Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Lời giải nào cho “đề thi” thừa-thiếu giáo viên?

PV - 10:22, 03/08/2018

Nghịch lý thừa-thiếu giáo viên tồn tại dai dẳng nhiều năm nay là một “nút thắt” trong việc đổi mới, cải cách giáo dục. Muốn tháo gỡ thì phải bắt đầu từ việc sửa đổi những quy định chưa phù hợp trong tuyển dụng giáo viên hiện nay.

Bài 2: Cần một giải pháp tận gốc

Thừa do tuyển ồ ạt

Theo Nghị định 115/2010/NĐ-CP, ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, UBND các cấp có thẩm quyền tuyển dụng biên chế cho các cơ sở giáo dục; Sở/Phòng Giáo dục chỉ có chức năng tham mưu, đề xuất. Theo kết quả thanh tra của cơ quan chức năng, đây chính là nguyên nhân dẫn đến nghịch lý thừa giáo viên phổ thông dai dẳng trong những năm qua.

Ở nhiều điểm trường miền núi vẫn còn tình trạng lớp ghép do thiếu giáo viên và học sinh. (Ảnh minh họa) Ở nhiều điểm trường miền núi vẫn còn tình trạng lớp ghép do thiếu giáo viên và học sinh. (Ảnh minh họa)

Đầu năm 2018, sau quá trình thanh tra tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công thương và 09 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hải Dương, Đăk Lăk, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương), Thanh tra Chính phủ đã công bố “Kết luận thanh tra chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo”. Kết luận chỉ rõ: Trong khi bài toán dư thừa giáo viên chưa được giải quyết triệt để thì vẫn có nhiều địa phương tiếp tục ký hợp đồng với số lượng lớn.

Ở tỉnh Thanh Hóa, từ trước năm 2011 đến 2015, các đơn vị cấp huyện đã bổ nhiệm thừa số lượng lớn cán bộ quản lý trường học; hợp đồng với giáo viên thừa so với chỉ tiêu được giao; nhiều đơn vị thừa nhưng vẫn ký hợp đồng với số lượng lớn. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tỉnh Thanh Hóa hiện thừa 2.188 giáo viên THCS, trong khi lại thiếu 1.405 giáo viên mầm non.

Tại Nghệ An, kết quả kiểm tra của Thanh tra tỉnh này cũng đã chỉ ra nguyên nhân chính khiến số lượng giáo viên bậc phổ thông ngày càng “phình” ra. Số liệu của Thanh tra tỉnh Nghệ An cho thấy, từ năm 2010 đến hết năm 2014, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các trường (từ bậc mầm non đến THCS) đã ký hợp đồng với 3.195 người vào làm việc và giảng dạy tại các trường không đúng quy định. Một số huyện như: Anh Sơn, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu,… thừa giáo viên nhưng vẫn ký hợp đồng.

Thanh tra tỉnh Nghệ An cũng chỉ rõ, trong năm học 2016-2017, số người làm việc bậc tiểu học trong toàn tỉnh được giao là 15.777 người; nhưng qua thanh tra phát hiện bậc học này có tới 15.912 người, dôi 135 người. Vậy nhưng, chính trong năm học 2016-2017, các huyện, thành, thị vẫn ký hợp đồng mới với 530 người.

Ở bậc học THCS, kế hoạch giao trong năm học 2016-02-17 là 13.314 người; nhưng thực tế có tới 13.847 người, dôi 533 người. Trong năm học này, các huyện, thành, thị vẫn ký hợp đồng với 440 người. Như vậy, mặc dù tình trạng dôi dư đã xảy ra từ trước những năm 2010, nhưng các đơn vị của ngành Giáo dục và chính quyền địa phương vẫn tiếp tục ký hợp đồng hằng năm.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước dôi dư gần 17.000 giáo viên bậc phổ thông, chủ yếu là bậc THCS. Trong đó, Thanh Hóa, Nghệ An là hai địa phương đứng đầu cả nước về số lượng giáo viên dôi dư. Kết luận của Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh Nghệ An đã phần nào bóc tách được những mảng tối trong việc tuyển dụng giáo viên lâu nay.

