Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

"Mạch nước ngầm" văn hóa người Co

PV - 17:14, 06/09/2021

Hòa nhịp với cuộc sống hiện đại, các bạn trẻ người Co ở huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) giờ đây không chỉ say mê trong nhịp cồng chiêng, mà còn truyền bá, giới thiệu di sản văn hóa của đồng bào mình bằng các phương tiện phù hợp.

Câu lạc bộ Cồng chiêng trẻ người Co (Bắc Trà My)
Câu lạc bộ Cồng chiêng trẻ người Co (Bắc Trà My)

Nhờ đó, văn hóa cồng chiêng trong nhịp sống hiện đại không những không bị mai một, mà như mạch nước ngầm chảy xuyên suốt trong đời sống nhiều người trẻ. Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng trẻ người Co ở xã Trà Kót được thành lập, phát triển và duy trì hoạt động là một ví dụ.

Bí thư Đoàn xã Trà Kót, Chủ nhiệm CLB Cồng chiêng trẻ người Co - Nguyễn Văn Thạch cho biết, để phát huy vai trò của Đoàn viên thanh niên trong việc giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa của đồng bào, Đoàn xã đã chủ động tham mưu Huyện đoàn, Đảng ủy xã vận động tập hợp thanh niên tham gia tập các điệu múa chiêng, đấu chiêng của đồng bào người Co.

Bắt đầu tổ chức sinh hoạt vào tháng 7/2020 chỉ với 5 Đoàn viên thanh niên, đến tháng 3/2021, Huyện đoàn đã công bố thành lập CLB Cồng chiêng trẻ người Co, đến nay có 30 thành viên. Qua quá trình tập luyện, các bạn trẻ thấy được ý nghĩa trong việc tham gia giữ gìn bản sắc văn hóa.

Anh Nguyễn Văn Thạch cho biết, màn đấu chiêng là một trong những di sản phi vật thể của người Co. Mở đầu tiết tấu đấu chiêng, tiếng trống và tiếng chiêng hòa quyện chậm rãi, sau đó tăng dần tốc độ và càng về sau càng thúc giục, dồn dập hơn.

Người đánh chiêng luôn thể hiện tài năng ứng tác của mình, biết kết hợp các thể loại nhuần nhuyễn mới tạo được âm thanh lúc trầm hùng, vui nhộn hay khoan thai... Không đơn giản để có thể tập những nhịp điệu này trong ngày một, ngày hai. Những nghệ nhân lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm là người đã truyền dạy những kỹ thuật này cho các bạn trẻ.

Ông Trần Anh Vũ (nghệ nhân cồng chiêng xã Trà Kót, người thường xuyên hỗ trợ các bạn trẻ trong tập luyện, múa cồng chiêng) cho biết: “Tôi mừng và phấn khởi vì những người trẻ đã cố gắng để học, giữ gìn văn hóa cồng chiêng của đồng bào Co. Tôi đã rất lo và từng sợ văn hóa của đồng bào mình sẽ mai một theo năm tháng”.

Từ khi CLB được thành lập đến nay, mỗi tháng 2 lần, các bạn trẻ lại quây quần bên nhau để luyện tập những điệu múa cà đáo, những điệu cồng chiêng đôi, vốn là văn hóa truyền thống bao đời của cộng đồng người Co. Thành viên đều là những chàng trai, cô gái sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này.

Chị Trần Thị Lưu Luy (thành viên CLB Cồng chiêng trẻ người Co) chia sẻ: “Khi tham gia sinh hoạt CLB, được múa những điệu múa truyền thống của đồng bào mình, tôi cảm thấy tự hào vì mình là người trẻ đã góp công vào việc bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa của người Co”./.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.