Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Ly hương tìm việc làm

Minh Thứ - 10:43, 17/02/2020

Cứ mỗi dịp sau Tết, hàng ngàn người lại xa quê để tìm việc làm. Thu nhập của họ đã góp phần làm thay đổi trong cuộc sống nhiều gia đình. Tuy nhiên, hệ lụy của nó là những đứa trẻ “bị bỏ lại” quê nhà, thiếu vắng tình thương, sự chăm sóc của cha mẹ, gia đình và địa phương thiếu hụt nguồn lao động...

Rất nhiều lao động chờ đón xe vào các tỉnh phía Nam lao động sau Tết.
Rất nhiều lao động chờ đón xe vào các tỉnh phía Nam lao động sau Tết

Xa xứ để mưu sinh

Chị Nguyễn Thị Lĩnh ở xã miền núi Kim Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) cho biết gia đình chị có 4 người con. Năm nào cũng vậy, sau Tết là hai vợ chồng chị và hai con lớn lại vào Bình Dương để tìm việc làm, hai con nhỏ gửi ông bà ở quê để học hành. “Xa con không ai muốn cả. Nhưng vì cuộc sống, vì tương lai của các con nên đành chấp nhận”, chị Lĩnh chia sẻ.

Chia sẻ về thực tế này, bà Lô Thị Mậu, Chủ tịch UBND xã Lục Dạ, huyện Con Cuông (Nghệ An) cho biết: Năm nào cũng vậy, sau Tết là hàng trăm lao động của địa phương lại ồ ạt vào Nam ra Bắc để tìm việc làm. Bên cạnh việc có lợi về kinh tế cho gia đình, một thực trạng đang hiện hữu ở địa phương là tình trạng thiếu hụt lao động mỗi khi chính quyền cần sự chung tay của người dân.

Bên cạnh đó, những gia đình có bố mẹ đi làm ăn xa con cái không được chăm sóc nuôi dưỡng tử tế, nên dễ dính vào các loại tệ nạn xã hội. Đây là nguy cơ về lâu dài, cần phải có giải pháp khắc phục.

Ông Vi Sơn, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: Chính quyền huyện biết vấn đề này, nhưng vẫn chưa có giải pháp mang tính thực tế để giải quyết. Vẫn biết là nhiều hệ lụy từ việc lao động ly hương khỏi địa phương, nhưng để giải quyết vấn đề này cần có chiến lược dài hơi. Theo ông Sơn, đây là vấn đề xã hội mang tầm chiến lược, huyện không đủ sức để giải quyết, cần sự hỗ trợ của tỉnh và Trung ương.

Và những hệ lụy

Thực tế, việc lao động ly hương làm ăn sau Tết ngoài việc có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống, thì cũng để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Qua tìm hiểu, đa số các em học sinh nghỉ học sau Tết hoặc không chăm lo học hành đều xuất phát từ gia đình có bố mẹ đi làm ăn xa. Thiếu sự chăm sóc dạy bảo nên các em không chú tâm học, điều này vô tình dẫn đến những tác động tiêu cực như bỏ học tụ tập chơi bời, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh xã hội…

Thầy giáo Nguyễn Văn Thiết, Trưởng phòng Giáo dục huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết: Năm nào ngành Giáo dục huyện cũng phải tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học sau Tết theo bố mẹ đi làm ăn. Đây là vấn đề khó, bởi do cuộc sống khó khăn, thiếu việc làm nên bắt buộc lao động phải xa quê hương để làm ăn.

“Ngành Giáo dục cũng chỉ góp được một phần vai trò là động viên và tuyên truyền, còn giải quyết căn cơ các vấn để phải nhờ vào các giải pháp của chính quyền các cấp”, ông Thiết nói.

Để “níu” chân được người lao động không còn cách nào khác là phải tạo điều kiện để họ có thể sống và nâng cao chất lượng cuộc sống ngay tại quê hương. Muốn vậy, bên cạnh những giải pháp “dài hơi” như: Tái cơ cấu nền Nông nghiệp, từng bước hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại; tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp về đầu tư tại quê hương… thì công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn cần phải được đổi mới, nâng cao hiệu quả hơn nữa. Có như vậy, người nông dân mới vững tâm bám ruộng, bám làng thay vì mạo hiểm tìm kiếm tương lai ở những miền đất khác. 

Năm nào cũng vậy, sau Tết là hàng trăm lao động của địa phương lại ồ ạt vào Nam ra Bắc để tìm việc làm. Bên cạnh việc có lợi về kinh tế cho gia đình, một thực trạng đang hiện hữu ở địa phương là tình trạng thiếu hụt lao động mỗi khi chính quyền cần sự chung tay của người dân”.

Bà Lô Thị Mậu, Chủ tịch UBND xã Lục Dạ, huyện Con Cuông (Nghệ An)