặc biệt, dành cho những dịp lễ, kỷ niệm lịch sử lớn hoặc cả danh nhân có ảnh hưởng sâu rộng với thế giới hoặc một vùng lãnh thổ, dân tộc. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là tên tuổi đầu tiên của Việt Nam được Google đưa vào danh sách biểu tượng cho Doodle.
Theo trang thông tin của Google Doodle, ngày 16/7 đã được họ chọn làm ngày "Tôn vinh Hội An", với những hình ảnh minh họa nét văn hóa đặc trưng của thành phố thơ mộng này thể hiện qua bút vẽ của nghệ sĩ Shanti Rittgers, với hình ảnh Chùa Cầu nổi bật lung linh trong
Lễ hội Đèn lồng để tôn vinh một đô thị cổ vẫn giữ được nét cổ kính qua bao thăng trầm của thời gian.
Theo giải thích của Google Doodle, vào đêm rằm, Hội An thường tổ chức lễ hội đèn lồng. Người dân thành phố đốt hương và thắp sáng những chiếc đèn lồng nhỏ rồi thả trôi sông. Hàng trăm chiếc đèn lồng đủ sắc màu khiến dòng sông lấp lánh, sáng rực.
Trước khi trang mạng google.com vinh danh Hội An, ngày 13/7, đô thị cổ này cũng đã vượt qua nhiều thành phố nổi tiếng trên thế giới Tokyo và Rome khi được tạp chí du lịch hàng đầu của Mỹ Travel + Leisure bình chọn là thành phố du lịch tốt nhất thế giới năm 2019.
Bảng xếp hạng "Các thành phố tuyệt vời nhất thế giới" (Top 15 Cities in the World) của Travel + Leisure tổng hợp kết quả bình chọn từ các độc giả tạp chí này, dựa trên các tiêu chí bao gồm: các danh lam thắng cảnh, văn hóa, kiến trúc, ẩm thực, sự thân thiện, mua sắm và giá trị tổng thể.
Theo kết quả vừa được công bố trên Travel + Leisure, thành phố cổ Hội An nhận được 90,39 điểm trên thang điểm 100, nhờ "cư dân địa phương thân thiện; văn hóa, di sản và ẩm thực phong phú". Trong khi đó, thành phố San Miguel de Allende - một ốc đảo ở vùng cao nguyên miền Trung Mexico - đã rớt xuống vị trí thứ 2 của bảng xếp hạng sau 2 năm liên tiếp giữ vị trí quán quân.
Nằm bên dòng sông Thu Bồn thơ mộng, Hội An là một trong những cảng giao thương sầm uất nhất Đông Nam Á từ thế kỷ 15 tới 19. Tên gọi Hội An có nghĩa là “nơi gặp gỡ bình yên”, nhưng cảng biển này đã rất nhộn nhịp với nhiều hoạt động từ thế kỷ thứ 2. Điều này khiến Hội An trở thành vùng đất ghi nhiều dấu ấn của sự pha trộn, giao thoa văn hóa phương Đông và phương Tây với các hội quán, chùa đền miếu mang dấu tích của người Trung Hoa hay Nhật Bản nằm bên những ngôi nhà phố truyền thống của người Việt và những ngôi nhà mang phong cách kiến trúc Pháp.
Công việc làm ăn ven sông bị thu hẹp dần khi phù sa bồi đắp tích tụ dần, khiến tàu lớn khó vào sông. Điều may mắn là thành phố này không bị hiện đại hóa, vẫn giữ được vẻ cổ kính suốt hơn 200 năm và được xem là một điển hình đặc biệt về cảng thị truyền thống ở Đông Nam Á được bảo tồn nguyên vẹn và chu đáo. Quy hoạch đường phố và các tòa nhà nguyên bản vẫn được giữ nguyên. Dọc các con phố hẹp là hàng trăm căn nhà gỗ mà ngày nay rất thu hút du khách, sử gia, nhà làm phim đến để khám phá, trải nghiệm, lưu giữ lại hình ảnh thời xa xưa. Ngày 4/12/1999, Hội An được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa thuộc Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới và càng trở nên hút khách du lịch hơn bao giờ hết.
( dantocmiennui.vn )