Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Hiệu quả của lớp xóa mù chữ Tân Lĩnh

Hồng Phúc - 10:20, 01/09/2020

Theo báo cáo của UBND huyện Lục Yên (Yên Bái), tính đến năm 2019, toàn huyện có trên 9.800 người mù chữ ở mức độ 1 và 2. Lục Yên là một trong những huyện có tỷ lệ mù chữ cao của tỉnh. Để đẩy mạnh công tác xóa mù chữ, thời gian qua, Lục Yên đã tăng cường huy động các tổ chức, đoàn thể cùng tham gia, trong đó, xã Tân Lĩnh đang làm tốt mô hình “xã hội hóa” xóa mù chữ.

 Một buổi tuyên truyền, vận động bà con tham gia lớp học của Đoàn Thanh niên xã Tân Lĩnh.
Một buổi tuyên truyền, vận động bà con tham gia lớp học của Đoàn Thanh niên xã Tân Lĩnh.

Thôn 9 là thôn đặc biệt khó khăn của xã Tân Lĩnh, dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao. Tháng 3/2019, thời điểm tuyên truyền, vận động bà con tham gia các lớp học xóa mù chữ, toàn thôn có 875 nhân khẩu, thì có tới 172 người mù chữ. 

Chị Triệu Thị Độc, một học viên lớp xóa mù chữ cho biết, từ nhỏ, chị không được đi học, không biết đọc chữ nên những thông tin trên bao cám, chai thuốc trừ sâu, giấy thông báo của thôn… chị không thể đọc được để hiểu nó là gì. Chị chỉ mong được biết chữ.

Mong mỏi của chị Độc cũng như nhiều người khác đã thành hiện thực khi Ban chấp hành (BCH) Đoàn xã phối hợp với Trường TH&THCS xã Tân Lĩnh tổ chức mở lớp xóa mù chữ. Ngày 9/4/2019, lớp chính thức được khai giảng. 

Mới đầu, lớp học chỉ có 52 học viên, nhưng sau một tuần học, lớp đã tăng lên 64 học viên (số lượng học viên chủ yếu là người trung tuổi, học viên nhỏ nhất 15 tuổi và lớn tuổi nhất là 60 tuổi). Do hầu hết đều là người lao động, ban ngày bận lên nương, rẫy nên buổi tối từ 19h đến 21h các ngày trong tuần, người dân mới đến được lớp học.

Phương pháp hiệu quả mà mô hình lớp học này áp dụng là huy động sự tham gia của các đoàn hội. Mỗi cán bộ, công chức sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp vận động một nhóm 3 đến 4 học viên và theo dõi, đồng hành cùng họ trong suốt quá trình học tập. Chính điều này khiến đồng bào có ý thức kỷ luật cao hơn trong việc học. 

Thầy giáo Nguyễn Thiện Kế, Hiệu trưởng Trường TH&THCS xã Tân Lĩnh cho biết, sau khi lớp học xóa mù chữ tại thôn 9 hoàn thành, kết quả có 60/64 học viên biết đọc, biết viết và thực hiện được một số phép tính cộng trừ đơn giản và được Trường TH&THCS xã Tân Lĩnh cấp bảng điểm và học bạ học tập. 

Những học viên tốt nghiệp lớp này đã tự tin hơn trong giao tiếp, đặc biệt là đã thực hiện dễ dàng các giao dịch, thủ tục hành chính khi có nhu cầu, không còn tình trạng phải điểm chỉ vân tay nữa. 

Còn theo anh Vy Trọng Nguyên, Phó Bí thư Đoàn xã Tân Lĩnh, trong quá trình giảng dạy, để tạo không khí sôi nổi trong học tập, anh cùng các thầy, cô giáo đã tổ chức nhiểu hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa văn nghệ; đặc biệt là cuối giờ học vào thứ Sáu hằng tuần, BCH Đoàn xã tổ chức liên hoan và lồng ghép sinh hoạt cộng đồng cho các học viên… để tăng cường sự gắn bó, đoàn kết và khích lệ tinh thần học tập của họ. Việc tăng cường các lớp xóa mù chữ là rất cần thiết, bởi toàn xã vẫn có 761 người mù chữ, trong đó hầu hết là đồng bào dân tộc Dao, tập trung ở thôn 8 và thôn 9. 

Tháng 2/2020, BCH Đoàn xã Tân Lĩnh tiếp tục nhân rộng mô hình, mở thêm 1 lớp xóa mù chữ tại thôn 8, với 33 học viên tham gia. Sau khi khai giảng, lớp học hoạt động được 1 tháng, nhưng do dịch bệnh Covid-19 nên tạm dừng hoạt động. Dự kiến đến tháng 9, lớp học sẽ được mở lại.

Tin cùng chuyên mục
Người chắp cánh ước mơ cho học sinh DTTS

Người chắp cánh ước mơ cho học sinh DTTS

Gần 26 năm gắn bó với học sinh các DTTS ở xứ Nghệ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Kiều Hoa, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An đã dìu dắt biết bao thế hệ học trò miền núi vượt khó vươn lên, chinh phục ước mơ, tự tin bay ra “biển lớn”. Đồng thời, cô đóng góp quan trọng đưa trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An trở thành một địa chỉ giáo dục uy tín, chất lượng, không chỉ của tỉnh Nghệ An mà của cả hệ thống các trường Dân tộc nội trú trong toàn quốc.