Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Lênh đênh làng chài giữa đại ngàn Tây Nguyên

Lê Hường - 11:08, 10/06/2020

Hồ thủy điện Buôn Tua Sarh trải dài từ xã Krông Nô, huyện Lăk (Đăk Lăk) đến xã Quảng Phú, huyện Krông Nô (Đăk Nông). Năm 2009, khi hồ thủy điện tích nước, một số hộ dân Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang… lên đây lập bè nuôi cá lồng và đánh bắt thủy sản tạo thành làng chài khoảng 40 hộ dân. Dập dềnh theo con nước đánh bắt cá, nuôi cá lồng và sơ chế làm các loại khô cá bán cho khách qua đường là nguồn thu chính của dân vạn chài nơi đây.

Trẻ em làng chài phụ gia đình bán khô cá trên chân cầu
Trẻ em làng chài phụ gia đình bán khô cá trên chân cầu

Hồ thủy điện Buôn Tua Sarh trải dài từ xã Krông Nô, huyện Lăk (Đăk Lăk) đến xã Quảng Phú, huyện Krông Nô (Đăk Nông). Năm 2009, khi hồ thủy điện tích nước, một số hộ dân Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang… lên đây lập bè nuôi cá lồng và đánh bắt thủy sản tạo thành làng chài khoảng 40 hộ dân. Dập dềnh theo con nước đánh bắt cá, nuôi cá lồng và sơ chế làm các loại khô cá bán cho khách qua đường là nguồn thu chính của dân vạn chài nơi đây.

Cầu số 22 (cầu Đăk Hyeo) cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột 85km, theo Quốc lộ 27 vắt qua hồ thủy điện Buôn Tua Sarh. Ở chân cầu, khoảng mươi quầy sạp của dân chài bày bán các loại khô cá nước ngọt vàng ươm, hấp dẫn. Từ trên cầu nhìn xuống hàng chục bè nổi trên mặt nước với những nóc nhà nhỏ, tạm bợ, bên dưới nuôi cá trên làm nơi ở.

Trong chiếc bè nhỏ giữa lòng hồ, vợ chồng ông Võ Văn Bích đang chơi đùa với đàn cháu nhỏ. Ông Bích kể: Ông cùng vợ con rời quê Đồng Tháp lên đây đã 12 năm. Gia đình 3 thế hệ cùng sinh sống trên chiếc bè nổi chật chội, nhưng với ông bây giờ niềm vui lớn nhất là quây quần bên con cháu.

“Mình sống quen với cảnh này mười mấy năm rồi, chỉ thương tụi nhỏ ở nơi chật chội không được đi học, vui chơi như những đứa trẻ trên bờ. Tôi chỉ mong Nhà nước tạo điều kiện để dân làng chài chúng tôi làm ăn khấm khá hơn. Tạo điều kiện cho lên bờ, con cháu đi học để có tương lai tươi sáng hơn”, ông Bích chia sẻ.

Cuộc sống khó khăn, bươn chải kiếm sống qua ngày nên nhiều gia đình không có điều kiện cho con học hành. Phần lớn con em ở làng chài chỉ học hết tiểu học là nghỉ ở nhà phụ giúp gia đình.

Em Hoàng Mỹ Quyên mới học hết lớp 7 đã nghỉ học ở nhà phụ việc gia đình. Hằng ngày em lên cầu đứng sạp bán các loại khô cá cho khách qua đường. May mắn thì có ngày em bán được vài trăm nghìn đồng tiền cá, nhưng có ngày chẳng bán được cân cá nào.

“Ở đây trẻ con chỉ học để biết chữ thôi chứ không được học nhiều đâu. Nhà nào có điều kiện hơn thì cho con học hết THCS, còn lại chỉ học hết tiểu học hoặc dở chừng THCS cũng phải nghỉ ở nhà làm việc”, Mỹ Quyên chia sẻ.

Gia đình ông Lâm Hoàng Vũ, quê Đồng Tháp được coi là hộ khá của làng chài. Hơn 10 năm trước, ông đưa vợ con lên hồ thủy điện này sinh sống. Chồng quăng chài, thả lưới bắt cá tự nhiên, vợ sáng sớm mang lên bờ đi bán cho người dân quanh khu vực. Khi tích lũy được ít vốn, vợ chồng đầu tư nuôi cá lồng để phát triển kinh tế.

Dù kinh tế khá hơn các hộ khác, nhưng điều mong muốn của ông Vũ là được lên bờ. “Chúng tôi đã nhiều lần làm đơn xin chính quyền hỗ trợ, tạo điều kiện cho chúng tôi được lên bờ, để bố mẹ có đủ điều kiện được vay vốn phát triển kinh tế, đám trẻ được đến trường học chữ. Giờ chỉ mong thoát cảnh lênh đênh sông nước thì cuộc sống của dân chài chúng tôi mới bớt khổ”, ông Vũ kiến nghị.

Theo lãnh đạo xã Krông Nô, các hộ dân trên lòng hồ thủy điện Buôn Tua Sarh đến đây sinh sống có đăng ký tạm trú, được tham gia đầy đủ hoạt động y tế, giáo dục của địa phương. Tuy nhiên, vì không có nhà ở, tài sản trên đất nên ngân hàng không thể cho vay vốn ưu đãi để đầu tư mở rộng bè nuôi cá. Trong khả năng của địa phương, UBND sẽ tạo điều kiện cho người dân đăng ký hộ khẩu thường trú tại xã để hưởng các chương trình phúc lợi theo quy định của Nhà nước. Còn về đất định cư cho người dân làng chài cần phải đợi chủ trương, quy hoạch của cấp có thẩm quyền.

Tin cùng chuyên mục
Vượt qua đau thương hướng tới “làng hạnh phúc”

Vượt qua đau thương hướng tới “làng hạnh phúc”

Với sự hỗ trợ của Trung ương, địa phương và toàn xã hội; khu tái định cư Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên (Lào Cai) đang dần hồi sinh sau thiên tai, vượt qua đau thương hướng tới “làng hạnh phúc”.