Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Liên hoan nghệ thuật hát Then-đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái toàn quốc lần thứ VI: Tôn vinh một loại hình văn hóa đặc sắc

PV - 10:54, 15/05/2018

Di sản văn hóa Then của các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam từ bao đời nay là một loại hình tín ngưỡng tâm linh dân gian đặc sắc, do nhân dân lao động sáng tạo, gắn liền với cuộc sống hằng ngày.

Mỗi dịp diễn ra Liên hoan hát Then-đàn Tính, hàng trăm nghệ nhân, diễn viên trong toàn quốc lại có cơ hội được trình diễn, giới thiệu những tinh hoa văn hóa then cổ, then mới đặc sắc của dân tộc mình, địa phương mình, từ đó nâng cao ý thức bảo tồn, truyền giữ di sản đặc sắc của cha ông.

Đặc sắc Then nghi lễ

Tham dự Liên hoan nghệ thuật hát Then-đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái toàn quốc lần thứ VI tại Hà Giang (từ ngày 13-15/5/2018), nghệ nhân Chu Thị Thà, dân tộc Tày (Đoàn Cao Bằng) đã giới thiệu đến công chúng trích đoạn: “Chiêu hồn 12 bến nước sông”. Nghệ nhân Chu Thị Thà giải thích, trích đoạn nói trên là một nghi lễ cúng giải hạn cho gia đình, thường được tổ chức vào đầu năm mới.

Chương trình nghệ thuật Liên hoan nghệ thuật hát Then-đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái toàn quốc lần thứ VI. Chương trình nghệ thuật Liên hoan nghệ thuật hát Then-đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái toàn quốc lần thứ VI.

Nghệ nhân Chu Thị Thà cho biết, bà có căn duyên làm Then từ 30 năm nay. Tổ tiên của bà đã có 7 đời làm Then-dòng then cổ miền Tây-Cao Bằng. Theo bà lý giải, dấu hiệu để nhận biết dòng Then và thứ bậc sấp sắc chính là chiếc mũ. Ví dụ, cấp 1 đội mũ màu đỏ, cấp 2-cấp 3 mũ màu vàng, lên tới cấp 5 là cấp cuối cùng (hết cấp) thì đội mũ màu đen. “Cái mũ tôi đang đội có màu đen, nghĩa là tôi đã được cấp sắc ở bậc cuối cùng rồi. Hiện tại, tôi đang có 6 đệ tử, tuổi đời từ 30-60. Các đệ tử đều là những người có căn duyên mở pháp và làm then rất giỏi”, bà Chu Thị Thà giải thích.

Còn thầy Then Nguyễn Văn Chự, dân tộc Tày (Đoàn Hà Giang) mang đến Liên hoan trích đoạn nghi lễ “Lẩu Then Booc mạ” với ý nghĩa bày tỏ lòng thành với trời, đất, các thần linh để cầu xin một năm mới làm ăn may mắn, ngô, lúa bội thu, con người được ấm no, hạnh phúc. Mâm lễ được chuẩn bị để tiến hành nghi lễ “Lẩu Then” gồm: 1 bát gạo để thắp hương, 3 thẻ hương, 3 tệp tiền vàng, 3 nến cốc, 1 con gà luộc, 1 đĩa xôi ngũ sắc, bánh nếp, rượu trắng, hoa quả… Thầy Then Chự giải thích, mỗi khi tổ chức “Lẩu Then”, các thầy then thường chọn những bông hoa Booc mạ mọc bên bờ suối có màu vàng rực, mùi thơm dịu ngọt, thanh khiết để dâng cúng lên Thiên đình…

Nỗi lo mai một

Trong đợt Liên hoan nghệ thuật hát Then-đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái toàn quốc lần thứ VI, có hơn 500 nghệ nhân, diễn viên của 14 tỉnh thành tham gia gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Đăk Nông, Đăk Lăk. Bình quân mỗi đoàn có từ 25-30 nghệ nhân, diễn viên tham gia.

baodantoc_dan_tinh_1

Ở một số đoàn, phần lớn các diễn viên chỉ biết hát Then cải biên (then mới) còn số nghệ nhân thành thạo diễn xướng Then nghi lễ, biết hát những bài Then cổ và múa chầu thì không có nhiều.

Nghệ nhân then Nguyễn Thái Học, thôn Tân Thành, xã Phương Độ, TP. Hà Giang chia sẻ, tại thôn Tân Thành hiện nay chỉ có một mình ông biết làm Then nghi lễ. Là người “say Then”, ông Thành đã đứng ra thành lập CLB hát Then, đàn Tính thôn Tân Thành để tập hợp những người yêu thích hát Then-đàn Tính và truyền dạy cho các thành viên trong CLB và cộng đồng người Tày trong xã. Tuy nhiên đến nay, ông vẫn chưa tìm được học trò nào trẻ tuổi để truyền dạy Then nghi lễ. “Tôi đang lo sau này khi mình già rồi về trời, ai sẽ thay tôi làm Then cho bà con trong thôn Tân Thành đây?”.

baodantoc_hat_then

Để công tác truyền dạy hát Then, đàn Tính đạt hiệu quả, nghệ nhân Nguyễn Thái Học và nhiều nghệ nhân đang tham gia Liên hoan dịp này mong muốn, được Nhà nước hỗ trợ kinh phí truyền dạy, bảo tồn di sản văn hóa. Bởi vì làm công tác bảo tồn văn hóa nếu không có sự đầu tư bài bản mà chỉ làm theo phong trào được chăng hay chớ sẽ rất khó bền vững.

Tối 13/5, tại Quảng trường 26/3, TP. Hà Giang đã diễn ra Lễ khai mạc Liên hoan Nghệ thuật hát Then, đàn Tính toàn quốc lần thứ VI và công bố Quy hoạch khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn. Tại Lễ Khai mạc, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên đã trao Quyết định Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 cho lãnh đạo tỉnh Hà Giang. Trước đó, nhiều hoạt động đã diễn ra trong khuôn khổ Liên hoan như: Biểu diễn, trình diễn những làn điệu hát Then, múa Then; Trình diễn nghề dệt vải của các dân tộc Tày, Nùng, Thái; Triển lãm “Di sản văn hóa then các dân tộc Tày, Nùng…

NGỌC ÁNH

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.