Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Lời ru buồn ở bản Na Cáng

Đào Thọ - 07:55, 07/09/2021

Đêm nằm trong nhà của già làng Xồng Nhìa Chù ở bản Na Cáng (xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) nghe vọng lại tiếng ru con của người mẹ trẻ người Mông, chúng tôi cảm nhận được nỗi buồn mênh mang trong lời ru ấy. Trên bản này vẫn còn những “lời ru buồn” do việc tảo hôn của nhiều cặp vợ chồng “nhí”.

Đám cưới của các cặp đôi trai gái người Mông thường diễn ra sau những ngày ném pao
Đám cưới của các cặp đôi trai gái người Mông thường diễn ra sau những ngày ném pao

Nghe tôi hỏi thông tin về những trường hợp tảo hôn ở bản, già làng Xồng Nhìa Chù quay sang nói: “Gần nhà ta có vợ thằng Xồng Bá Mềnh đấy. Khổ, gia đình thì nghèo, vợ chồng thì còn trẻ không biết cách làm ăn, chăm sóc con cái gì cả”. Nói xong, ông đứng dậy đưa chúng tôi sang nhà Xồng Bá Mềnh. Ngôi nhà lụp xụp được quây lại bằng những tấm ván đơn sơ, vật dụng quý giá nhất trong nhà có lẽ là chiếc ti vi cũ kỹ. Thấy chúng tôi vào, Xồng Bá Mềnh đưa ra cái ấm với mấy cái cốc bám đầy cặn mời nước. Nhìn dáng người nhỏ bé nhưng gương mặt hiện lên sự khắc khổ của Mềnh, chúng tôi không khỏi chạnh lòng.

Khi nghe chúng tôi hỏi về chuyện gia đình, Xồng Bá Mềnh có vẻ ái ngại không muốn đề cập đến. Nhưng rồi Mềnh cũng chia sẻ, Mềnh sinh năm 2007, đã cưới vợ được 8 tháng khi cả hai đều đang học lớp 8. Vợ Mềnh là Lầu Mái Xê, người xã Nậm Càn. Hai người gặp nhau trong một lần đi ném pao vào ngày Tết. Tình cảm đến rất nhanh, chỉ sau mấy ngày quen nhau, hai người đã tổ chức đám cưới. Lấy nhau ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, hàng ngày nai lưng trên nương rẫy mà vẫn không thoát được cuộc sống nghèo khổ.

Vợ của Xồng Bá Mềnh tuy mới 14 tuổi nhưng sau mấy tháng lập gia đình, trông Lầu Mái Xê già hơn hẳn so với đám bạn cùng trang lứa. Đang ngồi nói chuyện, Lầu Mái Xê quay sang góp vào câu chuyện với chúng tôi: “Nhiều lúc chán lắm các anh ạ, mình nghèo khổ nhưng không biết làm gì để ăn. Biết vất vả thế này thì không lấy chồng sớm đâu!”…

Rời nhà “vợ chồng nhí” Mềnh-Xê, chúng tôi ngược ra bản Liên Sơn (xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn) ghé thăm gia đình em Và Y Hoa. Năm ngoái, Y Hoa đang học lớp 7 tại Trường THCS xã Nậm Càn, sau đợt nghỉ dịch Covid-19 năm 2020, Y Hoa gặp chàng trai Già Bá Sua ở xã Na Ngoi. Có cảm tình với nhau, Y Hoa đồng ý cho Sua bắt mình về làm vợ khi mới 13 tuổi, để lại sau lưng bao dự định, ước mơ của tuổi học trò.

Trò chuyện với chúng tôi, Y Hoa buồn bã nhớ lại quãng đời học sinh của mình. Y Hoa kể, ngày đó, khi để cho Bá Sua bắt mình về làm vợ, em đã bảo với anh ấy là cưới xong em vẫn đến trường đi học như các bạn và anh ấy đã đồng ý. Nhưng rồi khi cưới nhau xong được 2 ngày, em đến trường thì mọi người nhìn em với ánh mắt khác lạ. Vừa xấu hổ, công việc của nhà chồng lại bộn bề nên em đành bỏ học theo chồng lên rẫy. Em tiếc lắm vì ngày còn đi học, em từng được đi thi học sinh giỏi cấp huyện môn Văn.

Ông Và Bá Dềnh, bố Y Hoa cho biết: “Khi hai đứa đưa nhau về đòi cưới, gia đình tôi đã khuyên bảo rồi nhưng nó cứ dọa nếu không cho cưới nhau sẽ ăn lá ngón tự tử. Mình làm cha, làm mẹ cũng lo chúng nó nghĩ quẩn nên đành chiều theo ý của chúng nó thôi!”

