Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Loại hình Then văn nghệ đang có xu hướng phát triển mạnh ở Bắc Giang

Đông Khánh - Ngân Nhi - 19:48, 13/10/2021

Thời gian qua, ngành Văn hóa của tỉnh Bắc Giang đã tổ chức kiểm kê di sản then tại các xã có đông đồng bào dân tộc Tày, Nùng sinh sống. Từ đó đưa ra các giải pháp bảo tồn và phát huy di sản then Tày- Nùng một cách hiệu quả nhất.

Then văn nghệ ngày càng có sức sống trong đời sống tinh thần của đồng bào Tày- Nùng tỉnh Bắc Giang
Then văn nghệ ngày càng có sức sống trong đời sống tinh thần của đồng bào Tày- Nùng tỉnh Bắc Giang

Ở tất cả các thôn bản có người Tày, Nùng sinh sống, then vẫn được bà con yêu thích và gìn giữ, đặc biệt là các nghi lễ then. Mỗi năm, vào mùa xuân hoặc sau khi thu hoạch xong mùa màng, cũng là lúc đồng bào tổ chức các nghi lễ then. Tiếng trầm bổng phát ra từ cây đàn tính quyện với những lời ca, tiếng hát như đưa mọi người vào một không gian huyền  ảo. Các nghi lễ then tập hợp rất nhiều người đến xem và tham gia giúp việc. Mọi người chăm chú nghe các trường đoạn, các câu chuyện được thể hiện qua lời hát của thầy then trong quá trình cúng lễ và thấy được lịch sử dân tộc mình trong đó. Sau mỗi nghi lễ then là niềm vui thỏa nguyện của mọi người cả về tâm linh và sự thưởng thức văn hóa.

Tại Bắc Giang, ngành Văn hoá đã tổ chức kiểm kê di sản then tại các xã có đông người Tày, Nùng sinh sống thuộc 5 huyện gồm: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang và Yên Thế. Nội dung kiểm kê tập trung vào nghệ nhân then (những người làm then tâm linh); thầy tào; Lục hương (học trò theo học nghề then); Lục lẻng (những người được thầy then chữa khỏi bệnh, theo thầy làm con nuôi); Người hát then-đàn tính không chuyên nghiệp (then văn nghệ quần chúng); Các tổ chức sinh hoạt hát then- đàn tính cho cộng đồng; Những hiện vật có liên quan đến di sản hát then; Tư liệu có liên quan đến di sản hát then (sách, báo, tạp chí, tài liệu chép tay…).

Nghệ nhân Ưu tú Chu Thị Hồng Vân, thôn Hố Cao, xã Hương Sơn huyện Lạng Giang thực hành nghi lễ then.
Nghệ nhân Ưu tú Chu Thị Hồng Vân, thôn Hố Cao, xã Hương Sơn huyện Lạng Giang thực hành nghi lễ then.

Theo báo cáo của ngành Văn hoá Bắc Giang, quá trình điều tra đã thống kê được 31 nghệ nhân làm then (8 nam và 23 nữ). Các thầy làm then có 2 trường hợp, một là do “cha truyền con nối” nhiều đời; hai là có duyên với then mà theo học rồi dần dần trở thành thầy then.

Then được chia làm 2 loại là then nghi lễ và then văn nghệ. Then nghi lễ gồm những hình thức sau: Lễ cầu an, giải hạn, lễ cầu tự, lễ then gửi con, cắt tiền duyên, cầu mùa, cầu đảo, diệt trùng; lễ then chữa bệnh; then vui mừng, chúc tụng, ca ngợi (mừng nhà mới, mừng sinh nhật); then dùng trong tang lễ; nghi lễ then dùng cho thầy then (then tiểu lễ, đại lễ). 

Then nghi lễ là phương tiện truyền tải mong ước, kỳ vọng của con người về việc thay đổi hiện thực cuộc sống, hiện thực xã hội trong từng thời kỳ lịch sử nhất định. Nội dung lời ca trong các nghi lễ then thường có cả những bài ca diễn xướng có nhiều chương, đoạn miêu tả về cuộc sống trần thế và những mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên.

Hát then văn nghệ ngày càng trở nên phổ biến ở Bắc Giang
Hát then văn nghệ ngày càng trở nên phổ biến ở Bắc Giang

Bên cạnh then nghi lễ còn có then văn nghệ. Tất cả những sinh hoạt then giao duyên, trong lao động, sản xuất, đối đáp nam nữ đều được gọi chung là then văn nghệ. Đó là những làn điệu được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày để truyền tải tâm tư, tình cảm của người hát. Người hát có thể biết chơi đàn tính hoặc không. 

Bà Bùi Thị Lộc ở bản Gà, xã Vân Sơn (Sơn Động) cho biết: Các bài hát then không chỉ hay về nhạc điệu mà mỗi ngôn từ còn hàm chứa nhiều tư tưởng nhân văn sâu sắc, khơi dậy trong mỗi chúng ta lòng yêu thương con người, yêu cuộc sống.

Ở huyện Sơn Động rất phổ biến then văn nghệ. Cả tỉnh Bắc Giang 7 CLB then thì đã có 3 CLB ở huyện Sơn Động gồm các xã Hữu Sản, Vân Sơn, Vĩnh Khương. Then được đưa vào trình diễn trong hầu hết các buổi liên hoan, giao lưu văn nghệ của huyện. Đây cũng là loại then có nhiều sáng tác lời mới dựa trên những làn điệu cũ. Loại hình nghệ thuật này có sức lôi cuốn kỳ lạ, khích lệ tinh thần mọi người thêm vui vẻ, xua tan phiền muộn, sự cực nhọc vất vả trong cuộc sống, hướng tới những điều tốt đẹp.

Bà Đàm Thị Mùi tại xã Hương Sơn (Lạng Giang) thực hành nghi lễ then
Bà Đàm Thị Mùi tại xã Hương Sơn (Lạng Giang) thực hành nghi lễ then

Từ năm 2019, UNESCO đã ghi danh thực hành then của người Tày, Nùng, Thái của Việt Nam vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Để tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị di sản then Tày - Nùng, bên cạnh việc duy trì, phát triển  các CLB hát then- đàn tính trên địa bàn có đông đồng bào Tày, Nùng sinh sống để lan tỏa trong đời sống cộng đồng; các nhà chuyên môn cần tích cực, chủ động nghiên cứu, tìm hiểu sâu về các hình thức sinh hoạt, thực hành di sản then. Tập hợp những nhà nghiên cứu có chuyên môn sâu về Hán - Nôm nhằm tìm hiểu nguồn thư tịch cổ, các sách được người Tày, Nùng lưu giữ để hiểu rõ về nội dung các bài then, nghi lễ, từ đó đưa ra những nhận định chính xác, phù hợp về hướng bảo tồn, phát huy giá trị di sản. 

Tin cùng chuyên mục
Người truyền dạy tri thức dân tộc Dao ở vùng cao Bát Xát

Người truyền dạy tri thức dân tộc Dao ở vùng cao Bát Xát

Ông Vàng Duần Phù, sinh năm 1971, dân tộc Dao, được biết đến là người thầy dạy chữ, dạy những đạo lý tốt đẹp cho lớp thanh niên trong cộng đồng dân tộc Dao đỏ ở xã Dền Sáng, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Ông được bầu là Người có uy tín với những đóng góp trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc Dao.