Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Lừa đảo trên không gian mạng ở vùng DTTS - Chuyện cũ nhưng chưa hết nóng

Văn Hoa - 06:34, 29/07/2024

Thời gian qua, lừa đảo trên không gian mạng diễn ra ở khắp nơi, khắp mọi vùng miền, đặc biệt tình trạng này đã lan tràn vào vùng DTTS và miền núi. Nâng cao tinh thần cảnh giác cho người dân là giải pháp an toàn nhất hiện nay.

Không có"miếng bánh" nào miễn phí

Qua mạng xã hội Facebook, chị NTT, dân tộc Sán Dìu tại huyện Sơn Dương, Tuyên Quang nhận được một phần quà may mắn từ nước ngoài, bao gồm hiện vật và tiền mặt. Trong quá trình gửi quà, đối tượng lừa đảo có quay video trực tiếp lúc đóng gói phần quà và gửi đi. Vài ngày sau, chị nhận được cuộc gọi Zalo có người xưng là nhân viên công ty chuyển phát nhanh nói là hàng đã về tới Việt Nam và yêu cầu chị chuyển số tiền 5 triệu đồng, sau đó 8 triệu đồng thì mới nhận được hàng.

Sau khi chị NTT chuyển 2 lần với tổng số tiền 13 triệu đồng, thì nhân viên chuyển phát lại trao đổi với chị rằng gói hàng “hiện đang bị giữ tại hải quan, hàng có số tiền mặt lớn và bị nghi rửa tiền”, do đó yêu cầu chị NTT nộp 38 triệu đồng để có chứng chỉ rửa tiền và bắt đầu xử lý vụ việc. Nếu chị không chuyển tiền có thể bị các cơ quan chức năng bắt đi tù. May mắn rằng, chị NTT đã trao đổi với gia đình và biết được mình đã bị lừa, do đó chị đã không chuyển số tiền 38 triệu đồng theo yêu cầu.

Mới đây, tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc như Yên Bái, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Thái Nguyên, đặc biệt nhất là các khu công nghiệp xuất hiện chiêu trò quét mã QR trên thẻ để nhận tiền (chúng gắn trực tiếp thẻ có mã QR vào xe gắn máy của công nhân). Đây là hình thức lừa đảo chiếm đoạt thông tin, tiền trong tài khoản. Thực tế, mã QR bày dẫn đến một Website đánh bạc và cá cược trái phép. Khi người dân quét mã QR code này, điện thoại sẽ bị xâm nhập, chiếm quyền điều khiển và các đối tượng lừa đảo sẽ dễ dàng lấy tiền trong tài khoản ngân hàng. Trên thực tế, đã có rất nhiều người, đặc biệt là công nhân người DTTS ở các tỉnh miền núi bị hình thức này chiếm đoạt tài sản.

Trường hợp của chị NTT tại Tuyên Quang và hình thức lừa đảo quét mã QR trên thẻ để nhận tiền khiến người bị hại mất từ vài triệu đến cả trăm triệu đồng không phải là chuyện hiếm hiện nay. Dù các cơ quan chức năng, các cấp, các ngành, các địa phương, thậm chí là các nạn nhân cảnh báo, nhưng với quá nhiều hình thức lừa đảo tinh vi, lợi dụng tính thật thà, nhẹ dạ, cả tin của người dân, trong đó có đồng bào DTTS, nhiều người, thậm chí cả người trẻ, cán bộ cũng bị lừa.

Hiện nay xuất hiện một số đối tượng lạ treo các thẻ nhựa có mệnh giá tiền 30.000, 50.000, 100.000 đồng lên xe gắn máy của người dân hay trước cửa nhà dân, trên thẻ có mã QR code và hướng dẫn quét thẻ để nhận tiền. (Trong ảnh: Báo Yên Bái đăng thông tin lên trang Fanpage của Báo để người dân cảnh giác)
Hiện nay xuất hiện một số đối tượng lạ treo các thẻ nhựa có mệnh giá tiền 30.000, 50.000, 100.000 đồng lên xe gắn máy của người dân hay trước cửa nhà dân, trên thẻ có mã QR code và hướng dẫn quét thẻ để nhận tiền. (Trong ảnh: Báo Yên Bái đăng thông tin lên trang Fanpage của Báo để người dân cảnh giác)

