Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Liên kết sản xuất rau sạch, giúp người dân thoát nghèo

Lê Hải - 17:58, 12/09/2021

Với nhiều cách làm sáng tạo, tư duy đổi mới trong liên kết sản xuất, đảng viên Vàng Thống Cáo, dân tộc Bố Y ở xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ (Hà Giang) đã quyết tâm tiên phong trong phát triển bền vững nghề trồng rau sạch và bước đầu đã mang lại hiệu quả. Với cách làm nay đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân địa phương.

Anh Vàng Thống Cáo (mặc áo xanh ) hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng dưa leo
Anh Vàng Thống Cáo (mặc áo xanh ) hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng dưa leo

Với mong muốn phát triển bền vững nghề trồng rau sạch, giúp bà con nông dân có thêm thu nhập, anh Vàng Thống Cáo, Tổ trưởng Tổ sản xuất rau an toàn thôn Đông Tinh, xã Quyết Tiến đã tìm cách liên kết các nông hộ lại với nhau để cùng phát triển sản xuất.

Anh Cáo chia sẻ, nhận thấy trên địa bàn xã có thế mạnh về trồng cây ngắn ngày, do có độ ẩm cao, đất đai màu mỡ nhưng bà con mình vẫn chưa biết cách khai thác thế mạnh này. Do đó, từ kinh nghiệm trồng rau sạch đi tiêu thụ ở các tỉnh dưới xuôi trong vài năm gần đây, anh đã tự mình tìm đầu mối để liên kết sản xuất. Sau khi đặt vấn đề với Công ty TNHH Dưa Leo Quê Vùng Miền ở Bắc Ninh, doanh nghiệp đã trực tiếp lên khảo sát và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm dưa leo. Anh Cáo tự đứng ra kêu gọi bà con cùng tham gia vào chuỗi trồng và cung ứng dưa leo. Bên cạnh đó, anh nhờ sự vào cuộc của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cùng vận động, thuyết phục bà con và đã có 45 hộ tham gia trồng dưa leo với tổng diện tích là 9 ha.

Là một trong những hộ tham gia chuỗi liên kết trồng dưa leo, ông Nguyễn Đình Sơn, thôn Vĩnh Tiến chia sẻ: “Nhà tôi trồng gần 1.000 m2 dưa leo, từ tháng 4 đến nay đã thu hoạch được 5 tấn quả, bán cho doanh nghiệp với giá 5 nghìn đồng/kg. Sau vụ đầu tiên, tôi nhận thấy cây dưa leo dễ trồng, thích nghi tốt với đất đai, khí hậu nơi đây. Hơn nữa, trồng loại cây này không phải lo đầu ra cho sản phẩm, thu hái đến đâu doanh nghiệp thu mua đến đó. Thời gian tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục trồng dưa leo theo chuỗi liên kết”.

Được biết, ông Sơn đã đầu tư hơn 10 triệu đồng tiền giống, phân bón vào trồng dưa leo, cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Theo đánh giá của gia đình, cây dưa leo mang lại năng suất cao hơn so với trồng rau.

Anh Vàng Thống Cáo (bên phải) hướng dẫn người dân đóng gói dưa leo để chuyển cho Công ty TNHH Dưa Leo Quê Vùng Miền
Anh Vàng Thống Cáo (bên phải) hướng dẫn người dân đóng gói dưa leo để chuyển cho Công ty TNHH Dưa Leo Quê Vùng Miền

Chỉ tay vào những luống dưa đang trong thời kỳ cho quả, anh Cáo chia sẻ thêm, giống dưa leo trồng ở đây rất được thị trường ưa chuộng do quả ngọt, chắc. Dưa leo là loại cây trồng có thời gian thu hoạch ngắn ngày, sau khi trồng đến 45 ngày là bắt đầu cho thu hoạch. Mỗi đợt thu hái cách nhau khoảng 1 ngày. Trồng dưa leo không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, chỉ cần bón phân, tỉa nhánh đúng thời kỳ. Vào dịp thu hoạch, mỗi ngày tôi có thể hái 2 lần vào buổi sáng và chiều.

Tuy nhiên, anh cũng trăn trở khi bà con mình trồng dưa leo chưa đạt năng suất cao như mong đợi. Chính vì vậy, anh đã thành lập nhóm Zalo để chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng dưa và các loại cây khác, tư vấn cho bà con nên trồng cây gì theo từng mùa vụ. Anh còn tự mình thành lập nhóm thi đua trồng dưa leo, treo giải thưởng cho hộ trồng dưa đạt năng suất cao nhất.

Phó Chủ tịch UBND xã Quyết Tiến- Nguyễn Văn Tuân cho biết: Sau một thời gian ngắn triển khai cho thấy, mô hình sản xuất dưa leo đạt hiệu quả, trừ chi phí, trung bình mỗi hộ có thu nhập từ 10 đến 20 triệu đồng/vụ. Mô hình đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của xã. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền cho bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, liên kết trong sản xuất để đem lại hiệu quả kinh tế cao”.  

Công ty TNHH Dưa Leo Quê Vùng Miền thu mua dưa leo của người dân xã Quyết Tiến chuyển về dưới xuôi
Công ty TNHH Dưa Leo Quê Vùng Miền thu mua dưa leo của người dân xã Quyết Tiến

Câu chuyện trên đã minh chứng rõ nét sự sáng tạo cũng như tính đoàn kết của cộng đồng dân tộc Bố Y nói riêng và đồng bào các dân tộc nói chung. Trong điều kiện dịch bệnh còn nhiều khó khăn, họ đã biết lựa chọn hướng đi rất phù hợp. Đây không chỉ là một mô hình hay mà nguồn truyền cảm hứng để cộng đồng các dân tộc học tập kinh nghiệm ứng dụng phù hợp với địa phương mình. 

Tin cùng chuyên mục
Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Thời gian qua, huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) đã triển khai nhiều mô hình sinh kế mới như nuôi hưu lấy nhung, chuỗi liên kết sản xuất chè, chuỗi sản xuất về chăn nuôi heo, bò… Những mô hình này không chỉ cải thiện sinh kế cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.