Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Liên kết bốn nhà để sản xuất nông sản bền vững

Nghĩa Hiệp - 22:23, 23/03/2020

Việc đưa nông sản xuất khẩu (XK) sang các nước châu Âu, Mỹ, Nhật… không còn xa lạ, tuy nhiên hầu hết mới là những nông sản thô. Doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu đi thu gom, không qua quy hoạch vùng nguyên liệu và chế biến, dẫn đến tình trạng mất giá hoặc không đạt tiêu chuẩn để XK. Trong khi giải pháp bốn nhà đã được đặt ra nhiều năm, nhưng tỷ lệ thành công liên kết và giữ được liên kết mới chỉ đạt mức 20%.

Áp dụng liên kết bốn nhà trong sản xuất, mỗi năm mỳ gạo Hùng Lô sản xuất được trên 30 tấn sản phẩm
Áp dụng liên kết bốn nhà trong sản xuất, mỗi năm mỳ gạo Hùng Lô sản xuất được trên 30 tấn sản phẩm

Liên kết bốn nhà là chuỗi liên kết giữa Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nông. Trong chuỗi liên kết này, lợi ích và trách nhiệm của mỗi bên đều được bảo đảm và hướng đến sự phát triển chung.

Là một trong những đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo hướng bốn nhà, anh Cao Đăng Duy, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) mỳ gạo Hùng Lô chia sẻ: “Người dân trong vùng trước nay sản xuất theo lối thủ công, tôi đã kêu gọi bà con thành lập HTX, chung vốn đầu tư dây chuyền sản xuất mới, cải tiến về máy móc, kỹ thuật... dần loại bỏ cách làm cũ, hướng đến sản xuất theo đúng quy trình về an toàn thực phẩm. Tiếp đó, tôi chủ động đăng ký thương hiệu sản phẩm mỳ gạo Hùng Lô. Thông qua các chương trình quảng bá sản phẩm, hội chợ OCOP do tỉnh tổ chức, sản phẩm của HTX đã được nhiều người đón nhận”.

Thực hiện tốt chuỗi liên kết bốn nhà, từ sản xuất thủ công, nhỏ lẻ, mỗi năm HTX của anh Duy đã bán ra thị trường trên 30 tấn sản phẩm, tạo việc làm ổn định cho 12 lao động, doanh thu đạt gần 3 tỷ đồng/năm.

Trong liên kết bốn nhà những người dân được tham gia vào chuỗi, hỗ trợ chính sách, nguồn vốn và định hướng cây trồng từ Nhà nước; nhà doanh nghiệp hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, thu mua ổn định và chế biến. Sự liên kết chặt chẽ này, đã giúp giá trị nông sản từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tỷ lệ thực hiện thành công và duy trì được chuỗi liên kết bốn nhà hiện nay trên cả nước chỉ chiếm 15 - 20%.

Nguyên nhân dẫn đến tính trạng trên, là do lợi ích và trách nhiệm của các bên không được gắn kết, chủ yếu những vướng mắc từ phía nhà nông và nhà kinh doanh, do hai bên không thống nhất được về phương thức canh tác, cũng như giá thành sản phẩm.

Từng là người cung cấp 3ha mía theo hợp đồng ký kết với Công ty CP Mía đường Lam Sơn, chị Hà Lan Hương nhớ lại: “Năm 2015, xã Tân Phong bắt đầu trồng mía, có rất nhiều công ty, đơn vị đến ký hợp đồng thu mua, giá lên đến 5 - 6 nghìn đồng/kg. Nhưng đến năm 2019, trong số các công ty thu mua, đơn vị trả cao nhất cũng chỉ trả 3.500 đồng/kg. Trong khi đó, các mối buôn khác trả giá cao hơn, nên chúng tôi không nhận cung cấp cho nhà máy đường nữa”.

Có thể thấy, việc làm tròn vai trò, trách nhiệm để giữ chuỗi liên kết không khó, nếu người nông dân không chạy theo lợi ích trước mắt, không trồng trọt chạy theo thị trường và không theo quy hoạch. Còn các nhà kinh doanh cũng cần phải có những cam kết, những chính sách, đầu tư, thu mua hấp dẫn, dựa trên mục tiêu chia sẻ lợi ích, minh bạch, cộng với sự vào cuộc của các nhà khoa học, thì hơn 7.500 doanh nghiệp chế biến nông sản khắp cả nước chắc chắn sẽ chế biến được hơn 120 triệu tấn nguyên liệu mỗi năm theo hướng chuyên nghiệp, bền vững, hạn chế được tình trạng được mùa mất giá…

Đây cũng sẽ là cơ hội lớn để áp dụng chuỗi liên kết bốn nhà trong sản xuất nông sản nước ta phát triển bền vững.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tỷ lệ thực hiện thành công và duy trì được chuỗi liên kết bốn nhà hiện nay trên cả nước chỉ chiếm 15 - 20%.