Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc- Tôn giáo

Lời thề giữ rừng của người Pu Péo

Hoàng Quý - 11:42, 01/08/2021

Trong quan niệm của người Pu Péo ở Hà Giang, thần rừng (sau ngun hay sau nguôn) có vị trí đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng nhất và được cầu khấn trong hầu hết các nghi lễ thờ cúng. Đây là một trong những phong tục cần được bảo tồn bởi tính nhân văn, giáo dục con người, tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường qua phong tục ấy.

Quang cảnh buổi lễ cúng rừng của người Pu Péo ở Hà Giang. (Ảnh: TL)
Quang cảnh buổi lễ cúng rừng của người Pu Péo ở Hà Giang. (Ảnh: TL)

Lời thề giữ rừng

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ đặc biệt quan trọng với người Pu Péo. Trong bất cứ dòng họ nào, đã là người Pu Péo, khi người đã chết đủ 3 năm, sẽ được con cháu “đưa linh hồn” vào ngụ ở trên những cây cổ thụ trong khu rừng nguyên sinh cùng với thần rừng và tổ tiên của họ. Bởi vậy, tổ tiên của dân tộc Pu Péo đã thề trước cửa rừng rằng, sẽ dạy bảo con cháu giữ gìn rừng thiêng.

Với người Pu Péo, mỗi cánh rừng được coi như một cấm địa, không được xâm phạm. Nơi người Pu Péo sinh sống, dù là bản nhỏ hay đông dân, đều có một khu rừng cấm riêng, để làm nơi thờ cúng thần rừng hằng năm. Để cuộc sống no đủ, gia đình, dòng họ luôn được khỏe mạnh, không đau ốm, thì dân làng không được xâm phạm vào nơi ở của thần rừng, không ai được vào rừng cấm chặt cây lấy củi, săn bắn, chăn thả gia súc...

Lễ cúng rừng của người Pu Péo được tổ chức vào ngày 6/6 âm lịch hằng năm, lúc trời đất giao hoà, vạn vật sinh sôi nảy nở. Đây cũng là ngày để người Pu Péo bày tỏ lòng biết ơn đối với thần rừng.

Trước ngày diễn ra Lễ cúng rừng, mọi người dân cùng họp nhau lại để phân công công việc và chuẩn bị lễ vật. Đồ cúng rừng là những sản vật do người dân tăng gia sản xuất và được chuẩn bị chu đáo như gà, dê và một số thực phẩm khác.

Phụ nữ người Pu Péo nổi bật trong trang phục truyền thống
Phụ nữ người Pu Péo nổi bật trong trang phục truyền thống

Thắt chặt tình đoàn kết phát triển

Ngày cúng rừng, đại diện các gia đình mang lễ vật đến điểm cúng ở khu rừng dân bản chọn làm nơi cúng thần hằng năm. Lễ cúng được tổ chức ở khu vực bìa rừng, phía sau làng, đàn cúng được làm từ những cành cây nhỏ, để nguyên lá, cắm xuống đất, cành đan vào nhau, cao khoảng 1m, dựng quay về rừng cấm.

Ông Tráng Mìn Hồ là thầy cúng ở thôn Chúng Trải, xã Phố Là, huyện Đồng Văn (Hà Giang) cho biết, lễ vật cúng thần rừng gồm, 2 đôi gà trống, mái tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở; một con dê có sừng; bánh nếp và trứng luộc được cắt ra thành nhiều miếng nhỏ; rượu 3 chai; hương và tiền vàng. Lễ cúng thần rừng của dân tộc Pu Péo gồm 2 phần: phần cúng dâng lễ và phần cúng chính.

Sau khi kết thúc phần lễ, bà con dân bản tổ chức các hoạt động vui chơi sôi nổi với những lời hát, điệu múa và chơi trò chơi dân gian như:

Đu quay, bập bênh, đẩy gậy, đánh yến, đánh cù... Trong buổi liên hoan ấm áp tình làng nghĩa xóm ấy, mọi người cùng bàn về sản xuất trong mùa tới, cách bảo vệ, phát triển rừng và không vi phạm hương ước của bản.

Có thể thấy, lễ cúng thần rừng là một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần đặc sắc gắn với sinh hoạt tín ngưỡng của người Pu Péo ở Hà Giang. Tục cúng rừng của người Pu Péo còn hàm chứa ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đó là giáo dục con người tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường xung quanh.

Với ý nghĩa như vậy, tục cúng rừng của người Pu Péo ở Hà Giang là một trong loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng, trong Danh sách 33 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đang được bảo tồn và phát huy.

Tin cùng chuyên mục
Đồng Nai: Nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS

Đồng Nai: Nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS

Với việc triển khai đồng bộ nhiều chương trình, chính sách, đề án phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Đồng Nai đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong bảo đảm, nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ DTTTS trong mọi mặt của đời sống xã hội. Các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh cũng chú trọng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, qua đó góp phần chuyển đổi hành vi, quan niệm về bình đẳng giới, giảm khoảng cách và xóa bỏ định kiến về giới trong vùng đồng bào DTTS.