Lễ hội Đình Lục Nà - Nơi lưu giữ những giá trị truyền thống ở Bình LiêuĐình Lục Nà thuộc thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn không chỉ là một dấu tích lịch sử mà còn là ngôi đình duy nhất ở huyện Bình Liêu hiện nay. Tương truyền, xưa kia khi giặc ngoại xâm đến cướp bóc, tàn sát dân làng vô cùng dã man. Có chàng trai tên Hoàng Cần, là người Bình Liêu, đã tập hợp trai tráng trong vùng ngày đêm miệt mài luyện tập võ nghệ, với quyết tâm đánh tan quân giặc, giữ yên bờ cõi quê hương, đất nước. Chỉ với gậy tre trong tay, Hoàng Cần tả xung, hữu đột làm cho quân giặc kinh hồn, bạt vía, chịu thua tháo chạy. Để tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn công lao của ông, Nhân dân Bình Liêu đã suy tôn Hoàng Cần là Thành hoàng làng và lập đình thờ ông - Đình Lục Nà.
Được phục dựng từ năm 2006, Lễ hội truyền thống Đình Lục Nà đã trở thành nét đẹp văn hóa đặc sắc của Nhân dân các dân tộc huyện Bình Liêu. Hằng năm cứ vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch người dân địa phương cũng như du khách khắp nơi lại nô nức về đây trẩy hội.
“Đình Lục Nà không chỉ là nơi thờ thành Hoàng làng Hoàng Cần. Đây cũng là nơi ghi đậm dấu ấn lịch sử cách mạng huyện Bình Liêu và là trung tâm sinh hoạt văn hóa. Từ khi Lễ hội Đình Lục Nà được phục dựng, người dân chúng tôi rất phấn khởi và năm nào dù đi ngược về xuôi vẫn cố gắng sắp xếp về tham dự, trẩy hội đầu năm”, bà Lý Thị Sin, 87 tuổi, khu Bình Công 2, thị trấn Bình Liêu hào hứng nói.
Liên hoan hát Then - đàn Tính nằm trong hoạt động Lễ hội Đình Lục NàTại đây, phần lễ diễn ra rất trang trọng và chu đáo với nghi lễ rước sắc phong, lễ tế thần, lễ giã đình truyền thống. Để chuẩn bị tham gia rước sắc phong, chị em dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ từ các thôn, bản đến với Lễ hội đều lựa chọn cho mình trang phục dân tộc gọn gàng và đẹp nhất. Lễ rước bắt đầu với những người đội mâm lễ, cầm cờ hội, đến đoàn rước ngai Thành hoàng và theo sau là bà con dân làng. Đặc biệt, trong lễ tế thần, người được lựa chọn để giao trọng trách là chủ tế trong thành phần ban tế 24 người.
“Chủ tế là người được dân làng lựa chọn kỹ lưỡng, được bà con tin tưởng, kính trọng, gia đình chủ tế cũng là gia đình gương mẫu, gia đình văn hoá”, bà Lương Thị Voòng, dân tộc Tày, Người có uy tín thôn Cốc Lồng, xã Lục Hồn chia sẻ.
Đến với Lễ hội Đình Lục Nà, người dân cũng được tham gia các vào phần hội với các hoạt động đặc sắc: Liên hoan hát Then - đàn Tính, chọi chim họa mi, chào mào hót đấu, thi đấu thể thao dân tộc và các trò chơi dân gian (nhảy bao bố, sáy mả, đi cà kheo…). Đặc biệt năm nay, trong khuôn khổ các hoạt động của Lễ hội Đình Lục Nà có giải võ thuật truyền thống mở rộng.
Các trò chơi dân gian thu hút đông đảo Nhân dân và khách du lịch tham giaTrao đổi về nội dung này, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Bình Liêu Tô Đình Hiệu cho biết: “Ngoài các nét văn hóa khác thì võ thuật truyền thống cũng chính là một nét văn hóa đặc sắc của đồng bào ở đây. Vì lẽ đó, Lễ hội Đình Lục Nà năm nay tổ chức giải võ thuật truyền thống mở rộng. Ngoài các đơn vị trong huyện Bình Liêu, Ban Tổ chức cũng mời các đơn vị bạn tại các địa phương khác tham gia. Hoạt động này cũng góp phần giáo dục tinh thần thượng võ, nâng cao ý thức rèn luyện thể lực, tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ”.
Giải võ thuật truyền thống mở rộng là một trong những điểm mới tại Lễ hội Đình Lục Nà năm 2025Qua Lễ hội Đình Lục Nà nhằm bảo tồn di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc huyện Bình Liêu và phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân nơi đây. Qua đó, góp phần quảng bá, giới thiệu, lan tỏa hình ảnh, vẻ đẹp về vùng đất, văn hóa, con người huyện Bình Liêu nói riêng và tỉnh Quảng Ninh đến du khách trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế - xã hội.