Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Lưu giữ và phát triển nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Pà Thẻn

PV - 14:41, 26/03/2019

Người Pà Thẻn định cư lâu đời và sinh sống nhiều nhất ở các xã Tân Trịnh, Tân Bắc của huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang. Cũng như các DTTS khác, trang phục người Pà Thẻn có những nét đặc trưng về kiểu dáng, màu sắc, chất liệu.

Các nghệ nhân dệt thổ cẩm truyền thống tại HTX dệt thổ cẩm truyền thống thôn My Bắc, xã Tân Bắc. Các nghệ nhân dệt thổ cẩm truyền thống tại HTX dệt thổ cẩm truyền thống thôn My Bắc, xã Tân Bắc.

Bà Xìn Thị Lở, nghệ nhân dệt thổ cẩm dân tộc Pà Thẻn, thôn My Bắc, xã Tân Bắc cho biết: “Để hoàn thành một bộ trang phục có khi kéo dài cả năm và đòi hỏi sự khéo léo, cần cù, sáng tạo của phụ nữ. Các công đoạn dệt, thêu hoa văn, ghép vải hoàn toàn bằng phương pháp thủ công truyền thống. Trước kia, nguyên liệu dệt vải là kéo từ sợi cây bông, cây đay, hiện chủ yếu dùng len chỉ. Sau khi nhuộm màu là mắc sợi, sang chỉ dệt thành những mảnh vải thổ cẩm hình vuông hay dải vải khổ nhỏ hoặc rộng đắp trực tiếp lên vải áo, khăn, váy”.

Trong các mảng hoa văn, bao giờ hoa văn chủ đạo cũng được làm nổi bật, màu đỏ là màu sắc chính của bộ trang phục nữ. Dân tộc Pà Thẻn có một bộ sưu tập các mẫu hoa văn vô cùng phong phú, được bảo lưu và trao truyền từ đời này sang đời khác. Trước hết, đó là hệ thống những hoa văn hình học phân bố thành các dải băng ngang, làm đường phân tuyến cho những hoa văn khác trên khăn, ngực áo, eo lưng, gấu áo, khuỷu tay áo và thân váy.

Đối với hoa văn hình người, chân chó, mắt cua, con nghé, sừng trâu phức tạp hơn để làm điểm nhấn trên ngực áo, eo lưng và hai bên hông váy. Ngoài ra, hoa văn cây thông, cây cỏ và một số loại thuốc quen thuộc của đồng bào là những chất liệu độc đáo tôn vinh thêm vẻ đẹp của bộ trang phục.

Bà Xìn Thị Lở cho biết thêm: “Ngày nay, hầu hết những cô gái trẻ dân tộc Pà Thẻn trên địa bàn đều biết các kỹ năng thêu, dệt và chắp vá hoa văn trước khi đi làm dâu. Đó là của hồi môn thiêng liêng mà bà, mẹ trao cho con gái. Để tránh mai một, chúng tôi thường dạy nghề cho thế hệ trẻ tại Hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm truyền thống thôn My Bắc, xã Tân Bắc và dạy ở nhà”.

Bằng sự tỉ mỉ, dày công, những phụ nữ Pà Thẻn đã tạo ra bộ váy áo phụ nữ với sắc đỏ rực rỡ, màu chàm của nam giới, trẻ em được chú ý bởi chiếc mũ đội đầu nhiều màu sắc, mũ của bé gái có những chùm bông len đỏ cháy lên. Đồ trang sức vòng cổ, vòng tay, hoa tai, nhẫn tay là những phụ kiện không thể thiếu đi kèm váy áo. Trong các lễ hội truyền thống, ngày Tết, lễ cưới của dân tộc mình, người Pà Thẻn luôn mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Bà Chẳng Thị Liên, Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình cho biết: “Để bảo tồn, phát huy nghề dệt và may trang phục truyền thống, UBND huyện đã thực hiện hỗ trợ một phần “Quỹ phát triển văn hóa của huyện” nhằm khuyến khích HTX dệt thổ cẩm truyền thống thôn My Bắc, xã Tân Bắc phát triển. Đồng thời, phối hợp với các nghệ nhân tổ chức các lớp dạy nghề dệt cho phụ nữ,… đem lại các sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng gần, xa”.

MINH THU

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.