Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Lớp ngoại ngữ giữa bản Phiêng Lơi

PV - 08:46, 18/08/2021

Hello new day! – câu chào hỏi đã trở thành quen thuộc, đều đặn vang lên vào mỗi sáng cuối tuần trong ngôi nhà sàn nằm giữa bản văn hóa Thái Phiêng Lơi, thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên).

Nhà văn hóa bản Phiêng Lơi sau thời gian dài im ắng vì chống dịch, giờ đã nhộn nhịp hơn.
Nhà văn hóa bản Phiêng Lơi sau thời gian dài im ắng vì chống dịch, giờ đã nhộn nhịp hơn.

Sự háo hức hiện rõ trên gương mặt những đứa trẻ miền núi, trước mỗi giờ học ngôn ngữ mới đầy thú vị…

Hello new day!

7 giờ sáng thứ 7, ngôi nhà sàn nằm giữa bản văn hóa Thái Phiêng Lơi lại nhộn nhịp tiếng trẻ con, sau thời gian dài im ắng vì chống dịch. Vừa thấy bóng dáng cô giáo Nguyễn Thị Hà chạy xe máy từ phía xa, bọn trẻ đã đồng thanh hô lớn: “Hello new day!”. Kéo vội chiếc khẩu trang, cô Hà rạng rỡ đáp: “Hello, happy new day!”.

Đã thành thông lệ gần 1 tháng nay, nơi đây trở thành điểm hẹn của cô Hà và bọn trẻ. Sau những bỡ ngỡ ban đầu, câu chào hỏi của cô – trò giờ đã trở lên thân thuộc hơn.

8 giờ, lớp học bắt đầu. Các cô giáo và anh chị đoàn viên, thanh niên tình nguyện cũng đến đông đủ. Giở cuốn tập viết với những từ vựng tiếng Anh mới đầy nắn nót, Quàng Như Quỳnh (10 tuổi) khoe: “Tuần trước học số đếm, về nhà em luyện viết thêm đó ạ. Giờ thì em viết và đọc thành thạo rồi”.

Ngôi nhà sàn rộng chừng 100m2 là nhà văn hóa của bản, nay được bố trí thành lớp học cho hơn 30 đứa trẻ, độ tuổi từ 6 – 12. Bàn ghế, máy chiếu và trang thiết bị dạy học được trường học cho mượn lại.

“Để bọn trẻ dễ làm quen với từ vựng, chúng tôi tự thiết kế và sử dụng hình ảnh trực quan. Những hình thù số đếm, con vật, hoa quả… ngộ nghĩnh, thú vị, khiến bọn trẻ hứng thú và chăm chú với bài giảng hơn” – cô Hà cho biết.

Cô Hà là giáo viên dạy tiếng Anh, đồng thời là Phó Bí thư đoàn Trường THPT Phan Đình Giót. Khi nhận được thông tin của thành đoàn Điện Biên Phủ về việc mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí dịp hè cho học sinh khó khăn, cô đã không ngần ngại đăng kí.

Cùng với cô Hà, lớp học này có 2 giáo viên và 3 học sinh giỏi ngoại ngữ của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tình nguyện tham gia giảng dạy. Lịch lên lớp được phân công phù hợp vào 2 ngày nghỉ mỗi tuần. Song trên thực tế, gần như buổi học nào các tình nguyện viên cũng có mặt đông đủ.

“Chúng tôi không dạy theo giáo án trên trường lớp, mà nghiên cứu các tài liệu lên chương trình riêng. Từng tình nguyện viên sẽ theo sát một nhóm, hướng dẫn các em làm quen với tiếng nói và cầm tay nắn nót từng chữ viết” – cô Hà cho hay.

Những hình ảnh trực quan giúp trẻ dễ dàng tiếp cận với ngôn ngữ mới.
Những hình ảnh trực quan giúp trẻ dễ dàng tiếp cận với ngôn ngữ mới.

Phá vỡ khoảng cách

Phiêng Lơi là bản văn hóa Thái của thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên). Bản có 68 hộ, chủ yếu làm nông nghiệp. Vài năm gần đây, nhiều gia đình bắt đầu chuyển sang kết hợp làm dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, theo Trưởng bản Lường Văn Muôn, mọi thứ còn hết sức sơ khai.

Bọn trẻ trong bản không có nhiều cơ hội ra ngoài tiếp cận với cuộc sống hiện đại nên còn nhút nhát. Với một số trẻ nhỏ tuổi, thậm chí tiếng Việt cũng chưa rành rọt. Chính vì thế, các tình nguyện viên không chỉ dạy tiếng Anh, mà còn củng cố thêm vốn tiếng Việt và rèn luyện nền nếp, cách giao tiếp, ứng xử hằng ngày cho các em.

