Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Loay hoay giải bài toán thiếu nước sinh hoạt ở Đắk Lắk: Cần có cơ chế quản lý và vận hành chuyên nghiệp (Bài 2)

Lê Hường - 11:57, 05/06/2024

Một trong những giải pháp quan trọng để giải bài toán thiếu nước sinh hoạt, là việc đầu tư các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung. Tuy nhiên, những bất cập ngay từ khâu đầu tư, thiết kế thi công đến quản lý vận hành đã khiến cho nhiều công trình xây dựng tiền tỷ ngừng hoạt động, hoạt động cầm chừng. Tình trạng này đã được ngành chức năng tỉnh xác định, từ đó đề xuất giải pháp khắc phục...

Nhiều người dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk lấy nước suối về sử dụng
Nhiều người dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk lấy nước suối về sử dụng

Nhiều năm qua, hàng trăm hộ đồng bào dân tộc MNông ở xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là vào mùa khô.

Xã Yang Tao có 10 buôn, với hơn 9.000 nhân khẩu, trong đó, đồng bào DTTS chiếm khoảng 96%, chủ yếu là đồng bào dân tộc MNông. Cả xã hiện chỉ có buôn Cuôr Tak được sử dụng nguồn nước sạch, còn lại người dân ở các buôn khác phải sử dụng nước giếng để sinh hoạt. Tuy nhiên, nước giếng ở nhiều buôn Dơng Yang, Năm Pă, Biăp bị nhiễm phèn và việc đào, khoan giếng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, mùa khô năm 2024, toàn xã Yang Tao hơn 600 hộ dân tại các buôn thiếu nước sinh hoạt, phải lấy nước suối về sử dụng.

Tương tự, hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện Krông Bông, cũng rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô. Cụ thể, đến tháng 5 toàn huyện có gần 600 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Một công trình nước sạch nông thôn tập trung ở huyện Cư M’gar hư hỏng, ngưng hoạt động
Một công trình nước sạch nông thôn tập trung ở huyện Cư M’gar hư hỏng, ngưng hoạt động

Điều đáng nói, không ít hộ dân sống bên công trình nước sạch nông thôn tập trung nhưng vẫn chịu cảnh “khát” nước sạch.

Trước đây, đồng bào DTTS ở xã Ea Sin sử dụng nước giếng đào, nước ở các khe suối về sử dụng. Tuy nhiên, có nhiều giếng nước bi nhiễm phèn có màu đỏ, mùi tanh không dùng được. Năm 2020, người dân trên địa bàn xã vui mừng công trình cấp nước sạch sinh hoạt tập trung bàn giao, đưa vào sử dụng. Những tưởng, người dân sẽ được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, nhưng niềm vui ngắn ngủi, công trình vận hành không mấy hiệu quả.

Dự án cấp nước sinh hoạt tập trung xã Ea Sin, có mức đầu tư hơn 13 tỷ đồng, phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho 380 hộ dân ở 4 buôn Cư Mtao, Cư Kanh, Ea Pông và Ea Sin. Mặc dù dự án đưa vào sử dụng chưa lâu nhưng đã có dấu hiệu hư hỏng, mạng lưới đường ống rò rỉ, hệ thống máy bơm có dấu hiệu xuống cấp, ảnh hưởng đến việc cấp nước sạch cho bà con.

Ông Y Dinh Niê, buôn Ea Sin cho biết: Vòi nước dẫn đến tận nhà, nhưng hơn 2 năm nay, công trình hoạt động cầm chừng, giờ cao điểm gần như không có nước. Giếng đào của gia đình cũng cạn kiệt, suốt mấy tháng nắng hạn vừa qua, gia đình tôi đến suối lấy nước về dùng.

Để người dân có nước sạch sinh hoạt, xã Ea Sin thực hiện cấp nước luân phiên cho các buôn, riêng buôn Cư Mtao nước không đến được xã bố trí hai bồn nước ở đầu buôn phục vụ người dân.

