Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Lễ hội Hoa Ban với sự phát triển du lịch Điện Biên

PV - 14:29, 15/03/2019

Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2014 nhân dịp Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, đến nay Lễ hội Hoa ban đã thực sự trở thành điểm nhấn trong hoạt động du lịch hằng năm của tỉnh Điện Biên. Vào những ngày diễn ra lễ hội, du khách không chỉ được thăm quan quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ mà còn có cơ hội trải nghiệm, thưởng thức nét đẹp vùng cao, khám phá sắc màu Tây Bắc trong không gian đậm đà bản sắc dân tộc.

Lễ hội Hoa Ban Một tiết mục văn nghệ tại Lễ hội Hoa Ban Điện Biên năm 2019.

Tháng Ba về, Điện Biên ngập tràn sắc trắng hoa ban. Đây cũng là thời điểm quan trọng của mùa du lịch tỉnh Điện Biên, được ghi dấu ấn đậm nét bởi sự kiện Lễ hội Hoa ban. Có thể thấy, qua các mùa lễ hội Hoa ban lượng du khách trong và ngoài nước đến với Điện Biên đều rất đông, mỗi năm tăng từ 20-25%.

Năm nay, Lễ hội Hoa ban tiếp tục được tổ chức gắn với Ngày hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch tỉnh Điện Biên lần thứ VI, diễn ra từ 15-18/3 với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đa dạng, phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên nói riêng và Tây Bắc nói chung như: “Liên hoan dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc” chủ đề ca ngợi quê hương, đất nước, giới thiệu nét văn hóa truyền thống của 19 dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên; “Trưng bày, giới thiệu quảng bá sản phẩm du lịch, văn hóa truyền thống các dân tộc”, “Trình diễn nghi thức sinh hoạt văn hóa các dân tộc”, “Liên hoan ẩm thực vùng Tây Bắc”, “Tái hiện phiên chợ vùng cao”… Ngoài ra, trong khuôn khổ Liên hoan còn có các môn thể thao mang tính gắn kết cộng đồng như: kéo co, tù lu, đi cà kheo, bịt mắt bắt vịt, tung còn…

Để đáp ứng nhu cầu khách thăm quan, du lịch, bên cạnh hệ thống nhà nghỉ, khách sạn, cơ sở lưu trú đang hoạt động, trên địa bàn tỉnh còn có 10 bản văn hóa du lịch, 2 cơ sở homestay chủ yếu nằm trong trung tâm hoặc vùng lân cận TP. Ðiện Biên Phủ, có khả năng đón tiếp và lưu trú khách với số lượng lớn, thuận tiện giao lưu văn hóa, thưởng thức ẩm thực, trải nghiệm bản sắc văn hóa.

Bản Mển (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên) được biết đến là điểm du lịch cộng đồng thu hút đông đảo du khách quốc tế và trong nước đến nghỉ dưỡng, hòa mình vào không gian văn hóa đặc trưng của bản làng.

Người dân địa phương chế biến món ăn truyền thống. Người dân địa phương chế biến món ăn truyền thống.

Ông Lò Văn Khánh, Trưởng bản Mển cho biết: Ngày nào bản Mển cũng có khách đến thăm quan, giao lưu, trải nghiệm văn hóa cùng bà con. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, lượng khách đến với bản gia tăng hơn so với năm ngoái. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, bản chú trọng phục vụ tốt chất lượng các món ăn, vệ sinh môi trường sạch sẽ, tích cực tập luyện văn nghệ, giao lưu văn hóa chào đón du khách. Đội văn nghệ với 14 chị em tích cực tập luyện các tiết mục múa xòe, hát, nhảy sạp, đốt lửa phục vụ cho các chương trình giao lưu với du khách.

Đặc biệt, ẩm thực dân tộc là một nét văn hóa quan trọng góp phần tạo ấn tượng tốt đẹp và thúc đẩy quảng bá du lịch. Do vậy du khách khi đến với các bản văn hóa sẽ được thưởng thức rất nhiều món ăn đặc sản do chính người dân địa phương chế biến, như: gà nướng, thịt trâu gác bếp, thịt băm gói lá, nộm bì trâu, thịt hun khói, xôi nếp nương, gạo tám thơm, rượu Mông Pê, gà xương đen, dê núi…

Chị Hoàng Phương Thảo, du khách Hà Nội lên Ðiện Biên tham quan du lịch vào dịp Lễ hội Hoa ban, chia sẻ: “Ðây là lần đầu tiên tôi lên thăm Ðiện Biên, được thưởng thức các món ăn đặc sản của dân tộc Thái, tôi rất thích. Thích nhất là món cá nướng, xôi tím, tôi sẽ đặt mang về để người thân cùng thưởng thức”.

Ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho hay: “Việc tổ chức tốt Lễ hội Hoa ban là cơ hội quảng bá mảnh đất, con người Điện Biên, góp phần phát triển du lịch, chuyển đổi cơ cấu và thúc đẩy các ngành kinh tế khác của tỉnh”.

NAM HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.