Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Mặc đồ dân tộc nơi công sở - Một cách làm hay để bảo tồn trang phục truyền thống

Trọng Bảo - 15:57, 16/09/2021

Hơn 1 năm nay, đã thành nếp, cứ vào sáng thứ Hai đầu tuần, cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số công tác tại xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên (Lào Cai) lại thực hiện mặc trang phục dân tộc của mình đến công sở. Đây là cách làm hay góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc.

Người dân thấy gần gũi hơn khi thấy cán bộ cũng mặc trang phục dân tộc mỗi khi có việc đến giao dịch ở xã
Mỗi khi có việc đến giao dịch tại xã, người dân thấy gần gũi hơn khi cán bộ mặc trang phục dân tộc

Với 11 dân tộc cùng sinh sống, vùng đất Bảo Yên (Lào Cai) là nơi bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc được giữ gìn, lưu truyền, đan xen hòa quyện. Để phát huy, bảo tồn những nét đặc sắc trong văn hóa của các dân tộc, địa phương đã có nhiều cách làm sáng tạo. Trong đó, việc vận động mặc trang phục dân tộc ở công sở đã và đang được thực hiện ở một số xã. Và, chủ trương này được cán bộ và người dân trên địa bàn ủng hộ.

Đều đặn vào mỗi buổi sáng thứ Hai đầu tuần, chị Lương Thị Đằng, dân tộc Tày, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghĩa Đô lại sửa soạn, chọn cho mình bộ quần áo dân tộc mới nhất, đẹp nhất để đi làm. Chị Đằng cho biết: Những ngày đầu, khi xã mới triển khai quy định cán bộ, công chức xã mặc trang phục dân tộc đi làm vào thứ Hai đầu tuần, chị và nhiều người khác không tránh khỏi tâm lý e ngại. Bởi lâu nay, các chị đã quen với việc mặc áo sơ mi, quần âu đi làm rồi. Bây giờ, 100% cán bộ, công chức xã Nghĩa Đô đều hưởng ứng mặc trang phục dân tộc ở nơi công sở trong ngày đầu tuần.

“Trước kia thì dịp lễ, dịp Tết mới mặc trang phục dân tộc, chứ không thấy ai mặc đi làm ở cơ quan. Sau thời gian thực hiện quy định mặc trang phục dân tộc đi làm vào đầu tuần, bây giờ ai cũng thấy vui, và háo hức chờ đến ngày đầu tuần để được mặc trang phục dân tộc mình, được thể hiện, quảng bá bản sắc văn hóa của dân tộc mình”, chị Đằng tâm sự.

Với đặc thù công việc là Khuyến nông viên của xã, hàng ngày chị Ma Thị Dóc phải thường xuyên tiếp xúc với bà con nông dân. Chính vì vậy, việc mặc trang phục dân tộc khi đi cơ sở còn giúp cho chị dễ tiếp cận, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con. Ngược lại, chính người dân cũng thấy gần gũi hơn với người cán bộ khuyến nông, từ đó, mạnh dạn trao đổi những thắc mắc, khó khăn gặp phải trong quá trình sản xuất, chăn nuôi.

“Thực ra mặc trang phục dân tộc khi đi làm cũng rất phù hợp, thoải mái khi đi tiếp xúc với bà con nhân dân. Bởi chính bà con vẫn mặc trong sinh hoạt, lao động hằng ngày, thì không có lý gì mà mình lại thấy khó khăn, bất tiện khi đi làm cả”, chị Dóc chia sẻ.

Hơn 1 năm nay, cán bộ, công chức xã Nghĩ Đô thực hiện việc mặc trang phục dân tộc vào ngày đầu tuần
Hơn một năm nay, cán bộ, công chức xã Nghĩa Đô thực hiện việc mặc trang phục dân tộc vào ngày đầu tuần

Thời gian qua, nhiều nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Tày ở Nghĩa Đô được bảo tồn và gìn giữ. Cùng với nếp nhà sàn, tiếng nói… thì trang phục dân tộc Tày vẫn được bà con lưu giữ và truyền lại cho con cháu. Thường ngày, phụ nữ Tày vẫn mặc những chiếc váy, áo  truyền thống của dân tộc mình. Vào dịp lễ, Tết, họ diện những chiếc áo dài Tày, đầu vấn khăn, tay đeo vòng được làm bởi những nghệ nhân khéo léo. Còn những người đàn ông Tày thì mặc những bộ trang phục áo chàm ngắn cùng mũ nồi trong cuộc sống thường ngày và trong cả lễ hội…

Xã Nghĩa Đô có 95% dân số là dân tộc Tày. Việc gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc luôn được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm, khuyến khích. Ông Cổ Hữu Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô, cho biết: Xã thực hiện việc mặc trang phục dân tộc vào mỗi thứ Hai đầu tuần đã được hơn 1 năm nay. Qua thời gian triển khai, cán bộ, công chức ai cũng phấn khởi, vì thấy giá trị văn hóa của dân tộc mình được ghi nhận, khuyến khích.

“Trước đây, có thể  nhiều đồng chí cũng muốn mặc đồ dân tộc đi làm, nhưng có khi ngại vì cơ quan không có ai mặc cả. Bây giờ tất cả đều mặc, thì từ tâm lý ngại ngần, anh em lại háo hức chờ đến ngày đầu tuần để mặc trang phục dân tộc. Bên cạnh đó, bà con khi đến xã để giải quyết thủ tục hành chính cũng thấy tự tin, gần gũi hơn, khi thấy cán bộ xã cũng mặc trang phục giống như mình…”, ông Cường cho biết thêm.

Được biết, hiện tại, trên địa bàn huyện Bảo Yên đã có 2 xã là Nghĩa Đô và Việt Tiến triển khai mặc trang phục dân tộc nơi công sở. Trước những hiệu ứng tích cực từ sáng kiến này mang lại, các xã khác cũng đang chuẩn bi triển khai, với mục tiêu vừa góp phần bảo tồn văn hóa, tạo sự thân thiện, gần gũi với Nhân dân.