Mùa khô năm 2024, người dân ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnhthiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.  Đến tháng 5/2024, tỉnh Đắk Lắk có khoảng 1.348 hộ, hơn 5.300 khẩu sử dụng nước giếng bị thiếu nước sinh hoạt. Trong mùa khô vừa qua, các hộ phải đi xin hoặc mua nước về sử dụng.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có 215 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung. Trong đó, UBND cấp huyện quản lý, khai thác 175 công trình, thiết kế cấp nước cho hơn 42 nghìn hộ dân, tổng kinh phí đầu tư gần 326 tỷ đồng. Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Đắk Lắk, hiện quản lý, khai thác 40 công trình, thiết kế cấp nước cho hơn 34 nghìn hộ, tổng kinh phí đầu tư hơn 432 tỷ đồng. Các công trình do Trung tâm quản lý, vận hành đang hoạt động hiệu quả.

Không ít hộ đồng bào DTTS xã Ea Sin sống bên công trình nước sạch nhưng thiếu nước sinh hoạt
Không ít hộ đồng bào DTTS xã Ea Sin sống bên công trình nước sạch nhưng thiếu nước sinh hoạt

Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 128 công trình đã đầu tư hoàn chỉnh và 87 công trình đầu tư chưa hoàn chỉnh chỉ phục vụ cấp nước tạm thời. Trong số, công trình đầu tư hoàn chỉnh có 52 công trình đã ngưng hoạt động. Tất cả các công trình cấp nước ngưng hoạt động đều do UBND cấp huyện, cấp xã hoặc các ban chuyên môn của huyện làm chủ đầu tư, cấp xã hoặc cộng đồng quản lý, vận hành.

Để phát huy hiệu quả các công trình nước sinh hoạt tập trung cần phải có cơ chế chuyên nghiệp. Trước hết, UBND các huyện và đơn vị liên quan rà soát nhu cầu sử dụng nước tại các công trình cấp nước kém hiệu quả, ngưng hoạt động, đề xuất chủ trương hoặc tự lồng ghép các nguồn cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, đồng thời kiện toàn tổ chức vận hành.

Nguyễn Minh ChíPhó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk

Nguyên nhân được xác định do cơ chế vận hành chưa chuyên nghiệp, đơn vị quản lý vận hành hạn chế về chuyên môn, quản lý; công tác thông tin, truyền thông trước khi đầu tư xây dựng chương trình, chưa được các chủ đầu tư chú ý dẫn đến khi công trình hoàn thành người dân không sử dụng hoặc sử dụng hạn chế; các công trình đầu tư có quy mô nhỏ dưới 100 hộ, đầu tư chưa hoàn chỉnh, chủ yếu giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt khẩn cấp…

Trên thực tế rất nhiều công trình ngưng hoạt động do xác định nguồn nước chưa phù hợp, thiếu nước vào mùa khô, chất lượng nguồn nước không đảm bảo; trong khi nhiều công trình không có hoặc có hệ thống xử lý nước nhưng chưa đảm bảo yêu cầu dẫn đến chất lượng nước không đảm bảo, công trình hoạt động kém hiệu quả.

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Minh Chí, để phát huy hiệu quả các công trình nước sinh hoạt tập trung, cần phải xây dựng cơ chế vận hành chuyên nghiệp. Trước hết, Ủy ban Nhân dân các huyện và đơn vị liên quan rà soát nhu cầu sử dụng nước tại các công trình cấp nước kém hiệu quả, ngưng hoạt động, đề xuất chủ trương hoặc tự lồng ghép các nguồn cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, đồng thời kiện toàn tổ chức vận hành. Bên cạnh đó, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư công trình có quy mô liên thôn, liên xã; hạn chế việc đầu tư quy mô nhỏ; xác định đơn vị quản lý vận hành để khi lập dự án có sự phối hợp tham gia ý kiến về kỹ thuật…

Tin cùng chuyên mục
Chính thức điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng từ ngày 01/7/2024

Chính thức điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng từ ngày 01/7/2024

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV với 100% đại biểu có mặt tham gia biểu quyết tán thành. Tại Nghị quyết này, Quốc hội quyết nghị Căn cứ Kết luận số 83 ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị và Báo cáo số 329 ngày 21/6/2024 của Chính phủ, Quốc hội thống nhất thực hiện các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024.