Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Du lịch

Mầm xanh trên đá xám

Hà Linh - 19:48, 30/04/2024

Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang với những dãy núi cao đá chồng trên đá, dựng đứng, xám ngắt, nối tiếp nhau trải dài như vô tận. Ở nơi “sống trên đá, chết vùi trong đá” này, nhờ bản lĩnh cũng như sự cần cù, chịu thương, chịu khó của đồng bào các dân tộc, những mầm xanh mơn mởn của sự sống vẫn ngày ngày sinh sôi, nảy mầm, vươn lên từ đá.

Đồng bào kiên cường, khuất phục thiên nhiên để bắt đá “nảy mầm”.
Đồng bào kiên cường, khuất phục thiên nhiên để bắt đá “nảy mầm”.

Cao nguyên đá Đồng Văn mùa nào cũng đẹp, mỗi mùa sẽ có một nét đẹp riêng. Đến với Hà Giang vào những ngày hè giữa cái nắng chói chang, dọc những cung đường uốn lượn, quanh co, xuyên qua những dãy núi đá tai mèo sừng sững xếp tầng, nối tiếp nhau là một màu xanh mát mắt trải dài trùng điệp; dọc đường, núi đồi đều phủ một màu xanh căng tràn sức sống.

Hằng năm, cứ vào độ cuối tháng 4, đầu tháng 5 là thời điểm đồng bào Mông tiến hành vun ngô. Dưới cái nắng cháy cả da thịt nhưng bà con vẫn miệt mài, cặm cụi nhổ cỏ, chăm sóc những nương ngô... Ở nơi gian khó này, nếu không kiên cường khuất phục thiên nhiên, vượt lên hoàn cảnh để sống, chắc hẳn sẽ khó có thể sinh tồn.

Để tận mắt chứng kiến một màu xanh mơn mởn của sự sống phủ trên những nương đá cao cả ngàn mét, từ trung tâm huyện Mèo Vạc, chúng tôi tìm đến thôn Mã Pì Lèng, xã Pả Vi để tới hẻm Tu Sản - nơi được mệnh danh là điểm canh tác “hiểm địa” nhất thế giới. Để rồi, từ Hẻm Tu Sản trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng, phóng tầm mắt trải rộng ra bốn phía, cảm nhận màu xanh non mơn mởn của những nương ngô phủ lên trên gam màu xám của đá núi. Phía dưới cả ngàn mét là dòng sông Nho Quế xanh ngắt, uốn lượn đẹp tựa bức tranh thủy mặc

Đồng bào kiên cường bám đá giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng nơi địa đầu của Tổ quốc.
Đồng bào kiên cường bám đá giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng nơi địa đầu của Tổ quốc.

Quả thực khi nhìn những mầm xanh vươn lên mơn mởn ở 2 bên sườn hẻm, phía dưới là vực sâu hun hút, hùng vĩ nhưng vô cùng nguy hiểm, mới thấy sức sống mãnh liệt được thắp lên từ bản lĩnh cũng như sự cần cù, chịu thương, chịu khó của bao thế hệ đồng bào người Mông nơi đây. Giữa những vách đá tai mèo cheo leo, dựng đứng, hun hút ấy, những người dân vẫn quanh năm cần mẫn bám vực, bám đá để bắt đá nẩy mầm xanh.

Mèo Vạc là một trong 4 huyện vùng cao thuộc Cao nguyên đá Đồng Văn, địa phương này có hơn 87% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, hơn 80% diện tích tự nhiên là đá. Tỷ lệ đất rất ít, nên muốn canh tác đúng mùa vụ, người dân phải đưa từng gùi đất đổ vào những hốc đá. Để đất không bị xói mòn đồng bào Mông xếp đá ở vòng ngoài che chắn và khi mưa xuống, đất không bị rửa trôi, xói mòn. Việc gieo trồng ngô của bà con nơi đây hoàn toàn dựa vào điều kiện tự nhiên. Đến nay, thổ canh hốc đá vẫn là phương thức chủ đạo trong hoạt động sản xuất của bà con.

Sống trên đá, bám đá để sinh tồn, vậy nên không chỉ giỏi canh tác trên đá, đồng bào trên cao nguyên đá Đồng Văn còn biết kết hợp những nương đá xám khô cằn, những di tích, di sản cùng bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo của mình thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách từ khắp nơi trên thế giới.

Thế nên, giờ đây, đến với Cao nguyên đá Đồng Văn, du khách không chỉ được khám phá những bí ẩn của kiến tạo địa chất qua hàng triệu năm của công viên địa chất toàn cầu, hay những địa điểm du lịch nhuốm màu huyền sử như Quần thể Khu Di tích Nhà Vương, Quần thể Phố cổ huyện Đồng Văn, Khu du lịch Núi Đôi huyện Quản Bạ, Hẻm Tu Sản hun hút ngàn thước… Du khách còn được khám phá bản sắc văn hóa đặc trưng của 17 dân tộc thiểu số anh em được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Nơi mà, mỗi dân tộc có một nét văn hóa truyền thống độc đáo thể hiện trong các lễ hội truyền thống và trong các mùa lễ hội của đồng bào vào các dịp lễ tết như: Lễ hội Múa Khèn của người Mông, Lễ hội Cầu mưa của đồng bào dân tộc Nùng, Lễ Cúng rừng của dân tộc Lô Lô…

 Đồng bào quanh năm cần mẫn bám vực, bám đá để bắt đá nẩy mầm xanh.
Đồng bào quanh năm cần mẫn bám vực, bám đá để bắt đá nẩy mầm xanh.

Những năm trở lại đây, trung bình mỗi năm đều có hơn 2 triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm, khám phá Cao nguyên đá Đồng Văn. Trên Cao nguyên đá xám đã xuất hiện ngày càng nhiều những bản du lịch cộng đồng, những home stay… Có thể kể đến các làng du lịch cộng đồng nổi tiếng như làng H’Mông Pả Vi, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, bản Lô Lô Chải của người Lô Lô, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, làng văn hóa Lũng Cẩm, xã Sủng Hà, huyện Đồng Văn… Từ đó, cuộc sống, thu nhập của đồng bào các dân tộc nơi đây cũng khá dần lên.

Cùng với bản lĩnh kiên cường, sự cần cù, chịu khó của đồng bào nơi đây, những năm qua, Đảng và Nhà nước cũng đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư, phát triển, nâng cao đời sống cho bà con. Có thể kể đến như nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) như Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình MTQG 1719 đã dành hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư, phát triển bền vững đời sống đồng bào các dân tộc trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Bên cạnh đó, Đảng bộ tỉnh Hà Giang cũng đã ban hành nhiều nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội tại các huyện Cao nguyên đá… Để từ đó, màu xanh của sự sống, của ấm no luôn hiện hữu trên Cao nguyên đá xám. Những nụ cười rạng rỡ cũng thường trực hơn trên những khuôn mặt trẻ thơ và cả những người già nơi mảnh đất biên cương, giúp họ thêm tin yêu, kiên cường bám đá giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng nơi địa đầu của Tổ quốc.

Tin cùng chuyên mục
Cà Mau: Sôi nổi Ngày hội đua vỏ lãi trên cửa biển Sông Đốc

Cà Mau: Sôi nổi Ngày hội đua vỏ lãi trên cửa biển Sông Đốc

Ngày 21/11, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau phối hợp với UBND thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời tổ chức Ngày hội đua vỏ lãi năm 2024. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ kỷ niệm 70 năm sự kiện chuyến tàu tập kết ra Bắc (1954 - 2024). Ngày hội thu hút hàng ngàn người dân trong và ngoài tỉnh đến theo dõi.