Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Lớp xóa mù chữ ở Nội Thôn

Hoàng Quý - 14:53, 03/03/2020

Hình ảnh những học viên lớn tuổi, thậm chí đầu đã điểm bạc vẫn cắp sách đến lớp vào mỗi buổi trưa hoặc tối không còn xa lạ với người dân Hà Quảng (Cao Bằng). Họ là học viên lớp xóa mù chữ, mặc dù đã lớn tuổi, vất vả mưu sinh, nhưng tất cả vẫn không ngừng cố gắng, nỗ lực tìm đến con chữ.

Lớp học xóa mù chữ cho người dân Cao Bằng
Lớp học xóa mù chữ cho người dân Cao Bằng

Đến Trường Tiểu học xã Nội Thôn (Hà Quảng), tận mắt chứng kiến các thầy cô giáo cầm tay chỉ từng nét chữ cho học viên ở lớp học xóa mù chữ mới thấy được nhiệt huyết, sự tận tụy với nghề của những người “gieo” chữ ở bản làng vùng cao. Hình ảnh các học viên lớn tuổi ê a đánh vần, tay nắn nót viết từng con chữ khiến không ít người xúc động.

Anh Hoàng A Dỉ (xã Phan Thanh, Hà Quảng) nay đã hơn 40 tuổi, là một trong những học viên của lớp. Bình thường phải 19h đến 20h tối anh mới sửa soạn đồ đạc từ trên rẫy về nhà. Nhưng từ khi theo học lớp xóa mù chữ, ngày nào anh Dỉ cũng cố gắng về sớm để tham gia lớp học đầy đủ. 

Anh Dỉ chia sẻ: “Trước đây, mình thích học nhưng do điều kiện và hoàn cảnh gia đình không cho phép. Vì không biết chữ nên gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, ngay cả đi chợ cũng không biết tính toán… Nay được tham gia lớp học xóa mù chữ, mình rất vui và luôn cố gắng đi học đầy đủ, không nghỉ buổi nào”.

Cũng như anh Dỉ, bà Vi Thị Hoa (xã Nội Thôn, Hà Quảng), mặc dù đã hơn 50 tuổi nhưng ngày nào cũng cắp sách đến trường đều đặn, đúng giờ. Bà Hoa cho biết, đi học được hơn 3 tháng đến nay bà đã biết đọc, biết viết tên mình, tên cháu, có thể ký tên mình không phải điểm chỉ nữa…

Lớp học xóa mù chữ do Trường Tiểu học xã Nội Thôn tổ chức, theo kế hoạch xóa mù chữ của huyện Hà Quảng. Lớp học được chia làm hai khung giờ từ 12h -14h và 18h - 20h. Mỗi lớp có từ 25 - 30 học viên, các học viên được phát sách vở, bút và tài liệu học tập…

Cô giáo Nông Thị Lai, phụ trách lớp xóa mù chữ Trường Tiểu học Nội thôn chia sẻ “Phần lớn học viên theo học trước đây chưa được đến trường, ít biết tiếng phổ thông nên gây khó khăn trong quá trình truyền thụ và nâng cao kiến thức, chất lượng lớp học. Để bảo đảm chất lượng, chúng tôi phải giảng bằng tiếng dân tộc, sau đó dịch lại bằng tiếng phổ thông để các học viên nắm được kiến thức…”.

Nhờ những cố gắng đó mà công tác xóa mù chữ ở Cao Bằng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Được biết, thực hiện Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020,” tính đến năm 2018 tỉnh Cao Bằng đã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1. Trong đó, 6 huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; 7 huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi biết chữ mức độ 1 đạt 95,92%; biết chữ mức độ 2 đạt 86,48%...

Theo bà Triệu Thị Diễn, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hà Quảng cho biết, thời gian qua, huyện đã tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất, con người tham gia vào công tác xóa mù chữ. Cùng với đó, huyện đã huy động mọi nguồn xã hội hóa, với phương châm “Người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ”. Từ những kết quả đạt được, huyện Hà Quảng phấn đấu đến năm 2020, xóa mù chữ cho 299 người trong độ tuổi từ 15 - 60, nâng tỷ lệ biết chữ đạt 96%. Khoảng 80% số người biết chữ tiếp tục tham gia học tập với nhiều kiến thức khác nhau nhằm củng cố vững chắc kết quả biết chữ. 19/19 xã, thị trấn đạt chuẩn chống mù chữ giai đoạn 2014 - 2020.

Tin cùng chuyên mục
Người chắp cánh ước mơ cho học sinh DTTS

Người chắp cánh ước mơ cho học sinh DTTS

Gần 26 năm gắn bó với học sinh các DTTS ở xứ Nghệ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Kiều Hoa, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An đã dìu dắt biết bao thế hệ học trò miền núi vượt khó vươn lên, chinh phục ước mơ, tự tin bay ra “biển lớn”. Đồng thời, cô đóng góp quan trọng đưa trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An trở thành một địa chỉ giáo dục uy tín, chất lượng, không chỉ của tỉnh Nghệ An mà của cả hệ thống các trường Dân tộc nội trú trong toàn quốc.