Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Lối rẽ vào đời của những đứa trẻ mồ côi sau đại dịch

Thanh Hải - 16:21, 01/10/2021

Hơn 1.500 trẻ mồ côi là con số được Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh công bố gần đây khiến cả nước bàng hoàng, xót xa về sự tàn khốc của đại dịch Covid-19. Trong tột cùng đau thương, mất mát ấy, đã có nhiều tổ chức, cá nhân dang tay, mở lòng, sẵn sàng chia sẻ, sẵn sàng làm chỗ dựa… cho các em. Dẫu không thể bù đắp hết sự thiếu hụt khi mất cha, vắng mẹ, nhưng lối rẽ vào đời của các em sẽ phần nào vơi bớt sự nhọc nhằn, vất vả.

Một gia đình có 4 chị em ở TP. Hồ Chí Minh phút chốc mất cả cha lẫn mẹ vì dịch bệnh
Một gia đình có 4 chị em ở TP. Hồ Chí Minh phút chốc mất cả cha lẫn mẹ vì dịch bệnh

Trong số hơn 1.500 trẻ mồ côi do mất cha, mất mẹ hoặc mất cả cha lẫn mẹ vì dịch bệnh Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh, có hơn 490 em học sinh tiểu học, 580 em học sinh THCS.

Hãy thử hình dung lại cách nay mấy tháng thôi, cuộc sống của hơn 1.500 đứa trẻ ấy hạnh phúc đến nhường nào. Sau giờ học, giờ chơi, chúng quây quần bên cha mẹ, bên người thân, bên mâm cơm đủ đầy mọi thành viên trong gia đình. Với mỗi đứa trẻ, cha mẹ là chỗ dựa vững chắc cả về vật chất và tinh thần. Khi trẻ được sống trong gia đình đầy đủ cha mẹ và tình yêu thương, các cháu sẽ hoàn thiện nhân cách một cách đầy đủ nhất, có thể dễ dàng hòa nhập với cuộc sống ở mọi hoàn cảnh.

Dịch bệnh Covid-19 quét qua đã “cướp” đi của hơn 1.500 đứa trẻ là những người cha, người mẹ rất đỗi thân yêu. 1.500 đứa trẻ mồ côi giữa đại dịch là hơn 1.500 nỗi đau đớn nhất và không gì bù đắp nổi. Những người thân yêu nhất, là cha, là mẹ đã chẳng còn trên cõi đời, để lại những khoảng trống mãi không thể lấp đầy trong lòng con trẻ.

Khi hay tin, nhiều người đã tự hỏi: Những đứa trẻ mồ côi giữa đại dịch sẽ sống tiếp như thế nào đây?! Ai sẽ lo bữa cơm, giấc ngủ… cho các em? Ai sẽ bảo ban, răn dạy, vỗ về các em sau những vấp ngã, chông chênh của cuộc đời?...

Tưởng rằng, mất cha mẹ, lối rẽ vào đời của các em sẽ đi vào ngõ cụt. Tưởng rằng, nỗi đau tột cùng vì mất người thân, sẽ kéo các em ngã quỵ vì không còn chỗ nương thân, bấu víu. Nhưng thật đáng mừng, đã có nhiều tổ chức, cá nhân dang tay, mở lòng, sẵn sàng chia sẻ, sẵn sàng làm chỗ dựa… để các em thêm vững tin trước ngưỡng cửa cuộc đời.

Hiện tại, UBND TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức tổ chức rà soát, lập danh sách trẻ mồ côi vì Covid-19. Song song đó, lãnh đạo thành phố này cũng yêu cầu các địa phương kịp thời thăm hỏi, động viên và nắm bắt nguyện vọng của người thân đang nuôi dưỡng các em để tham mưu xây dựng chính sách trước mắt và lâu dài cho từng nhóm. Theo đó, các nhóm được phân lập thành gia đình tự nuôi dưỡng; gửi trung tâm bảo trợ xã hội trẻ em, mái ấm tình thương quận, huyện và TP. Thủ Đức; gửi đến các tổ chức có tâm nguyện nuôi dưỡng; nguyện vọng khác.

Nhiều tổ chức, đoàn thể, đơn vị ở các quận, huyện ở TP. Hồ Chí Minh cũng đã đứng ra nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng; quyên góp, tặng sổ tiết kiệm và phân công cán bộ, nhân viên kèm cặp, hướng dẫn các em tiếp tục học tập, sinh sống. Một số quận, huyện đã phát động Chương trình “Trao gửi yêu thương”, với phương châm đồng hành với trẻ mồ côi; tại các trường học sẽ xây dựng mô hình “Bạn giúp bạn”, “Đôi bạn học tập”…

Một thông tin khác cũng làm ấm lòng thêm nhiều người, là tuyên bố của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT công bố thành lập trường và chu cấp toàn bộ việc nuôi dưỡng, đào tạo cho trẻ em mất cha, mẹ vì Covid-19. Tập đoàn FPT cam kết nhận 1.000 em nhỏ mất cha mẹ và đào tạo liên tục trong 20 năm tới. Các em sẽ được học tập theo chương trình phổ thông, đại học FPT và học lên cao hơn nếu có nguyện vọng. Trong quá trình đào tạo đó, các em sẽ được phát huy, bồi dưỡng theo khả năng, năng lực của chính mình.

Một trẻ tại TP. Hồ Chí Minh mất mẹ vì Covid-19
Một trẻ tại TP. Hồ Chí Minh mất mẹ vì Covid-19

Thực tế hiện nay, việc chăm sóc trẻ bị mất người thân do dịch Covid-19 là thách thức không hề dễ dàng.1.500 đứa trẻ mồ côi là chừng ấy hoàn cảnh, cuộc đời, số phận; là chừng ấy lối rẽ vào đời nhuốm một cảm xúc đớn đau, hụt hẫng, bất an… đến khôn cùng.

Mỗi một đứa trẻ mồ côi là mỗi một câu chuyện đau buồn, một tình cảnh bi thương, một mức độ tổn thương khác nhau. Vì thế, sẽ không thể có một “giáo trình” chung cho tất cả chừng ấy đứa trẻ. Việc quan tâm, nuôi dưỡng, dạy bảo các em, không chỉ bằng trách nhiệm, mà còn là tình thương yêu, để làm sao các em không tiếp tục cảm thấy hụt hẫng, mặc cảm, tự ti về số phận, hoàn cảnh bản thân trong thời gian sắp tới. Nếu chúng ta chỉ có mỗi trách nhiệm, mà thiếu đi tình thương, sự sẻ chia, động viên, nắm bắt tâm tư, tình cảm kịp thời… thì kết quả có khi lại hoàn toàn ngược lại.

Mất cha, mất mẹ là biến cố cuộc đời. Hy vọng, từ nỗi đau buồn lớn ấy, các em sẽ “biến đau thương thành sức mạnh” để vươn lên. Hy vọng, thử thách lớn đầu đời ấy chẳng làm các em trở nên mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn.

Rồi đây, bằng những chính sách, bằng sự quan tâm của các cấp các ngành, các tổ chức, chắc chắn những đứa trẻ mồ côi vì dịch bệnh Covid-19 sẽ có chốn nương tựa, sẽ được quan tâm, chăm sóc đủ đầy. Dẫu không thể bù đắp hết sự thiếu hụt khi mất cha, vắng mẹ nhưng lối rẽ vào đời của các em hẳn sẽ vơi bớt nhọc nhằn, vất vả, khó khăn.