Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Lời hẹn tháng 5…

Thanh Hải - 14:59, 16/05/2023

Tháng 5 như một lời hẹn. Chẳng thế mà trên những nẻo đường về với làng Sen, Hoàng Trù đã rộn rã muôn bước chân, khấp khởi triệu tấm lòng. Lời hẹn tháng 5 cũng là lời hẹn về với “quê chung”, để thấy trong trái tim mình sự hòa nhịp về nguồn cội, để được đắm mình trong giọng nói của trăm quê, xúc cảm của bao lứa tuổi.

Mái lá đơn sơ nơi Kim Liên như hiện thân của những mái nhà Việt Nam một thuở
Quê Bác tự bao giờ đã trở thành quê chung

Tôi về quê Bác không biết bao lần. Nhưng, dịp tháng 5 này, trên con đường về với làng Sen, Hoàng Trù, trong tôi lại mang một xúc cảm đặc biệt. Xúc cảm ấy, chắc hẳn cũng là  của biết bao người khi nghĩ về Bác: Thiêng liêng đấy nhưng cũng thật gần gũi, bình dị đấy nhưng cũng thật cao cả… cứ thế xâm chiếm cõi lòng để bước chân như rộn rã hơn.

Quê Bác tự bao giờ đã trở thành “quê chung”, để những ai trở về cũng thấy như có “phần” mình trong đó: Bình dị, thân thương… Từ Quốc lộ 46, là con đường dưới bóng cây xà cừ thâm nghiêm dẫn lối, là những vuông ao hồng rực sắc sen quyện trong hương lúa mới nồng nàn quanh ngõ, là bờ tre bốn mùa xào xạc, là mái tranh nghiêng bóng hàng cau…

Ẩn mình giữa lũy tre xanh mộc mạc, có một nếp nhà tranh đơn sơ, nơi Người cất tiếng khóc chào đời. Ngôi nhà ấy đã in dấu bao kỷ niệm về một thời niên thiếu của cậu bé Nguyễn Sinh Cung. Ngôi nhà ấy đã thấm đượm tiếng ru hời của bà, của mẹ; lời dạy bảo ân cần nhưng rất đỗi nghiêm khắc của cha… Ngôi nhà bình dị ấy cũng đã đi vào trái tim mỗi người dân nước Việt và bè bạn quốc tế với nhiều xúc cảm diết da, trìu mến, kính yêu. Chính ngôi nhà bình dị, cùng những kỷ vật đơn sơ, khiêm nhường, nhốm màu thời gian ấy đã làm nên ấn tượng khó quên, sức hấp dẫn lắng sâu ở làng Sen, Hoàng Trù.

Trong dòng người về với quê Bác, về với làng Sen, Hoàng Trù hôm nay… có biết bao người đã từng lỗi hẹn? Vì dịch bệnh Covid-19 hai năm trước, vì công việc, vì điều kiện gia đình…, nhiều người đã lỡ hẹn với tháng 5, lỡ hẹn về quê Bác nhân dịp sinh nhật của Người.

Những kỉ vật gắn bó với tuổi thơ Hồ Chủ tịch ở Làng Sen
Những kỷ vật gắn bó với tuổi thơ Hồ Chủ tịch ở Làng Sen

Lời hẹn tháng 5, chính là lời hẹn về với “quê chung”, để thấy trong trái tim mình sự hòa nhịp về nguồn cội; để được đắm mình trong giọng nói của trăm quê, xúc cảm của bao lứa tuổi. Bởi, chỉ có ở Làng Sen, ta mới cảm nhận đủ đầy hơn về làng quê xứ Nghệ, làng quê Việt Nam. Chỉ có ở Làng Sen, Hoàng Trù, mỗi người như được sống lại cả một trời ký ức về Bác. Và cũng chỉ có ở Làng Sen, Hoàng Trù, mới lắng sâu, bồi hồi, thiết tha… hơn trong miên man suy tưởng, trong xúc cảm bâng khuâng về Người.