Hiện nay, các đối tượng sử dụng công nghệ cao thường dùng các hình thức lừa đảo như: gửi quà tặng may mắn; giả danh cơ quan pháp luật, chiếm quyền sử dụng tài khoản; giả danh người thân để vay, mượn tiền; dụ dỗ người dân làm nhiệm vụ trên các app thu lợi nhuận cao; giả nhân viên của nhà cung cấp dịch vụ điện thoại cảnh báo khóa sim điện thoại; giả mạo trang thông tin điện tử của các cơ quan, doanh nghiệp như bảo hiểm xã hội, ngân hàng, chứng khoán; tuyển dụng việc làm; mạo danh các hoạt động trại hè; mạo danh biên tập viên của các cơ quan truyền thông tổ chức cuộc thi ảnh/tuyển cộng tác viên…

Thủ đoạn lừa dảo ngày càng tinh vi

Có thể thấy, hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có ở mọi nơi từ miền xuôi đến miền ngược. Các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều hình thức lừa đảo khác nhau cực kì tinh vi, ngay cả những người có hiểu biết nếu không cảnh giác cũng dễ dàng bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; đối với đồng bào DTTS ở khu vực vùng sâu, vùng xa ít va chạm, khả năng sử dụng điện thoại thông minh còn hạn chế, thì khả năng bị các đối tượng lừa đảo lợi dụng càng cao. 

Để phòng ngừa tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, nhiều địa phương đã phát đi cảnh báo với nhiều cách làm khác nhau để nâng cao nhận thức người dân.

Người có uy tín tỉnh Điện Biên chia sẻ kinh nghiệm sử dụng điện thoại thông minh
Người có uy tín tỉnh Điện Biên chia sẻ kinh nghiệm sử dụng điện thoại thông minh

Đơn cử như tại tỉnh Yên Bái, Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái đã trang bị điện thoại thông minh cho Người có uy tín. Qua kênh zalo, Ban Dân tộc thường xuyên thông tin tới Người có uy tín về các hình thức lừa đảo, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, giúp Người có uy tín dễ dàng nắm bắt thông tin, qua đó Người có uy tín sẽ tuyên truyền, phổ biến để đồng bào DTTS nắm được các hình thức lừa đảo để biết cách phòng tránh.

Hay tại Tuyên Quang, hầu hết các trang fanpage như Mặt trận Tuyên Quang, Công an các cấp, trang thông tin các xã đều tích cực đăng thông tin về các hình thức lừa đảo qua mạng xã hội để Nhân dân biết và phòng tránh.

UBND xã Thiện Kế, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang phát đi cảnh báo tới người dân để phòng ngừa hoạt động lừa đảo trên không gian mạng
UBND xã Thiện Kế, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang phát đi cảnh báo tới người dân để phòng ngừa hoạt động lừa đảo trên không gian mạng

Để chủ động phòng ngừa, nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác cho Nhân dân về tình trạng giả danh cán bộ Công an hướng dẫn, hỗ trợ cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử qua ứng dụng VneID nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân, đặc biệt là người DTTS; Công an huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) đã huy động các cán bộ, chiến sĩ từ huyện đến các xã, thị trấn trên địa bàn phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tổ chức ra quân tuyên truyền phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tại các khu dân cư, chợ, bệnh viện khu vực tập trung đông người. 

Đồng thời, phối hợp Phòng Dân tộc và Đài Truyền thanh, truyền hình huyện xây dựng bản tin bằng hai thứ tiếng Kinh và Mường; Đồng thời tăng cường công tác tuyền truyền, cảnh báo trên mạng xã hội zalo, facebook... về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo để người dân hiểu và cảnh giác, phòng ngừa.

Còn tại huyện Lang Chánh, Thanh Hóa, thông qua công tác tuyên truyền, cảnh báo, chỉ tính từ đầu năm 2024 đến nay, Công an huyện đã phát hiện và kịp thời ngăn chặn 13 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, giúp người dân bảo vệ an toàn tài sản của mình.

Ngày 25/5/2024, Cục Thông tin cơ sở (Bộ TT&TT) ban hành Công văn số 397/TTCS-TTTH về tuyên truyền phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng. Theo đó, Cục Thông tin cơ sở đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng cho người dân thường xuyên trên đài truyền thanh cơ sở và các hoạt động thông tin cơ sở khác. Trọng tâm phổ biến 12 phương thức tội phạm mạng thường sử dụng để lừa đảo trực tuyến và 10 biện pháp phòng tránh lừa đảo.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nhiều dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 khó triển khai vì vướng mắc đất rừng

Nghệ An: Nhiều dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 khó triển khai vì vướng mắc đất rừng

Chưa thể thi công, có nguy cơ vỡ tiến độ… là thực tế đang diễn ra tại một số dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) ở Nghệ An. Những dự án này, chủ yếu là còn vướng mắc diện tích đất rừng nhưng chưa chuyển đổi xong mục đích sử dụng, chưa hoàn thiện đánh giá tác động môi trường…