Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Lễ Tạ ơn nông nghiệp trong đời sống văn hóa người Gia Rai

Quang Vinh - 6 giờ trước

Trong đời sống văn hóa tinh thần của các dân tộc ở Kon Tum nói chung và người Gia Rai ở huyện Sa Thầy nói riêng, lễ hội luôn giữ vai trò quan trọng trong cộng đồng. Đồng bào tổ chức nhiều nghi lễ lớn nhỏ và các lễ hội liên quan đến vòng đời người, đến chu trình sản xuất nông nghiệp,…; Trong đó, Lễ Tạ ơn (tiếng Gia Rai gọi là Tợ Gũ Mã Bruã) là một trong những nghi lễ nông nghiệp được đồng bào Gia Rai ở làng Chốt, thị trấn Sa Thầy tổ chức với quy mô gia đình.

Vợ chồng gia chủ tổ chức Lễ Tạ ơn chọn chỗ đất trống, đẹp để dựng cây nêu.
Vợ chồng gia chủ tổ chức Lễ Tạ ơn chọn chỗ đất trống, đẹp để dựng cây nêu.

Theo quan niệm của người Gia Rai, con người sinh ra chưa biết gì về thế giới của mình, chính các Yàng (thần linh) đã chỉ bảo cho dân làng biết làm rẫy trồng cây lúa, tỉa hạt bắp để có lương thực ăn, biết dệt vải để mặc, đan những chiếc gùi đẹp để dùng. Yàng phù hộ cho sức khỏe, phù hộ cho mùa màng được tốt tươi,… 

Vì vậy, để đền đáp công ơn của Yàng, các gia đình người Gia Rai tổ chức Lễ Tạ ơn để cúng trâu đen và dê cho Yàng, với mong muốn Yàng sẽ tiếp tục phù hộ cho gia đình mình gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.

Lễ Tạ ơn diễn ra trong 3 ngày, nhưng đồng bào phải chuẩn bị các điều kiện về vật chất, tinh thần trước đó cả tháng. Chủ nhà xem ngày và thông báo cho con cháu trong gia đình về việc chuẩn bị làm lễ. Khi ngày giờ đã được ấn định, tất cả thành viên trong gia đình bắt tay vào chuẩn bị rượu, gạo, trâu, dê, heo, gà... 

Thanh niên trai tráng vào rừng tìm gỗ thẳng ngọn, cây le giữa bụi để giúp gia đình dựng và trang trí dựng cây nêu
Thanh niên trai tráng vào rừng tìm gỗ thẳng ngọn, cây le giữa bụi để giúp gia đình dựng và trang trí dựng cây nêu

Thanh niên trai tráng vào rừng tìm gỗ thẳng ngọn, cây le giữa bụi để làm cây nêu. Những người khác xuống sông, suối bắt cá, lên rừng lấy đọt mây, rau rừng để chuẩn bị cho ngày hội được tổ chức chu đáo, đầm ấm.

Sau khi chặt đủ cây để làm cây nêu, chuẩn bị đầy đủ các lễ vật, tối hôm đó chủ nhà chuẩn bị một con gà và một ghè rượu nhỏ để làm lễ cúng báo cho các Yàng. Cúng báo xong, chủ nhà tổ chức ăn uống, mừng cho việc chặt cây về làm cây nêu đã hoàn tất. Lễ Tạ ơn của gia đình chính thức bắt đầu.

Ngày thứ nhất: Những người khéo tay nhất trong làng sẽ đến phụ giúp gia đình làm cây nêu, dây cột trâu, cột dê cho lễ hội. Những người còn lại được phân công theo khả năng của mình, người thì chặt cây, người chẻ nan, người làm chuỗi dây, làm tua, đan hoa văn trang trí,…


Chủ nhà dắt con trâu ra cây cột để làm lễ hiến sinh
Chủ nhà dắt con trâu ra cây cột để làm lễ hiến sinh

Khi các công đoạn đã hoàn tất, chủ nhà chọn vị trí dựng cây nêu để các thanh niên tiến hành đào hố. Cây nêu được dựng trước sân nhà, vị trí cây nêu cột dê phải ở phía mặt trời mọc, còn cây nêu cột trâu ở phía mặt trời lặn.

Sau khi vật hiến sinh đã được đưa vào vị trí từng cây nêu, các thành viên trong gia đình tập trung tại vị trí cây nêu trong nhà tiến hành thực hiện nghi thức cúng. Chủ nhà cắt tiết gà, sau đó thực hiện nghi thức quăng gà về phía đối diện cửa chính của ngôi nhà, nếu đầu gà quay ra cửa chính thì báo hiệu điềm tốt.

Sau khi thực hiện xong các nghi thức, đội cồng chiêng tiến vào trong nhà, tiếng cồng chiêng vang lên. Lúc này, chủ nhà chọn một ghè rượu to và ngon nhất cõng ra cột tại vị trí cây nêu ngoài sân để mời bà con dân làng uống trong những ngày diễn ra lễ hội.

Kết thúc các nghi lễ trong ngày, chủ nhà đại diện cho gia đình đi mời bà con trong làng đến chứng kiến chung vui với gia đình. Suốt đêm hôm đó, dân làng cùng ăn, uống rượu, đánh cồng đánh chiêng, múa xoang không biết mỏi chân, mỏi tay để thức cùng trâu.


