Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Dạy học ở vùng cao trong mùa dịch

Trọng Bảo - 15:25, 31/03/2020

Hiện nhiều địa phương đã và đang tổ chức học trực tuyến. Nhưng với huyện vùng cao Bát Xát (Lào Cai), rất nhiều cơ sở giáo dục điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện kinh tế của học sinh còn nhiều hạn chế nên khó có thể tổ chức phương pháp dạy học này. Để khắc phục, ngành Giáo dục huyện Bát Xát đã chủ động tìm giải pháp cho các em học sinh vẫn bắt nhịp với kế hoạch học tập trong mùa dịch.

Các em học sinh thôn Tân Tiến vừa ôn bài, vở vừa giúp hỗ trợ cha mẹ việc nhà
Các em học sinh thôn Tân Tiến vừa ôn bài, vở vừa giúp hỗ trợ cha mẹ việc nhà

Thôn Tân Tiến, xã Trịnh Tương (huyện Bát Xát) hiện có 20 em học sinh ở các khối 6, 7, 8, 9 của Trường PTDTBT THCS xã Trịnh Tường. Gần 1 tháng nay, vào thứ Hai hằng tuần, cô giáo Nguyễn Thị Thu An, giáo viên của trường lại đi hơn chục cây số đến thôn Tân Tiến để giao bài tập cho các học sinh.

Theo cô An, Tân Tiến là một trong những thôn khó khăn của xã, sóng điện thoại không có, điều kiện trang thiết bị học tập của học sinh còn thiếu thốn; đặc biệt là máy tính thì không có em nào có, ti vi nhà có nhà không. 

Để củng cố kiến thức cho các em trong đợt nghỉ dài này, các thầy cô đã tổng hợp đề cương của tất cả các môn như toán, văn, anh, sử, địa của từng khối học… vào một bộ đề, sau đó đến từng nhà phát cho các em để các em có thể ôn lại kiến thức đã học. Sau một tuần sẽ quay lại thu bài làm của các em. 

“Mặc dù phải đi lại với quãng đường khá xa, nhưng chúng tôi rất vui vì có thể giúp các em ôn tập lại những kiến thức đã học. Ngoài ra, còn nhắc nhở các em nên ở nhà và thực hiện các biện pháp khuyến cáo của Bộ Y tế như rửa tay thường xuyên, ăn chín, uống sôi, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ…”, cô An chia sẻ.

Trường PTDTBT THCS xã Trịnh Tường hiện có 528 học sinh. Qua rà soát, tỷ lệ học sinh không có điều kiện học trực tuyến chiếm đa số (442 em) và các em đều ở những thôn bản vùng cao, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Do đó, nhà trường đã giao các tổ chuyên môn phân công giáo viên thuộc các môn văn hóa cơ bản (văn, toán, ngoại ngữ, sinh, lý, hóa, sử, địa) ra các bài tập để ôn tập các kiến thức cho học sinh, rồi tổng hợp thành một đề chung gồm 10 điểm (môn toán 3 điểm, môn văn 3 điểm, môn ngoại ngữ 1,5 điểm, các môn sinh, lý, hóa, sử, địa mỗi môn 0,5 điểm), sau đó in và phô tô bảo đảm đủ cho mỗi em 1 đề.

Thầy Nguyễn Quang Chung, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Vào ngày thứ Hai đầu tuần, các giáo viên được phân công sẽ đến từng thôn bản vào tận nhà để phát các đề bài tập cho học sinh theo danh sách. Vào thứ Hai tuần tiếp theo, các thầy cô lại đến từng nhà thu bài của các em và phát cho các em đề mới. Sau khi thu bài sẽ tổ chức cho giáo viên bộ môn chấm chữa bài cho học sinh ngay buổi chiều. 

“Trong quá trình đi thu và phát đề cho các em chúng tôi cũng chỉ đạo các thầy cô trực tiếp hướng dẫn, bổ sung các kiến thức mà các em chưa hiểu; tuyên truyền nhắc nhở các em các biện pháp phòng, chống dịch bệnh”, thầy Chung cho biết thêm.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Trưởng phòng Giáo dục huyện Bát Xát, qua thống kê, toàn huyện chỉ có khoảng 20% học sinh tiểu học và THCS là có điều kiện và có thể học trực tuyến. Phòng Giáo dục đã chỉ đạo các trường, quan tâm và vận dụng linh hoạt các điều kiện thực tế để có phương án bổ sung kiến thức cho các em học sinh. Trong đó, phương pháp giao đề trực tiếp cho học sinh tại nhà đã và đang được nhiều trường trên địa bàn huyện áp dụng.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.