“Ngày đầu mở lớp, tôi hỏi gì các em cũng im lặng, hoặc trả lời lí nhí. Từ buổi thứ, 2 tôi đến trước giờ học cả tiếng, trò chuyện, làm quen. Cô – trò thân thiết hơn, không còn khoảng cách nữa nên việc dạy và học cũng dần đơn giản” – cô Hà bộc bạch.

Để tạo hứng thú cho bọn trẻ, giữa mỗi giờ học, tình nguyện viên tổ chức trò chơi sáng tạo. Cũng như nhiều bạn trong lớp, cậu bé Quàng Tuấn Anh (10 tuổi) không còn dáng vẻ nhút nhát của buổi đầu, mà tự tin cuốn vào các trò chơi đầy hứng khởi.

“Em thích nhất trò đuổi bắt. Trong quá trình chơi cô sử dụng ngôn ngữ là tiếng Anh. Bọn em phải nghe, hiểu để làm theo nên bạn nào cũng chăm chú. Bạn nào làm sai bị phạt tham gia các trò vui khác cho cả lớp xem. Chơi vừa vui, mà bọn em lại nhớ bài lâu hơn” – Tuấn Anh nói.

Mỗi giờ học diễn ra trong khoảng 2 giờ, nhưng luôn tràn ngập niềm vui, sự nhộn nhịp bởi tiếng đọc và những cánh tay xin phát biểu. Trên những khuôn mặt ngây ngô của bọn trẻ, luôn là sự hứng khởi, thích thú mỗi lần cô giáo giới thiệu từ vựng mới.

Giờ đây, các phụ huynh đều yên tâm hơn khi gửi gắm con em mình đến học.
Giờ đây, các phụ huynh đều yên tâm hơn khi gửi gắm con em mình đến học.

Bố mẹ yên tâm gửi con

Những buổi đầu cho con theo học, nhiều phụ huynh lén đến lớp nhìn trộm qua cửa sổ. Dù chẳng hiểu thứ ngôn ngữ các con đang đọc, nhưng thấy con tự tin, vui vẻ, họ dần yên tâm hơn.

“Con tôi ở nhà hay khóc nhè và nhút nhát lắm, nên mới đầu đi học cũng lo. Hai buổi đầu, tôi phải bỏ dở việc đồng áng, tranh thủ đến xem con thế nào. Thấy con vui, tiến bộ từng ngày; về nhà bi bô tiếng Anh suốt, tôi chẳng hiểu gì nhưng thấy vui và yên tâm” – chị Tòng Thị Thanh tâm sự.

Bé Lò Thị Yến Nhi – con gái chị Thanh năm nay 6 tuổi và sắp bước vào lớp 1. Lớp học là môi trường đầu tiên được tiếp cận với ngôn ngữ mới, nhưng bé không hề thua kém các anh chị lớn tuổi. Theo dõi từng cử chỉ, chú ý đọc các từ vựng cô hướng dẫn, giờ Nhi không chỉ nói, mà còn viết được nhiều từ mới.

“Con thích đến lớp học lắm. Chỉ mong đến cuối tuần để gặp cô. Đến lớp bọn con được học, được chơi nhiều trò chơi mới” – Nhi nói.

Trưởng bản Lường Văn Muôn cũng có con trai theo học lớp học tình nguyện này. Anh Muôn bảo: “Ở đây, hầu hết các gia đình còn khó khăn, chẳng có nhà nào nghĩ đến việc cho con đi học thêm, chứ nói gì đến học tiếng Anh. Vì thế, lớp học miễn phí về tận bản thế này đáng quý lắm. Đặc biệt, đây là bản văn hóa, thường xuyên có khách du lịch nước ngoài”.

Cũng theo chia sẻ của anh Muôn, xưa nay hè về trẻ con trong bản chủ yếu tự chơi với nhau, nên đối mặt với nhiều nguy cơ tai nạn thương tích. Từ khi có lớp tiếng Anh, bọn trẻ vừa có sân chơi bổ ích, lại được học tập, rèn luyện nên các gia đình đều ủng hộ, phấn khởi cho con đi học.

Giờ đây, đến Phiêng Lơi, bên cạnh tiếng bản địa của đồng bào dân tộc Thái, khách nước ngoài sẽ cảm nhận được sự gần gũi, thân thiện hơn khi bắt gặp những đứa trẻ với câu chào Hello. Bọn trẻ không chỉ khiến bản làng rộn ràng hơn, mà còn cho thấy một hình ảnh rất mới về bản văn hóa cộng đồng miền núi trên con đường hội nhập.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.