Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Ánh sáng nơi lớp học xóa mù chữ

Thiên An - 22:16, 14/01/2024

"Nếu chỉ ở bản với công việc làm nương, làm rừng thì không sao. Nhưng nhà mình chỉ cách thành phố hơn 10km, ra đó, không hiểu biển quảng cáo viết gì, không đọc được biển chỉ dẫn đường... nên đi đâu cũng phải có người khác biết chữ đi cùng mới đỡ sợ". Lời bộc bạch của chị Má Thị Nhan, hiện đang theo học lớp xóa mù chữ tại thôn Nà Sla, xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn khiến người nghe thực sự cảm động...

Khi gà lên ổ, trâu về chuồng, là lúc lớp học xóa mù chữ tại thôn Nà Sla sáng đèn
Khi gà lên ổ, trâu về chuồng, là lúc lớp học xóa mù chữ tại thôn Nà Sla sáng đèn

Chỉ hơn 3km đường đồi rừng, nhưng luôn vấp phải ổ trâu nên đồng nghiệp của tôi phải khởi động xe máy tới mấy lần mới tới được nhà văn hóa của thôn Nà Sla, xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc, kịp giờ các học viên lớp xóa mù chữ ổn định chỗ ngồi. Lúc này là thời điểm đèn trong lớp học phải bật sáng, là lúc những con gà lên chuồng và những chú trâu bụng no tròn về nơi trú ẩn.

Cô giáo Lý Mỹ Nga, Hiệu trưởng trường Tiểu học xã Thạch Đạn cho hay, lớp học xóa mù chữ này được tổ chức vào buổi chiều tối, bắt đầu từ 17 giờ. Các giáo viên của trường đều tham gia giảng dạy tại lớp xóa mù chữ, nên mỗi buổi đều cắt cử 2 thầy cô thay nhau cùng đứng lớp.

Nhìn một học viên đứng tuổi, cẩn thận lau cặp kính để chuẩn bị đọc bài, tôi xin phép cô giáo được đến ngồi cạnh ông. Ngượng nghịu đọc xong bài, người học viên già giới thiệu với tôi, ông là Dương Văn Tổng, sinh năm 1968, thôn Nà Sla. "Mình đi làm nương về là ra lớp học ngay thôi, lúc nào tan học thì về ăn cơm. Mình phải đi học chăm chỉ, vì nể các thầy cô giáo lắm. Các cô dạy con cháu mình ở trường rồi, xong lại xuống bản dạy mình. Nên nếu nghỉ học hoặc không làm bài đầy đủ thì thấy có lỗi với các thầy cô lắm", ông Tổng bộc bạch.

Ngồi bàn kế bên là chị Má Thị Nhan, người trẻ nhất lớp học, chị Nhan sinh năm 1988, cùng thôn Nà Sla. Chị Nhan đã có 2 con, đứa lớn học lớp 8, đứa bé học lớp 6, các con đều học khá. Tuy nhiên, chị lại không biết chữ.

"Nếu cứ chỉ ở bản với công việc làm nương, làm rừng thì không sao. Nhưng nhà mình chỉ cách thành phố hơn 10km, ra đó, không hiểu biển quảng cáo viết gì, không đọc được biển chỉ dẫn đường... nên đi đâu cũng không tự tin đi một mình, phải có người khác biết chữ đi cùng mới đỡ sợ", chị Nhan chia sẻ.

Sau này, nhờ biết chữ và biết bảng cửu chương mà đi chợ tiện lợi. Bán con gà, con lợn, chị Nhan biết người ta trả giá có hợp lý hay không. Hay mua cái gì, thì cũng biết tính toán để trả tiền, không ngại và sợ như trước kia.

"Từ ngày biết chữ, mình đi họp phụ huynh cho 2 con đỡ ngại. Trước kia đi họp về, nhà trường, thầy cô phổ biến gì đều không hiểu, phải mang giấy tờ về nhờ con đọc hộ. Nhưng nay mình biết chữ rồi, thầy cô phổ biến việc gì là mình hiểu để trao đổi lại với con", chị Nhan thật thà cho hay.

Chia tay lớp học xóa mù chữ, cô Dương Thị Lái, Hiệu phó trường Tiểu học xã Thạch Đạn chia sẻ với phóng viên: "Làm giáo dục ở vùng cao có nhiều cái khó nói, không chỉ dạy tốt các em học sinh ở trường, mà còn phải dạy cả phụ huynh của các em ở nhà nữa. Có như vậy, đồng bào mới đồng lòng với các thầy cô trong sự nghiệp giáo dục".

Theo bà Phạm Kim Ngân, cán bộ phụ trách xóa mù chữ thuộc Phòng Giáo dục thường xuyên – Giáo dục chuyên nghiệp (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn), trong năm 2022 đã có 1.253 học viên được xóa mù chữ thành công. Tới năm 2023, Lạng Sơn đang tổ chức hơn 200 lớp xóa mù chữ, ở tất cả 11 huyện, thị, kể cả TP Lạng Sơn cũng có những lớp xóa mù chữ.

Với việc tổ chức hàng trăm lớp học xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa sẽ là điều kiện, động lực thắp sáng cho tương lai nhiều người chưa biết chữ nơi xứ Lạng.