Khi được chúng tôi hỏi về các thủ tục để đăng ký kết hôn và các quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình, Y Hoa bảo: “Chúng em không đi đăng ký kết hôn vì chưa đủ tuổi. Phải đợi đến khi hai vợ chồng đủ tuổi mới đến UBND xã làm thủ tục đăng ký kết hôn. Em cũng biết mình làm như vậy là vi phạm luật nhưng ở trên này, khi đã thích nhau, mình đã về làm vợ theo phong tục của người Mông rồi thì không làm lại được nữa”.

Đám cưới của một cặp đôi người Mông ở xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn khi chưa đủ tuổi kết hôn
Đám cưới của một cặp đôi người Mông ở xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn khi chưa đủ tuổi kết hôn

Theo lời chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tiếp tục tới bản Thăm Hín (xã Nậm Càn) ghé thăm gia đình em Và Bá Rống, người chồng “nhí” lấy vợ khi trên vai còn mang chiếc khăn quàng đỏ. Cách đây 2 năm, Rống đang là học sinh lớp 9 của Trường THCS Nậm Càn. Từng là học sinh giỏi cấp huyện, tương lai đang rộng mở, thế mà chỉ sau vài lần gặp gỡ cô gái ở bản Nậm Khiên cùng xã, Rống quyết định bắt vợ khi bước vào tuổi 15. Cưới nhau xong, đôi vợ chồng trẻ đang ở với bố mẹ nên chưa hiểu được những lo toan trước mắt của cuộc sống gia đình. Tôi hỏi Rống: “Sao em không đi học tiếp mà lại bỏ về nhà lấy vợ khi tuổi đang trẻ như thế này, mọi người không nói gì à?” Em trả lời một cách hồn nhiên: “Đằng nào cũng lấy vợ mà anh. Nếu mình không bắt nó về làm vợ thì đứa khác nó bắt đi mất. Ai cũng bảo em không nên lấy vợ lúc này nhưng có sao đâu, em lấy vợ rồi vẫn bình thường đấy thôi!”.

Rõ ràng, những hạn chế trong nhận thức  đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới tương lai của nhiều bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường. Thầy Hoàng Văn Thái, Phó hiệu trưởng Trường THCS Nậm Càn cho hay: “Việc học sinh lấy vợ lấy chồng sớm hiện nay đã được hạn chế rất nhiều so với trước kia, song vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn. Nhà trường nỗ lực tuyên truyền, giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống cho các em, nhưng thường dịp ra Tết là lại có học sinh nữ bỏ học theo chồng”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Xồng Chống Lầu, Chủ tịch UBND xã Nậm Càn (huyện Kỳ Sơn) nói: “Bà con người Mông ở đây nhận thức về việc kết hôn theo đúng quy định của pháp luật còn rất hạn chế. Con cái đòi cưới là phải cho cưới, vì sợ chúng ăn lá ngón tự vẫn mà không có cách nào để thuyết phục. Về phía chính quyền cũng đã tuyên truyền rất nhiều, chúng tôi kiên quyết không cho cán bộ đi dự đám cưới, không đăng ký kết hôn cho những cặp vợ chồng ấy. Thế nhưng, tình trạng tảo hôn vẫn thường xuyên xảy ra”.

Rời các bản làng vùng cao, chúng tôi trở về mang theo những hình ảnh các cặp vợ chồng “nhí” chật vật lo toan với cuộc sống gia đình. Chưa biết đến bao giờ phía sau những bản làng vắng lặng kia mới chấm dứt hẳn tình trạng tảo hôn? 

Tin cùng chuyên mục
“Giữ chân” người bảo vệ rừng bằng cơ chế đặc thù

“Giữ chân” người bảo vệ rừng bằng cơ chế đặc thù

Việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp là một trong những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ, phát triển rừng. Tại kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Lào Cai khóa XVI ngày 22/8/2024 đã thông qua Nghị quyết số 14/2024/NQ-HĐND (NQ14) về mức cấp kinh phí, đầu tư, hỗ trợ đầu tư, khoán bảo vệ rừng; hỗ trợ tiền ăn cho người tham gia chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Trong đó, ban hành mức cấp kinh phí khoán bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh đối với các loại rừng với mức hỗ trợ đều tăng so với trước đây.