Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Sư thầy cưu mang hàng chục đứa trẻ mồ côi ở Thanh Hóa

Quỳnh Chi - 09:35, 07/01/2021

Không chỉ có công phục dựng lại ngôi chùa có lịch sử hàng ngàn năm ở huyện Hoằng Hóa, sư thầy Thích Đàm Ngoan còn khiến cho ngôi chùa thành mái ấm tình thương cưu mang, đùm bọc những đứa trẻ mồ hôi bất hạnh.

Với tâm nguyện để các cháu có một mái ấm, sau này trở thành những người có ích cho xã hội, thầy Ngoan đã nuôi quyết tâm thành lập Trung tâm từ thiện xã hội
Với tâm nguyện để các cháu có một mái ấm, sau này trở thành những người có ích cho xã hội, thầy Ngoan đã nuôi quyết tâm thành lập Trung tâm từ thiện xã hội

Sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi Cẩm Thủy (Thanh Hóa), Nguyễn Thị Tâm từng là nữ sinh theo học các trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Y dược Hà Nội. Song vì nhiều lý do, bà rẽ ngang sang con đường Phật giáo, lấy pháp danh Thích Đàm Ngoan.

Tốt nghiệp Học viện Phật giáo, năm 2008, sư thầy được giáo hội phân công về chùa Hồi Long ở xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Đây là ngôi chùa có lịch sử từ thời nhà Lý, nhưng vì hoàn cảnh lịch sử, ngôi chùa bị tàn phá nghiêm trọng. Sau khi về chùa, việc đầu tiên sư thầy Thích Đàm Ngoan làm là tìm các nguồn tài chính để phục dựng lại chùa.

Nhờ sự giúp đỡ của nhiều nhà hảo tâm, sư thầy đã dựng lại được ngôi chùa với cơ sở khang trang. Sư thầy tâm niệm, chùa không chỉ là nơi du khách đến dâng hương mà còn là mái ấm tình thương cho những mảnh đời bất hạnh, vì thế, sư thầy quyết định mở trung tâm hoạt động từ thiện xã hội .

Dù mệt mỏi tới đâu, chỉ cần được chơi đùa với bọn trẻ, tôi như được tiếp thêm động lực

Sư thầy Thích Đàm Ngoan

Theo đó, hơn 10 năm qua, đã có 18 đứa trẻ mồ côi được sư thầy Thích Đàm Ngoan cưu mang. Trong số đó, có 7 em may mắn được gia đình đón về. Hiện nay, mái ấm tình thương của thầy Ngoan đang cưu mang 11 bé, cháu nhỏ tuổi nhất 2 tháng tuổi, lớn nhất cũng 19 tuổi. Trong đó, 1 bé bệnh tim bẩm sinh và 1 bị bệnh Down.

Những em bé được thầy gọi với cái tên đầy yêu thương như bé Sâu, Su, Cà Rốt. Dù nhiều em chưa biết nói, nhưng mỗi khi nhìn thấy thầy Ngoan, chúng lại nhào vào lòng đòi được sư ẵm bồng. Những cháu bệnh tim, rồi Down, phải đi bệnh viện như cơm bữa. Khi chùa đông trẻ, sư phải nhờ, thậm chí phải thuê thêm các bảo mẫu để phụ việc chăm sóc.

Sư Thích Đàm Ngoan kể, sư từng ước mơ đi du học về lĩnh vực Y dược, gần đây cũng đã nhận được thông báo theo học ở Hàn Quốc nhưng vì những đứa trẻ, sư đành gác lại dự định cá nhân của mình.

“Tôi muốn đi học thêm, để chăm sóc những người khác bằng chính kiến thức của mình. Nhưng điều đó đành gác lại, vì những đứa trẻ cần mình. Dù mệt mỏi tới đâu, chỉ cần được chơi đùa với bọn trẻ, tôi như được tiếp thêm động lực", sư thầy nói.

Thầy Ngoan trồng nấm, mộc nhĩ, làm tinh dầu sả... để trang trải cho hoạt động thiện nguyện
Thầy Ngoan trồng nấm, mộc nhĩ, làm tinh dầu sả... để trang trải cho hoạt động thiện nguyện

Không chỉ cưu mang các cháu trong chùa, sư thầy Thích Đàm Ngoan còn tích cực tổ chức các chuyến thiện nguyện khắp nơi, hàng năm tặng hàng nghìn suất quà cho trẻ em ở các huyện vùng cao Mường Lát, Quan Sơn hay các xã ven biển. Khi miền Trung lũ lụt, thầy lên đường đi ngay, mang theo hàng nghìn suất quà đến với bà con vùng lũ.

Thầy bảo, nếu không đi thì trong lòng cứ day dứt, áy náy. Tài chính chưa đủ, thầy sẵn sàng vay mượn, khi nào có thì trả sau. Để có thể duy trì được các hoạt động của nhà chùa và trung tâm từ thiện, thầy Ngoan phải làm nhiều công việc để có tiền. Thầy làm hương, làm nấm, làm tinh dầu sả, tự trồng rau, nuôi gà, thả cá để lấy thức ăn cho các cháu nhỏ…

Với những đóng góp tích cực cho các hoạt động thiện nguyện, xây dựng trường học, tặng quà cho trẻ em vùng sâu, vùng xa với kinh phí hàng chục tỷ đồng, ngày 27/11/2020, sư thầy đã được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen "Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng" với thành tích xuất sắc trong lĩnh vực an sinh xã hội.

Sư thầy cho biết, 1 năm nay, trung tâm thu được khoảng 400 triệu đồng tiền lãi từ các mặt hàng này. Số tiền này chỉ đủ trang trải một nửa cho các chi phí, bởi lẽ ngoài nuôi các bé, thầy phải trả lương cho các bảo mẫu, bảo vệ, các nhân viên lao động khác đang làm việc cho trung tâm.

"Trước mắt còn rất nhiều khó khăn, nhưng tôi đang cố gắng hết sức để đảm bảo sản xuất và có nguồn thu duy trì trung tâm. Tâm nguyện duy nhất của tôi là để các cháu có một mái ấm, sau này trở thành những người có ích cho xã hội”, sư thầy lạc quan nói.


Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.