Chủ lễ chuẩn bị một bát gạo có gắn nến bằng sáp ong rồi cùng các thành viên trong gia đình ra vị trí cây nêu để thực hiện nghi thức ném gạo vào các con vật hiến sinh
Chủ lễ chuẩn bị một bát gạo có gắn nến bằng sáp ong rồi cùng các thành viên trong gia đình ra vị trí cây nêu để thực hiện nghi thức ném gạo vào các con vật hiến sinh.

Ngày thứ hai, là ngày chính lễ, chủ nhà cùng con cháu có mặt đông đủ tại cây nêu để làm lễ hiến sinh trước sự chứng kiến của đông đảo bà con trong làng. Cồng chiêng tiếp tục nổi lên, vòng xoang dập dìu để tiễn biệt con vật yêu quý, thể hiện lòng chân thành sự tiếc thương, sự biết ơn đối với con vật đã làm vật hiến sinh cho Yàng.

Các thành viên trong gia đình lần lượt khấn và lấy gạo ném vào con vật hiến sinh. Nữ chủ nhà ném trước rồi đến các thành viên khác. Nghi thức này nhằm thông báo cho Yàng biết, đồng thời xin Yàng chấp nhận con dao để thực hiện nghi thức đâm trâu. Trong Lễ tạ ơn, đồng bào làm nghi thức hiến sinh trâu trước, sau đó mới đến dê.


Những người dân đến dự Lễ Tạ ơn mang theo ghè rượu ngon nhất để góp vui
Những người dân đến dự Lễ Tạ ơn mang theo ghè rượu ngon nhất để góp vui.

Các nghi thức đã hoàn tất, lúc này chủ nhà mời mọi người đến uống rượu nhận lộc của Yàng cùng với gia đình. Dân làng góp vui cùng với gia đình làm Lễ Tạ ơn bằng những ghè rượu thơm ngon nhất đã mang đến từ trước.

Ngày thứ ba là ngày cuối của Lễ Tạ ơn, với nhiều nghi thức quan trọng. Nếu như ngày đầu là sự hối hả chuẩn bị, ngày thứ hai là ngày hội tưng bừng, thì ngày thứ ba, con người như được cởi bỏ tất cả những băn khoăn, trăn trở của đời sống để thanh thản đón chờ ngày mới bắt đầu.

Tiếng cồng tiếng chiêng được vang lên trong suốt 3 ngày đêm họ cùng ăn, uống rượu, múa xoang không biết mỏi chân, mỏi tay để thức cùng trâu
Tiếng cồng tiếng chiêng được vang lên trong suốt 3 ngày đêm, dân làng cùng ăn, uống rượu, múa xoang vui vẻ để thức cùng trâu.

Ngày thứ ba, cũng còn được gọi là ngày ăn đầu trâu, chủ nhà làm lễ hạ Yàng. Kết thúc lời khấn, chủ nhà lấy xương đầu trâu gác lên vị trí trang trọng nhất bên trong mái chồ của nhà sàn, báo hiệu nghi lễ kết thúc. 

Lúc này, các thành viên trong gia đình thay nhau mời khách đến tham dự những cang rượu tình nghĩa, đồng thời gửi lời cảm ơn dân làng đã đến chung vui cùng với gia đình mình.

Theo người Gia Rai, chính các Yàng (thần linh) là người đã chỉ bảo cho họ biết làm rẫy trồng cây lúa, tỉa hạt bắp để ăn, biết dệt vải để mặc, đan những chiếc gùi đẹp
Theo quan niệm của người Gia Rai, chính các Yàng (thần linh) đã chỉ bảo cho đồng bào biết làm rẫy trồng cây lúa, tỉa hạt bắp để ăn, biết dệt vải để mặc, đan những chiếc gùi đẹp để dùng

Lễ tạ ơn là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Gia Rai, thể hiện khái quát nhận thức về thế giới quan cũng như tín ngưỡng của đồng bào về vạn vật hữu linh. Trong lễ hội này, có lúc Yàng là Vật tổ trong nghi lễ rước Yàng; có lúc Yàng là khách được mời xuống chung vui; cũng có lúc Yàng như một cá thể riêng lẻ, một thành viên của cộng đồng, cùng ăn cùng uống, cùng vui chơi trong lễ hội. 

Lễ Tạ ơn cũng là dịp để con cháu đoàn tụ sau những tháng ngày vất vả với công việc nương rẫy, là dịp để dân làng thể hiện tình đoàn kết gắn bó giữa các thành viên trong cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục
Người dân Hoà Bình vươn lên thoát nghèo nhờ du lịch cộng đồng

Người dân Hoà Bình vươn lên thoát nghèo nhờ du lịch cộng đồng

Với nhiều lợi thế về cảnh sắc thiên nhiên, bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời trên địa bàn, những năm qua, du lịch cộng đồng tại tỉnh Hòa Bình đang được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, khuyến khích người dân phát triển trở thành hướng đi chủ đạo. Nhờ đó, góp phần tạo sinh kế bền vững, giúp nhiều hộ đồng bào DTTS trên địa bàn thoát nghèo, từng bước vươn khá giả.