Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Kiều Maily tâm huyết bảo tồn văn hóa Chăm

Thái Sơn Ngọc - 19:23, 01/04/2025

Chúng tôi gặp Nhà thơ - Nhà nghiên cứu văn hóa Kiều Maily khi chị vừa từ TP. Hội An về làng Phước Nhơn dâng trầu cau tưởng nhớ tổ tiên trong tuần cuối của tháng Tịnh chay Ramưwan 2025. Khoác trên mình bộ trang phục trắng tinh khôi của phụ nữ Chăm, chị cùng mẹ chuẩn bị vật phẩm đến cơ sở thờ tự của làng để thực hiện nghi lễ lạy tạ tổ tiên, cầu mong cuộc sống an lành, thành đạt. Kiều Maily là điển hình tiêu biểu của người phụ nữ tâm huyết bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Chăm.

Kiều Maily trong trang phục truyền thống của tháng Tịnh chay 2025.
Kiều Maily trong trang phục truyền thống của tháng Tịnh chay 2025.

Giới thiệu văn hóa Chăm ra thế giới

Chúng tôi đến thăm Kiều Maily tại thôn Phước Nhơn 3, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Gia đình chị sinh sống trong ngôi nhà xưa cũ bên dòng Mương Cái. Dưới tán xoài đang mùa trổ bông, nhà thơ Kiều Maily phấn khởi chia sẻ: "Từ Hội An, em đi xe khách suốt mười hai tiếng về tới nhà, chuẩn bị trầu cau cùng mẹ đi dâng lễ tổ tiên. Về thăm quê, em cảm nhận không khí Ramưwan 2025 ấm cúng, thôn xóm vui vẻ, an lành. Bà con chăm sóc vụ lúa Đông Xuân xanh tốt, hứa hẹn một mùa bội thu".

Kiều Maily sinh năm 1985, tại làng Chăm Phước Nhơn. Sinh trưởng trong gia đình nông dân nghèo, ba mẹ rong ruổi hành nghề bán thuốc Nam truyền thống của người Chăm, Kiều Maily sớm tự lập. Mới 15 tuổi, chị vừa học vừa chăm sóc hai em nhỏ. Bà ngoại của chị - nghệ nhân dệt vải Lượng Thị Dảnh - nổi tiếng với những chiếc khăn Njam tinh xảo. Nhờ tiếp xúc sớm với nghề dệt và may áo truyền thống, Kiều Maily sớm bị mê hoặc bởi nét đẹp văn hóa này. 

Kiều Maily sửa soạn trang phục cho mẹ chuẩn bị dâng lễ tổ tiên.
Kiều Maily sửa soạn trang phục cho mẹ chuẩn bị dâng lễ tổ tiên.

Sau này, khi tốt nghiệp Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình TP. Hồ Chí Minh, chị có nhiều chuyến đi nghiên cứu trang phục truyền thống của cộng đồng Chăm ở Campuchia và các tỉnh Nam Bộ, Trung Bộ. Đam mê đó cũng dẫn lối chị đến với nghiên cứu ẩm thực Chăm, cho ra đời tập sách Độc đáo ẩm thực Chăm (NXB Văn hóa Văn nghệ, 2014).

Không chỉ nghiên cứu, Kiều Maily còn tích cực quảng bá văn hóa Chăm ra thế giới. Chị từng giới thiệu văn hóa Chăm tại Nhật Bản, Ý, Đức… