Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nghề nghiệp - Việc làm

Chàng trai khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch

Ngọc Linh - 10:58, 02/11/2020

Mặc dù đã vào làm việc ổn định trong cơ quan Nhà nước nhưng đồng lương eo hẹp, kinh tế gia đình quá khó khăn nên chàng trai Đinh Quang Tuấn, SN 1992, trú tại Tổ 2, phường Thống Nhất, TP. Pleiku (Gia Lai) quyết định xin nghỉ việc để về nhà khởi nghiệp bằng mô hình trồng rau sạch. Đầu năm 2020, mô hình trồng rau sạch với sản phẩm dưa leo mini Nhật Bản của anh Tuấn đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn Vietgap.

Anh Đinh Quang Tuấn (bên trái) trong nhà lồng trồng dưa leo mini Nhật Bản của mình
Anh Đinh Quang Tuấn (bên trái) trong nhà lồng trồng dưa leo mini Nhật Bản của mình

Ngã rẽ nghề nghiệp

Từng tham gia hoạt động Đoàn ở địa phương, nhờ sự nhiệt huyết, năng động, trách nhiệm, anh Đinh Quang Tuấn được kết nạp Đảng rồi được phân công làm Phó Ban Chỉ huy quân sự phường Thống Nhất. 

Sau khi lập gia đình, sinh con, chi phí sinh hoạt tăng lên nhưng đồng lương quá eo hẹp, Đinh Quang Tuấn quyết định xin nghỉ việc Nhà nước, ra ngoài làm để cải thiện thu nhập. Công việc anh chọn là thi công nhà lồng cho những trang trại trồng rau sạch hoặc những hộ chơi phong lan. 

Để phục vụ công việc ngày càng tốt hơn, anh thường xuyên lên mạng Internet cập nhật thông tin, nhờ đó, anh biết tới mô hình trồng rau thủy canh và bắt tay vào nghiên cứu, thực hiện ý tưởng khởi nghiệp…

Sau bao gian nan, đến tháng 9/2017, cơ sở sản xuất rau sạch bằng phương pháp thủy canh trong căn nhà lồng rộng 400m2 của anh Đinh Quang Tuấn đi vào hoạt động. Trong nhà lồng, anh trồng chủ yếu các loại rau muống, xà lách, các loại rau cải... Bình quân mỗi tháng, nhà lồng của anh xuất ra thị trường khoảng 1 tấn rau các loại với giá khoảng 40.000 đồng/kg. Sản phẩm được khách hàng đánh giá cao vì không sử dụng các loại thuốc kích thích và hóa chất diệt côn trùng.

Ban đầu khách hàng của anh chủ yếu là những người quen, một số đại lý bán rau sạch trên địa bàn TP. Pleiku. Sau đó, anh Tuấn đã tạo nhiều kênh bán hàng thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo, dần dần lượng khách hàng được mở rộng, mang lại thu nhập cao hơn cho anh và các thành viên trong mạng lưới bán hàng.

Đa dạng sản phẩm sạch 

Để tăng cường đầu tư sản xuất rau sạch, Đinh Quang Tuấn quyết định làm thêm một khu nhà lồng để trồng dưa leo mini Nhật Bản. Anh còn liên kết với những trang trại nhà lồng trồng các loại thực phẩm sạch khác trên địa bàn để thành lập hợp tác xã nhằm đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu phong phú của người tiêu dùng. 

Nhờ một người quen cho mượn đất, đến tháng 11/2019, nhà lồng trồng dưa leo mini Nhật Bản với diện tích 600m2 đi vào hoạt động. Ngay vụ đầu tiên, nhà lồng này đã thu được trên 2 tấn quả. Với giá bán 25.000 - 30.000 đồng/kg, anh Tuấn thu về khoảng 25 triệu đồng. 

Anh Đinh Quang Tuấn chia sẻ, việc trồng dưa leo mini Nhật Bản không khó, chỉ tốn nhiều công chăm sóc. Cụ thể, 1 hạt giống sau khi ươm, đưa vào trồng trong giá thể thì chỉ sau 35 ngày sau là đã cho thu hoạch, mỗi chi từ 8 đến 12 trái. Vì được trồng theo phương pháp tưới nhỏ giọt của Israel nên dinh dưỡng luôn được cung cấp bảo đảm, do đó mỗi ngày, cây dưa lại cao thêm 1 chi dài khoảng 20cm, bung trái xum xuê. Từ ngày bắt đầu thu hoạch dưa, ngày nào anh Tuấn cũng thu 2 đợt và hái đến ngày thứ 30 thì kết thúc. 

Đánh giá về mô hình của Nhóm, ông Phạm Toàn Vinh, Chủ tịch UBND phường Thống Nhất cho biết, bản thân ông cũng là khách hàng thường xuyên của trang trại này. "Thấy anh em trẻ đam mê sản xuất thực phẩm sạch, phường hết sức ủng hộ. Sắp tới, phường sẽ đề nghị lên cơ quan chức năng của thành phố tìm hướng hỗ trợ để anh Tuấn xây dựng thương hiệu nhằm tạo chỗ đứng bền vững trên thị trường", ông Vinh cho biết thêm.