Lời hẹn tháng 5, đã thành mốc son đáng nhớ, thành lời nhắc in hằn tâm khảm, thành lời hứa khắc khoải trong tim, là “đích đến” trên hành trình du lịch về nguồn của bao người. Tôi cũng đã gieo vào lòng mình lời hẹn tháng 5… từ rất nhiều tháng trước, cũng chỉ để được về Kim Liên đúng dịp sinh nhật của Người. Để từ trên những con đường làng xanh hàng mạn hảo mà hít hà mùi sen nồng nàn, hương lúa mới thơm nồng; để cảm nhận rõ hơn hàng tre sau nhà xào xạc lá đưa cùng gốc mít, vồng khoai; để được đắm mình trong bao xúc cảm da diết về Người.

Quê Bác vẫn vậy, nhưng biết bao xúc cảm cảm nhận được từ chốn này
Quê Bác vẫn vậy, nhưng biết bao xúc cảm cảm nhận được từ chốn này

“Hoàng Trù quê mẹ và Làng Sen quê cha”, vẫn vậy. Nhưng sao vẫn thảng thốt trước biết bao câu chuyện được nghe lại, bao con người được gặp lại, bao sắc cảnh được thấy, bao xúc cảm cảm nhận được từ chốn này.

Trong ký ức của những cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên vẫn truyền tai nhau câu chuyện đầy xúc động. Đó là tâm tình của một vị khách khi về với Làng Sen, Hoàng Trù đã ngậm ngùi: Tôi về thăm quê Bác lần này là thăm cho cả con trai. Hồi chiến tranh trong một lần hành quân vào Nam, đêm dừng chân tại Nghệ An, con trai tôi bảo: Bố cho con ghé thăm nhà Bác. Nhưng lúc đó vì kỷ luật quân đội, tôi không thể chiều theo. Tôi nói với con: Quét sạch giặc thù, rồi con về thăm Kim Liên cũng chưa muộn. Nhưng con trai tôi không về nữa. Cháu hy sinh tại Thành cổ Quảng Trị khi ước nguyện của cháu không thành. Bây giờ, tôi về quê Bác còn mang theo tình cảm thiêng liêng đó”.

Đó còn là câu chuyện về một vị khách người Nhật Bản, khi thăm nhà Bác ở làng Sen, đã tha thiết xin được ngồi lên chiếc phản mộc một lần, chỉ để có được giây phút thiền tâm, tĩnh lặng để được cảm nhận hơi ấm của Hồ Chủ tịch.

Cảnh sắc bình dị ở Làng Sen
Cảnh sắc bình dị ở Làng Sen

Hiện thực lời hẹn tháng 5 đưa ta về gần hơn với Bác. Tôi, cũng như bao người, tìm đến vùng quê ấy không chỉ để viếng thăm nơi Hồ Chủ tịch sinh ra và lớn lên, mà còn để thấy trong trái tim mình một sự hòa nhịp về nguồn cội. Hơn bất cứ mảnh đất nào, nơi đây gắn kết con người, khiến ai nấy như thấy trong mình một sợi dây vô hình mềm mại nhưng vững chắc kết dính để bản thân thêm yêu thương, thêm sẻ chia, thêm trách nhiệm… với cộng đồng và xã hội.

Một tháng 5 nữa lại về. Những ngày này, cả dân tộc đang hân hoan đón mừng 133 năm ngày sinh nhật Bác. Trong miền xúc cảm thành kính, thương yêu, ta như thấy đâu đó hình bóng Bác giữa “làng Trù quê mẹ và làng Sen quê cha”. Những nẻo đường về với làng Sen, Hoàng Trù như rộn rã muôn bước chân, khấp khởi triệu tấm lòng… bởi một lời hẹn lớn lao - Lời hẹn Tháng 5.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.