Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Tưng bừng Lễ hội Tết Nhảy của người Dao Đỏ ở Sa Pa

Nguyệt Anh - 21:53, 16/02/2025

Trong 2 ngày 15-16/2, tại bản Mây, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai diễn ra Lễ hội Pút Tồng (Tết Nhảy) của người Dao Đỏ, mang đến một không khí tưng bừng và đầy màu sắc, thu hút sự tham gia của hàng nghìn du khách và người dân địa phương. Lễ hội này không chỉ là dịp để tôn vinh các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Dao dưới chân núi Fansipan mà còn là cơ hội để quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên và nét đẹp văn hóa độc đáo của các DTTS tại Sa Pa.

Một trong những nghi lễ trong Lễ hội Pút Tồng
Một trong những nghi lễ trong Lễ hội Pút Tồng

Lễ hội Pút Tồng (Tết Nhảy) là lễ hội truyền thống mang ý nghĩa giải hạn, cầu may mắn, sức khỏe, mưa thuận gió hòa và sự bình an trong năm mới của người Dao Đỏ. Đồng thời, cũng là ngày cầu siêu cho người đã khuất và cầu an cho người sống. Pút Tồng (của người Dao Đỏ ở Lào Cai là nghi lễ quan trọng nhất trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của đồng bào. Trong tiếng Dao, “Pút” có nghĩa là nhảy, “Tồng” có nghĩa là đồng. Pút Tồng vừa là cách thức diễn xướng được thực hiện khi hành lễ và cũng có nghĩa là một nghi lễ thờ cúng tưởng nhớ đến linh hồn tổ tiên của người Dao Đỏ.

Tại Lễ hội Pút Tồng năm nay của người Dao Đỏ dưới chân núi Fansipan, du khách được chứng kiến nghi lễ 11 bước do thầy mo và các nghệ nhân Dao Đỏ thực hành. Người tham gia Lễ vừa nhảy múa trong âm nhạc, vừa xưng tụng thần linh, thể hiện lòng thành kính cao nhất đối với các vị thần và tổ tiên. Các điệu nhảy liên tục đan xen và dồn dập, khiến du khách cảm nhận được sự sôi động, linh thiêng trong không khí lễ hội.

Nghi lễ tắm than của người Dao Đỏ
Nghi lễ tắm than của người Dao Đỏ

Một trong những trải nghiệm độc đáo khác không thể bỏ qua tại Lễ hội Pút Tồng chính là nghi thức "tắm than" của các đàn ông dân tộc Dao Đỏ. Nghi thức bắt đầu khi thầy mo làm lễ cầu khấn các vị thần linh của trời, đất, núi, sông bảo hộ cho những người tham gia. Sau đó, ngọn lửa được đốt lên, khi củi lửa than hồng bùng cháy dữ dội, các thanh niên trong bản sẽ hòa mình vào điệu múa, nhảy lửa trong tiếng trống chiêng thúc giục, tạo nên một màn trình diễn đầy sức mạnh và kịch tính. Nghi thức này không chỉ là biểu tượng của sự thanh tẩy, mà còn thể hiện niềm tin vào sức mạnh của thần linh, giúp người dân vượt qua khó khăn, đón nhận sự bình an và may mắn trong năm mới.

Tái hiện một lễ cưới truyền thống của người Dao đỏ.
Tái hiện một lễ cưới truyền thống của người Dao đỏ

Lễ hội Pút Tồng năm nay còn đặc biệt hơn khi Khu du lịch Sun World Fansipan Legend mời các nghệ nhân đến bản Mây để tái hiện một lễ cưới truyền thống của người Dao đỏ. Du khách sẽ được hòa mình vào không gian của một đám cưới cổ truyền, thưởng thức những điệu múa, những màn hát giao duyên đầy chất thơ.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động phong phú như trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật và những món ăn đặc sắc của người Dao Đỏ cũng sẽ mang lại cho du khách những trải nghiệm đáng nhớ khi đến Fansipan trẩy hội đầu Xuân.

(Tin tổng hợp) Tưng bừng Lễ hội Tết Nhảy của người Dao Đỏ ở Sa Pa 3
Du khách hào hứng với phần trò chơi
Du khách hào hứng với phần trò chơi

Trước đó, vào tối 12/02/2025 (tức 15 tháng Giêng âm lịch) tại xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát cũng Lễ hội Pút Tồng Xuân Ất Tỵ 2025 thu hút đông người dân và du khách thập phương tham gia.

Được biết Lễ Pút Tồng của người Dao Đỏ ở Lào Cai đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2013.