Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Mang chữ đến từng nhà

NghĩaHiệp - 09:13, 07/04/2020

Thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học” của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chương trình học kỳ 2 năm học 2019 - 2020 đã được Bộ GD&ĐT hướng dẫn dạy và học qua Internet và truyền hình. Tuy nhiên, đối với phần lớn học sinh miền núi, vùng DTTS vẫn còn nhiều khó khăn để tiếp cận Chương trình học trong mùa dịch Covid-19. Để giúp học sinh không sao nhãng trong học tập, không bị quên kiến thức, nhiều thầy cô giáo vùng cao đã đến tận nhà học sinh để dạy học.

Em Sùng Thị Dín (đi đầu bên phải) trên đường đến trường. Ảnh chụp tháng 12/2019
Em Sùng Thị Dín (đi đầu bên phải) trên đường đến trường. Ảnh chụp tháng 12/2019

Trường Tiểu học Nà Khoa, xã Nà Khoa là một trường vùng sâu, vùng xa của huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, 100% học sinh là con em đồng bào DTTS, cuộc sống còn rất nhiều khó khăn. Kể từ khi các em học sinh được nghỉ học để tránh dịch cũng là bấy nhiêu ngày các thầy, cô giáo nhà trường phải “mang” chữ đến từng nhà học sinh để dạy học.

Thầy giáo Nguyễn Văn Thư, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nà Khoa chia sẻ: “Không phải nhà nào cũng có tivi, Internet để các cháu theo học trực tuyến như dưới xuôi, nên việc chuyển bài tập, hướng dẫn học sinh tự ôn tập là rất khó. Do đó, Ban Giám hiệu nhà trường đã biên soạn Chương trình dạy học phù hợp, phân công các thầy cô giáo theo tổ để đến tận nhà học sinh hướng dẫn, giao bài tập. Dù vất vả, khó khăn nhưng giúp các em không quên kiến thức, theo kịp Chương trình học, chúng tôi sẵn sàng vượt khó để mang chữ đến cho các em”.

Địa bàn rộng, lực lượng giáo viên thì mỏng, lại không thể tập trung đông học sinh để dạy học, nên mỗi giáo viên chỉ có thể kèm học từ 2 - 3 em/ngày, vừa dạy học tại cơ sở, vừa tuân thủ nguyên tắc phòng dịch. Em Sùng Thị Dín, lớp 5 Trường Tiểu học Nà Khoa, xã Nà Khoa cho biết: “Mỗi tuần cháu được cô giáo đến nhà dạy 2 - 3 buổi. Sau mỗi buổi học, cháu được cô giao bài tập để ôn luyện. Không chỉ được các cô dạy học mà cháu còn được các cô hướng dẫn cách phòng dịch để bảo vệ sức khỏe. Cháu mong sao dịch chóng qua để được đi học lại, vì cháu nhớ các bạn lắm!”.

Bên cạnh việc dạy học tại nhà học sinh, các thầy, cô giáo cũng trở thành lực lượng tuyên truyền về phòng dịch Covid-19. Các thầy cô còn kết hợp với các đoàn thể và chính quyền các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ huynh học sinh về các biện pháp phòng, chống dịch tại gia đình, dành nhiều thời gian chăm sóc, tạo điều kiện thuận lợi cho con em học tập tại nhà trong thời gian nghỉ vì dịch bệnh.

Tương tự như huyện Nậm Pồ, các giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Xuân Lập và Tiểu học Xuân Lập, xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện việc dạy và học với mục tiêu “chống dịch” cũng như “chống mù chữ”. Với mật độ dân số 25 người/km2, có những thầy cô giáo đi cơ sở mấy ngày mới quay trở lại trường. Chưa kịp nghỉ ngơi, các thầy cô lại chuẩn bị tư trang, sách vở để đi tiếp vào ngày hôm sau.

Chứng kiến sự ân cần, tận tụy các thầy, cô giáo đã dành cho con em mình, các phụ huynh học sinh không khỏi xúc động. Anh Sùng A Lai, thôn Khuổi Củng, xã Xuân Lập chia sẻ: “Tôi rất cảm ơn thầy, cô giáo nhà trường đã không ngại đường xa, vất vả, mang con chữ đến tận nhà cho các con tôi. Tôi sẽ tuân thủ hướng dẫn của thầy, cô và cán bộ, cùng đồng bào chống dịch thật tốt, để con em trong thôn, bản sớm được quay lại trường học”.

Khó khăn là thế, nhưng để các em học sinh yêu trường, mến bạn, giữ được con chữ, các thầy, cô giáo vùng cao đã quên đi những vất vả, hằng ngày vẫn mang chữ đến từng nhà cho học sinh. Mong rằng, với quyết tâm của Nhân dân cả nước, dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi, các em học sinh sớm được quay trở lại trường, nhất là các em học sinh vùng đồng bào DTTS và miền núi còn nhiều khó khăn.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.