Cần điều chỉnh từ gốc

Với việc khẩn trương sáp nhập các cơ sở giáo dục, thực hiện tinh giản biên chế thì số lượng giáo viên dôi dư sẽ ngày càng nhiều. Đó là chưa kể, cùng với lượng sinh viên sư phạm đang thất nghiệp thì mỗi năm sẽ có hàng chục nghìn sinh viên tốt nghiệp khoa sư phạm của các trường cao đẳng, đại học tiếp tục bổ sung vào lực lượng chờ việc này.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số sinh viên sư phạm chưa có việc làm và dự kiến sinh viên ra trường năm 2018 và 2019 chưa có việc làm ngay là hơn 40.000 người, trong đó 50% vẫn chờ cơ hội để vào ngành hoặc quay lại đúng nghề nếu có cơ hội. Điều này đồng nghĩa, bài toán thừa giáo viên sẽ càng khó giải.

Để giải quyết tình trạng thừa giáo viên bậc phổ thông, thiếu giáo viên mầm non, một số địa phương đã thực hiện luân chuyển. Nhưng như phản ánh ở kỳ báo trước, việc luân chuyển giáo viên bậc phổ thông xuống dạy mầm non chưa phù hợp nên đã bị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo dừng thực hiện. Vậy giải pháp nào để giải quyết vấn đề thừa-thiếu giáo viên, cả trước mắt cũng như lâu dài?

Theo người viết, trước mắt vẫn phải thực hiện phương án luân chuyển, nhưng là luân chuyển giữa các vùng miền. Hiện nay, nhiều địa bàn khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn thiếu giáo viên. Mặc dù các địa phương miền núi đã thực hiện phương án sắp xếp, bỏ các điểm trường lẻ nhưng tình trạng giáo viên phải dạy lớp ghép (hai cấp học trong một lớp-Pv) vẫn còn khá phổ biến. Đơn cử như Trường Tiểu học Mường Toong (Mường Nhé, Điện Biên) vẫn còn thiếu 11 giáo viên, dẫn đến có đến 9 lớp ghép.

Tất nhiên, việc điều động, luân chuyển này phải bảo đảm được chế độ cho giáo viên. Những giáo viên thuộc diện tăng cường đi công tác ở vùng khó khăn, vùng miền núi là những người đã công tác ở vùng thuận lợi nhiều năm; trước khi đi, cơ quan quản lý nhà nước và nhà trường phải cam kết cho giáo viên được quay trở lại trường sau khi hết thời hạn.

Một giải pháp cũng cần sớm được thực hiện là sửa đổi quy định phân cấp tuyển dụng giáo viên hiện nay. Những “lỗ hổng” (đã được cơ quan Thanh tra chỉ ra) trong thẩm quyền tuyển dụng giáo viên là một nguyên nhân khiến đội ngũ giáo viên dôi dư ngày càng “phình” ra.

Nhưng về lâu dài, nhất thiết ngành Giáo dục cần quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của ngành một cách dài hơi hơn dựa trên những nghiên cứu khoa học. Có như vậy mới giải quyết tận gốc nghịch lý thừa-thiếu giáo viên như lâu nay.

Một giải pháp cũng cần sớm được thực hiện là sửa đổi quy định phân cấp tuyển dụng giáo viên hiện nay. Những “lỗ hổng” (đã được cơ quan Thanh tra chỉ ra) trong thẩm quyền tuyển dụng giáo viên là một nguyên nhân khiến đội ngũ giáo viên dôi dư ngày càng “phình” ra.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương thanh niên, sinh viên tiêu biểu và gương khởi nghiệp trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương thanh niên, sinh viên tiêu biểu và gương khởi nghiệp trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Tỉnh đoàn Thanh Hóa vừa phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức Hội nghị Biểu dương thanh niên, sinh viên tiêu biểu và tấm gương khởi nghiệp thành công trong vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024, tại Tp. Sầm Sơn. Tham dự Hội nghị có 300 cán bộ, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tiêu biểu trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.