Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Lớp học “song ngữ” ở biên cương

Vũ Mừng - 17:36, 19/06/2024

Trời nhá nhem tối, thầy giáo Hà Đình Phong, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang nhắn tin rủ tôi cùng vào Lũng Táo, chứng kiến lớp học “song ngữ” ở biên cương. Biết tính anh, một người nhiệt thành và luôn sẵn sàng sẻ chia về những câu chuyện giáo dục vùng cao với nhiều suy tư, trăn trở, tôi nhận lời ngay. Trong mù mịt sương đêm, chúng tôi lên đường vào xã biên giới.

Xác định xóa mù chữ là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, nhiều năm qua, huyện Đồng Văn luôn quan tâm, chú trọng tới công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho đồng bào DTTS. Từ đầu năm học 2023 - 2024, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Đồng Văn đã mở 6 lớp học với tổng số 143 học viên. Dự kiến trong năm học này, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện sẽ mở 13 lớp học với tổng số 295 học viên.

Trên bục giảng, thầy Pó miệt mài dạy chữ cái. Phía dưới, học viên cặm cụi trên trang vở ô ly
Trên bục giảng, thầy Pó miệt mài dạy chữ cái. Phía dưới, học viên cặm cụi trên trang vở ô ly

Kể từ khi cả nước thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; Giảm nghèo bền vững và Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, vấn đề xóa nạn mù chữ cho đồng bào các DTTS luôn được ngành Giáo dục các địa phương quan tâm thực hiện.

Tại mảnh đất Đồng Văn - nơi địa đầu Tổ quốc, lớp học xóa mù chữ thường được gọi là lớp học “song ngữ”. Nghe sang như ở dưới xuôi! Bởi ngoài kỹ năng nghiệp vụ sư phạm, giáo viên bắt buộc phải nói được tiếng của đồng bào DTTS.

Năm học này, lớp học đặc biệt ấy được mở tại Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Lũng Táo, khai giảng từ ngày 5/4, với 29 học viên của 3 thôn Mò Só Tủng, Lũng Táo, Tua Ninh. Học viên phần lớn đều là các chị, các mẹ đã có tuổi, ngày lên nương, tối tới trường. Ánh đèn pin cầm tay theo chân người đi học chờn vờn lấp lánh trên những đỉnh núi mờ xa… Số ít trong lớp có con cũng đang học tiểu học tại trường, đi học quên chữ tối về hỏi con. Hai mẹ con cùng học!

Học viên đánh vần tại lớp học
Học viên đánh vần tại lớp học

Thầy giáo Trịnh Đức Lợi, Phó Hiệu trưởng nhà trường kể, Lũng Táo là xã biên giới của huyện Đồng Văn, cách trung tâm huyện 18km. Toàn xã có 16 thôn với 790 hộ, 4.176 khẩu; hộ nghèo 458 hộ, 2.438 khẩu, chiếm 57,97%; hộ cận nghèo 126 hộ, 658 khẩu, chiếm 15,95%. Xã Lũng Táo có 2 dân tộc, dân tộc Mông chiếm 98%, dân tộc Lô Lô chiếm 2%. Đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nên quá nửa số học viên trên lớp thuộc hộ nghèo.

Nhớ lại những ngày đầu lớp học được mở, cán bộ xã, thôn, cùng các thầy, cô giáo phải tất tả xuống từng nhà vận động. Nhiều người khăng khăng: Có tuổi rồi đi học ngại lắm! Thầy cô đành phải khéo léo, lớp chỉ mở buổi tối, đi học không gặp ai thì sẽ không ngại. Nhiều khi vào thế bí, các thầy cô nhờ luôn học sinh là con em của đồng bào đang học tập tại trường vận động chính phụ huynh của mình ra lớp.

Quang cảnh lớp học “song ngữ”
Quang cảnh lớp học “song ngữ”

Chuyển về trường công tác từ năm học 2023 - 2024, sẵn nhiệt huyết và sức trẻ, thầy giáo Mua Mí Pó (sinh năm 1990) xung phong làm giáo viên chủ nhiệm của lớp xóa mù chữ. Mỗi lần điểm danh vắng một học viên, hôm sau người ta lại thấy thầy Pó tìm xuống tận nhà chuyện trò, làm sao phải vận động bằng được các chị, các mẹ đi học trở lại.

Thầy Pó giải thích: Bây giờ các công ty, doanh nghiệp tuyển công nhân cũng cần người có chữ rồi, mà muốn thoát nghèo thì không thể lên nương trồng ngô mãi được! Thế nên không biết chữ thì không được đâu!

Đồng hồ chỉ gần 21h, trên bục giảng thầy Pó vẫn miệt mài dạy chữ cái. Phía dưới học viên cặm cụi trên trang vở ô ly. Nhìn những con số chưa được thẳng hàng, những con chữ chưa được tròn trịa, bất giác tôi lại nhớ mấy câu hát: Khi ông Mặt trời đi ngủ/ Mẹ lên lớp bên ánh đèn/ Bản làng em rộn vang tiếng hát… Nhạc sĩ Nguyễn Huy Hùng sáng tác những ca từ giản dị nhưng chan chứa ấy cũng trong hoàn cảnh như này!