Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Lục Yên: Xóa mù chữ - sáng tương lai

PV - 10:49, 20/07/2021

Từ lâu, hình ảnh những lớp học xóa mù chữ sáng điện vào mỗi buổi tối, thậm chí, đến tận nửa đêm đã không còn xa lạ đối với bà con, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.


Các học viên lớp xóa mù chữ vui mừng khi đã hoàn thành chương trình học
Các học viên lớp xóa mù chữ vui mừng khi đã hoàn thành chương trình học

Cùng học lớp xóa mù chữ (XMC) với chị Giản, bà Đặng Thị Liên, 54 tuổi cũng có chung tâm trạng: "Đã ở tuổi lên ông, lên bà, ấy vậy mà lại không biết chữ khiến tôi ngại giao tiếp xã hội, đáng lẽ tôi phải là tấm gương sáng cho con cháu noi theo mới phải. Tôi đã quyết tâm phải theo học bằng được. Tôi thấu hiểu chỉ khi có con chữ mới có thể thoát nghèo và vươn lên”.

Từ lâu, hình ảnh những lớp học XMC sáng điện vào mỗi buổi tối, thậm chí, đến tận nửa đêm đã không còn xa lạ đối với bà con, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Lục Yên. Chủ nhiệm lớp học XMC và là giáo viên Trường Tiểu học Phúc Lợi - thầy giáo Hoàng Quốc Doanh tâm sự: "Xác định, phần lớn các học viên tham gia lớp XMC đều là nông dân, vốn quanh năm vất vả với công việc đồng áng, mùa vụ, khi tham gia lớp học, họ càng trở nên bận rộn hơn. 

Do đó, để thu hút học viên đến lớp và học viên tiếp thu bài học tốt, đội ngũ giáo viên phải linh hoạt trong phương pháp giảng dạy, thường xuyên tổ chức các trò chơi phù hợp với bài học, đặt những câu hỏi gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ. Xây dựng các học liệu, đồ dùng trực quan phù hợp với người học; gắn nội dung bài học với tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương; linh hoạt trong việc tổ chức lớp chia theo nhóm nhỏ.

Cùng với đó, tỉnh cũng có nhiều giải pháp hỗ trợ học viên khi tham gia các lớp XMC như: không phải đóng học phí; hỗ trợ sách, bút cho học viên trong suốt thời gian học…”.

Được biết, số người trong độ tuổi từ 15 - 60 tuổi tại huyện Lục Yên là 82.608 người. Trong đó, có 3.057 người mù chữ, tập trung chủ yếu ở vùng có đông đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Người từ 15 - 60 tuổi được công nhận biết chữ mức 1 đạt tỷ lệ 96% trở lên; biết chữ mức 2 đạt tỷ lệ từ 92% trở lên. 24/24 xã, thị trấn duy trì đạt mức độ 1; 23/24 xã, thị trấn duy trì mức độ 2.

Mặc dù số người được công nhận đã XMC hàng năm đều tăng tùy ở mỗi mức độ, nhưng đáng lo ngại là một bộ phận người trẻ ở Lục Yên còn đang mù chữ khá nhiều gây khó khăn trong việc dạy dỗ chính con em mình.

Một thực tế khác, hầu hết các mô hình kinh tế đưa vào giúp người mù chữ sản xuất đều gặp khó, bởi họ cũng tham gia các lớp tập huấn, nhưng do không biết chữ nên không ghi chép lại được, nghe rồi lại quên.

Việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ, học nghề, tìm kiếm việc làm rất bất cập; tiềm ẩn nguy cơ bị lôi kéo trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, tệ nạn xã hội. Chỉ khi được tham gia các lớp XMC, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, người dân mới dễ dàng tiếp cận các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt…

Để đạt được mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 24/24 xã, thị trấn trong huyện đạt chuẩn XMC mức độ 2, Lục Yên còn gặp phải thách thức, khó khăn do: cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của một số trường học chưa đáp ứng đủ nhu cầu, chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định; điều kiện kinh tế của nhân dân còn thiếu thốn, nhận thức của một số phụ huynh học sinh còn hạn chế, chưa quan tâm việc học của con em mình.

Đối với những xã thực hiện theo Quyết định 861 ra khỏi vùng 135 cũng gây ảnh hưởng đến kết quả XMC đã đạt được. Bởi theo Nghị định số 20 quy định tiêu chuẩn XMC ở mức 2 đối với xã 135 tính trong độ tuổi 15 - 35 tuổi, song, ra khỏi xã 135, độ tuổi được tính là từ 15 - 60 tuổi nên 2 xã Tô Mậu và Động Quan từ xã XMC ở cấp độ 2 xuống còn cấp độ 1. Thêm nữa, thời gian tổ chức lớp học chủ yếu vào buổi tối, hay vào mùa vụ dẫn đến khó huy động học viên ra lớp học XMC và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ…

Hiện nay, ngành giáo dục huyện Lục Yên đang thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới năm 2018; năm học 2021 - 2022 là năm thứ 2 triển khai thực hiện, do đó còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu giáo viên. Nhiều giáo viên đã phải dạy tối đa số tiết quy định, thậm chí vượt giờ dạy. Trong khi đó, các giáo viên tối đã phải đi dạy XMC lại còn phải thêm cả nhiệm vụ tuyên truyền, vận động học viên ra lớp để đảm bảo tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần và nâng cao chất lượng giáo dục.

Nếu như tại thời điểm chưa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mỗi năm trên địa bàn huyện luôn duy trì từ 4 - 5 lớp XMC thì từ đầu năm 2021 đến nay mới chỉ tổ chức được 1 lớp trong kế hoạch tổ chức 4 lớp XMC/153 học viên tại các xã: Tô Mậu, Phúc Lợi, Động Quan, Phan Thanh.

Đồng chí Nguyễn Xuân Quang - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lục Yên khẳng định: "Quan trọng nhất đối với việc XMC là phải tuyên truyền, vận động nhân dân ra lớp học, duy trì tỷ lệ chuyên cần; XMC không chỉ dừng lại ở kỹ năng đọc, viết mà còn tăng cường cung cấp kiến thức khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông, cũng như nhiều lĩnh vực khác trong đời sống của người dân. Do đó, thời gian tới, huyện Lục Yên sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị cho các đơn vị trường học; tích cực phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, dòng họ trong việc vận động người mù chữ tham gia học tập.

Cùng với việc tổ chức các lớp XMC, các địa phương tích cực mở các lớp học giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ để củng cố kết quả biết chữ, tạo cơ hội cho người dân được tiếp cận các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và áp dụng vào cuộc sống để phát triển kinh tế xã hội; học nghề, tìm kiếm việc làm…”.

Công tác XMC là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài và rất khó khăn, đòi hỏi sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường và của cả người học để "mặt bằng” dân trí ngày càng được nâng cao. Từ đó, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, góp phần xóa mù kiến thức pháp luật và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Những lớp học U50


Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.