Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Lễ hội đình Lục Nà - Điểm hẹn văn hóa đầu Xuân ở Bình Liêu

Mỹ Dung - 09:05, 04/03/2024

Được phục dựng từ năm 2006, Lễ hội truyền thống đình Lục Nà, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) đã trở thành nét đẹp văn hóa đặc sắc của Nhân dân các dân tộc huyện Bình Liêu. Đến nay, Lễ hội đã trở thành điểm hẹn văn hóa đầu Xuân với nhiều hoạt động văn hóa dân gian truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn...

Ngay từ sáng sớm, không khí chuẩn bị cho lễ hội đình Lục Nà đã rất rộn ràng
Ngay từ sáng sớm, không khí chuẩn bị cho Lễ hội đình Lục Nà đã rất rộn ràng

Ngay từ sáng sớm, không khí Lễ hội đã rộn ràng từ ngoài đường vào đến sân đình.  Người dân từ các thôn, bản, khách thập phương về với lễ hội trong niềm vui hân hoan. Ai cũng chuẩn bị cho mình những mâm lễ  thành kính dâng lên Thành hoàng và các vị thần núi, thần sông, thổ công, thổ địa để cầu mong cho một năm mới bình an, sung túc.

Phần lễ gồm các nghi lễ rước sắc phong, lễ tế thần, lễ giã đình truyền thống. Để chuẩn bị tham gia rước sắc phong, chị em dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ từ các thôn, bản đến với lễ hội đều lựa chọn cho mình trang phục dân tộc gọn gàng và đẹp nhất. 

Lễ rước bắt đầu với những người đội mâm lễ, cầm cờ hội, đến đoàn rước ngai Thành hoàng và theo sau là bà con dân làng. Đoàn người nối thành hàng dài với nhiều màu sắc rực rỡ đan xen của cờ hội, trang phục dân tộc như một dải lụa mềm uốn lượn, len qua xóm làng, cánh đồng, hay những bụi tre cao vút rồi trở về sân đình.

Chị em dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ từ các thôn, bản đến với lễ hội đình Lục Nà đều lựa chọn cho mình trang phục dân tộc mới nhất, đẹp nhất
Chị em dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ từ các thôn, bản đến với lễ hội đình Lục Nà đều lựa chọn cho mình trang phục dân tộc mới nhất, đẹp nhất

Đặc biệt, trong lễ tế thần, người được lựa chọn để giao trọng trách là chủ tế trong thành phần ban tế 24 người. Chia sẻ về điều này, bà Lương Thị Voòng, dân tộc Tày, Người có uy tín thôn Cốc Lồng, xã Lục Hồn cho biết: “Chủ tế là người được dân làng kén chọn kỹ càng nhất, được bà con tin tưởng, kính trọng, gia đình chủ tế cũng là gia đình gương mẫu, có văn hoá”.

Đặc sắc hơn cả tại Lễ hội đình Lục Nà phải kể đến phần thụ lộc ngay tại sân đình. Sau khi hoàn thành lễ tế, bà con xin lộc từ Thành hoàng, các vị thần và trải chiếu ngay tại sân đình để cùng nhau thụ lộc. Tình cảm xóm làng gắn bó, đoàn kết, yêu thương bộc lộ thật tự nhiên qua hành động gắp cho nhau miếng bánh, nắm xôi, chút hoa quả... chẳng phân biệt du khách hay người dân, mọi người cùng nhau ngồi quanh chiếc chiếu nhỏ cười nói, kể cho nhau nghe những câu chuyện về Thành hoàng Hoàng Cần - người Anh hùng của quê hương.

Các hoạt động trong phần hội diễn ra không kém phần sôi nổi, hào hứng với các trò chơi dân gian như đẩy gậy, đánh quay, kéo co, ném còn... Buổi tối, các hoạt động văn nghệ thi hát then - đàn tính, hát soóng cọ, hát sán cố... thu hút đông đảo người dân đến tham dự. 

Đặc biệt, vào dịp lễ hội đình, đội hát then của tỉnh Lạng Sơn đều đến tham gia, giao lưu với các đội văn nghệ, CLB hát then của địa phương... Qua đó, không ngừng mở rộng không gian văn hóa, góp phần giới thiệu những nét đẹp, lễ hội văn hóa truyền thống của huyện Bình Liêu đến bạn bè bốn phương.

Bà Vi Thị Hoa, Bí thư Đảng ủy xã Lục Hồn cho biết: Lễ hội đình Lục Nà giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người dân nơi đây, không chỉ lưu giữ những giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc, mà còn giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào về truyền thống quê hương cách mạng cho thế hệ trẻ. 

Lễ hội đình Lục Nà - Điểm hẹn văn hóa đầu Xuân
Lễ hội đình Lục Nà - Điểm hẹn văn hóa đầu Xuân

Lễ hội đình Lục Nà tổ chức thường niên từ 15 đến 17 tháng Giêng Âm lịch hàng năm nhằm tôn vinh, bảo tồn di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc huyện Bình Liêu. Đồng thời, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ.

 Đây cũng là dịp để huyện tiếp tục quảng bá, giới thiệu, lan tỏa hình ảnh, vẻ đẹp về vùng đất, văn hóa của địa phương với du khách bốn phương, thúc đẩy phát triển du lịch nói riêng, kinh tế - xã hội của huyện nói chung.

Ông Mạc Ngọc Điệp, Trưởng phòng Văn hóa -Thông tin huyện Bình Liêu nhìn nhận Những hoạt động lễ hội đầu xuân của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện luôn diễn ra sôi nổi với các làn điệu hát Then, hát Sóong Cọ, hát Pả Dung góp phần thắt chặt tình đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc, gắn kết tình làng nghĩa xóm, thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự hào về truyền thống quê hương cho thế hệ trẻ biết gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa bản sắc của dân tộc mình để xây dựng cuộc sống ấm no và hạnh phúc.

Tin cùng chuyên mục
Lễ hội Puh Hơ Drih của dân tộc Ba Na

Lễ hội Puh Hơ Drih của dân tộc Ba Na

Lễ hội Puh Hơ Drih còn gọi là Lễ Cầu An, được đồng bào dân tộc Ba Na tổ chức với mong muốn nguyện cầu những điều bình an và may mắn. Theo truyền thống, mùa lễ hội của đồng bào các DTTS ở Tây Nguyên thường diễn ra từ vụ thu năm này sang mùa tỉa năm sau, khoảng từ tháng 11 đến tháng 12 dương lịch. Tuy vậy, lễ cầu an có khi được tổ chức trước lúc thu hoạch mùa màng nhằm xua đuổi rủi ro, xui xẻo và cầu mong những điều tốt lành cho dân làng.