Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Lối đi nào cho năng lượng tái tạo?

Sỹ Hào - 10:15, 04/03/2020

Thời gian qua, với nhiều cơ chế, chính sách phù hợp, hàng loạt dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời… - NLTT) đã được triển khai. Nhưng đường truyền tải hạn chế đang khiến một phần lớn nguồn NLTT bị “đóng băng”, trong khi điện vẫn phải nhập khẩu, còn môi trường đang bị ô nhiễm vì các nhà máy điện than

Tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than nếu không được xử lý sẽ là mối đe dọa đối với môi trường.
Tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than nếu không được xử lý sẽ là mối đe dọa đối với môi trường

Khuyến khích phát triển năng lượng sạch

Theo Quy hoạch phát triển điện lưới quốc gia năm 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 sửa đổi (Quy hoạch điện VII sửa đổi), dự báo tốc độ tăng trưởng sản lượng điện vẫn ở mức trên 10%/năm, gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước. Nguồn thủy điện trên cả nước về cơ bản đã khai thác gần hết, để bảo đảm nguồn điện buộc phải phát triển nhiệt điện than.

Tuy nhiên, nếu không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ thì nhiệt điện than là mối đe dọa thực sự đối với môi trường. Theo đánh giá của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện các nhà máy nhiệt điện than trên cả nước thải mỗi năm khoảng 29 triệu tấn tro, xỉ; cùng với đó là khoảng hàng triệu tấn/năm chất vô cơ không cháy bay theo khói lò thoát ra ngoài.

Trước thực trạng đó, phát triển năng lượng “xanh” đang là xu hướng, được đánh giá sẽ là nguồn cấp điện quan trọng. Ngày 11/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án NLTT tại Việt Nam.

Theo đó, sản lượng điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới trước ngày 30/6/2019 sẽ được mua với giá 2.086 đồng/kWh trong vòng 20 năm; trong khi khung giá mua điện đối với nhà máy nhiệt điện than dao động 1.677,02 - 1.896,05 đồng/kWh, nhà máy thủy điện là 1.110 đồng/kWh.

Với chính sách khuyến khích về giá này, hàng loạt dự án NLTT đã được đầu tư. Chỉ riêng 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đã có 38 nhà máy điện gió, điện mặt trời đưa vào vận hành, với tổng công suất đặt 2.027 MW. Dự kiến, đến tháng 12/2020, công suất điện gió và điện mặt trời ở hai tỉnh này sẽ tăng lên 4.240MW.

Dư điện, thiếu đường dây!

Phát triển NLTT là xu hướng tất yếu để vừa bảo đảm nguồn điện phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, thực tế phát triển nguồn năng lượng sạch này của nước ta đang cho thấy sự nóng vội nhất định.

Theo Quy hoạch điện VII sửa đổi (tại Quyết định số 428/QĐ-TTg, ngày 18/3/2016), mục tiêu đến năm 2020, công suất các nhà máy NLTT của cả nước là 2.060MW. Nhưng chỉ tính riêng 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, hiện công suất NLTT đã vượt quy hoạch của cả nước (dự báo đến tháng 12/2019, công suất điện gió và điện mặt trời ở hai tỉnh này sẽ tăng lên 4.240MW).

Điện từ NLTT dồi dào nhưng lưới điện quốc gia hiện không đủ khả năng để truyền tải. Đơn cử như đường dây 100kV Phan Rí - Ninh Phước (Bình Thuận), khả năng truyền tải chỉ đạt khoảng 100MW; nhưng hiện đường dây này đã có thêm 10 dự án điện mặt trời nối lưới với tổng công suất khoảng 400MW.

Lưới điện quá tải nên buộc các nhà máy điện tái tạo phải giảm công suất so với thiết kế. Theo số liệu của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (thuộc EVN), trong tháng 6/2019, đơn vị buộc phải điều chỉnh giảm tải điện ở các nhà máy điện tái tạo 38 - 65% công suất thiết kế, không phân biệt dự án điện gió hay mặt trời.

Để giải bài toán “dư điện, thiếu đường dây”, các địa phương cũng như chủ đầu tư các dự án NLTT đề nghị Chính phủ đầu tư nâng cấp, xây dựng mới lưới điện quốc gia. Đây là phương án cần phải nghiên cứu để thực hiện; nhưng là về lâu dài. Bởi để đầu tư lưới điện từ 200 - 500kV cũng phải tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng, thời gian thực hiện cũng không thể ngày một ngày hai.

Trước mắt, để tránh rơi vào tình trạng đầu tư ồ ạt, bị động như hiện nay, cần quy hoạch lại các dự án NLTT. Đặc biệt, khi đã có quy hoạch thì cần làm đúng nội dung đã vạch ra; trong đó vai trò của Bộ Công Thương và chính quyền các địa phương là mấu chốt.

Tin cùng chuyên mục
Du lịch nội địa - Bao giờ mới chuyên nghiệp?

Du lịch nội địa - Bao giờ mới chuyên nghiệp?

Lạm thu phí tham quan di tích, danh lam thắng cảnh; khâu tổ chức phân luồng kém dẫn đến tình trạng nhốn nháo, lộn xộn, tắc nghẽn trên đường lên tham quan di tích; cáp treo quá tải nhưng nhà ga vẫn tiếp tục bán vé để mặc du khách xếp hàng đợi cả vài tiếng đồng hồ… Đây là thực trạng đã và đang diễn ra nhiều năm nay tại không ít điểm tham quan di tích, danh lam thắng cảnh ở Việt Nam khiến du khách không khỏi bức xúc, thất vọng.