Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Mặt trái của du lịch cộng đồng: Giải pháp để phát triển bền vững (Bài 3)

Thúy Hồng - 08:30, 08/03/2021

Du lịch cộng đồng tại Việt Nam được nhiều chuyên gia du lịch đánh giá là “mỏ vàng”, hứa hẹn mang lại nguồn thu lớn cho ngành du lịch và người dân tại các địa phương. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, cần có định hướng, kế hoạch phát triển bài bản, nâng cấp cơ sở hạ tầng và có chính sách phù hợp hỗ trợ người dân phát triển du lịch một cách bền vững…

Bà con bản Thái tổ 9, thị trấn Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải ( Yên Bái) biểu diễn văn nghệ phục vụ du khách
Bà con bản Thái tổ 9, thị trấn Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải ( Yên Bái) biểu diễn văn nghệ phục vụ du khách

Cần tạo sự khác biệt cho mỗi mô hình

Trong những năm gần đây, loại hình du lịch cộng đồng phát triển mạnh mẽ, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, du lịch cộng đồng cũng đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế; nếu không được khắc phục kịp thời và có những sáng tạo, đổi mới thì không thể phát triển bền vững. 

Như đã nêu ở các số báo trước, điểm yếu nhất của du lịch cộng đồng là phát triển ồ ạt, tự phát, thiếu định hướng, thiếu chọn lọc, và chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa du lịch cộng đồng và các ngành nghề khác. Bên cạnh đó, nhiều mô hình du lịch là "bản sao" của nhau, chưa có sự sáng tạo và điểm nhấn riêng biệt, chưa tạo ra được những sản phẩm du lịch đặc trưng.

Vì thế, các chuyên gia du lịch cho rằng, làm du lịch cộng đồng cần hướng tới tư duy sáng tạo, chứ không làm theo kiểu có gì thì làm nấy, hoặc làm dập khuôn theo các mô hình đang có sẵn. Bên cạnh đó, giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên là những tài nguyên vô giá cần được giữ gìn, kết hợp với thực hiện dịch vụ bài bản, chuyên nghiệp.

Điển hình như ở Yên Bái, để du lịch cộng đồng phát triển bền vững, tỉnh đã có những giải pháp như: Nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho người dân, bảo tồn văn hóa  truyền thống, đặc biệt là đã tạo ra được những sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt để thu hút khách du lịch. Nhờ đó đã xây dựng được các điểm du lịch cộng đồng tiêu biểu như bản du lịch cộng đồng tại các xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Nậm Khắt, Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải...

Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Yên Bái, Triệu Bích Ngọc cho biết: Hiện nay tỉnh Yên Bái có 186 hộ gia đình làm du lịch cộng đồng, hằng năm đón trên 20.000 lượt khách. Nhiều khu du lịch cộng đồng đã nằm trong bản đồ du lịch cầm tay của khách nước ngoài.

Tăng cường chính sách hỗ trợ 

Mặc dù được xác định là loại hình du lịch có tiềm năng, nhưng hiện nay chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho phát triển du lịch cộng đồng còn hạn chế: chưa có chính sách hỗ trợ  về vốn đầu tư, miễn giảm thuế, hướng dẫn thủ tục cho người dân làm dịch vụ du lịch... Do thiếu vốn đầu tư, thiếu nguồn nhân lực du lịch, rào cản văn hóa giữa cư dân địa phương và khách du lịch, nhất là khách du lịch nước ngoài khiến du lịch cộng đồng chưa khai mở được tiềm năng.

Một góc bản du lịch cộng đồng Phia Thắp, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng.
Một góc bản du lịch cộng đồng Phia Thắp, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng.

Theo PGS.TS. Phạm Hồng Long, Trưởng Khoa Du lịch học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, để hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, cần xây dựng và thực hiện các chính sách pháp luật, quy chế quản lý đồng nhất; khuyến khích người dân tham vào du lịch cộng đồng, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng các kỹ năng về làm du lịch; phát huy nguồn lực xã hội, tăng cường liên kết các chủ thể tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng; xây dựng mỗi cộng đồng một sản phẩm để tránh trùng lặp; đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, hợp tác quốc tế và hội nhập.

Bên cạnh đó, việc thiếu cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế và hạ tầng cho các doanh nghiệp để doanh nghiệp tham gia phát triển du lịch cộng đồng cũng là một trong những rào cản lớn để phát triển loại hình du lịch này. Việc thiếu sự phối hợp và gắn kết giữa các bên liên quan, khiến cho ngành Du lịch phát triển manh mún, ảnh hưởng xấu đến chất lượng của các sản phẩm du lịch cộng đồng …

Để giải quyết những tồn tại trên, tại Hội thảo nghiên cứu, xây dựng Chương trình hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam tổ chức vào giữa tháng 12/2020 vừa qua, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), cho rằng: Để hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng hiệu quả và bền vững ở Việt Nam, đơn vị đang nghiên cứu đề xuất xây dựng Chương trình hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng với những nội dung chủ yếu gồm có: Hỗ trợ phát triển hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; Hỗ trợ bảo tồn văn hóa DTTS phục vụ phát triển sản phẩm du lịch; Hỗ trợ đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho người DTTS tham gia phát triển du lịch…

Trong những giải pháp hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, Tổng cục Du lịch đặt giải pháp lựa chọn thị trường mục tiêu lên hàng đầu. Trong đó, xác định thị trường chính của du lịch cộng đồng, từ đó xây dựng sản phẩm phù hợp.

Việc xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách có tính định hướng để phát triển du lịch cộng đồng là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, các chính sách cần phải phù hợp với thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tham gia vào loại hình du lịch này, để đưa du lịch cộng đồng phát triển bài bản và lên một tầm cao mới.


Tin cùng chuyên mục
Chính sách mới của Mỹ và những tác động thương mại, đầu tư

Chính sách mới của Mỹ và những tác động thương mại, đầu tư

Ngày 8/1 Trung tâm Xúc tiến thương mại TP. Hồ Chí Minh - Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Việt Nam - Viện Sáng kiến Việt Nam tổ chức Hội thảo Chính sách mới của Mỹ và những tác động thương mại đầu tư. Hội thảo thu hút sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất - xuất khẩu trong nước.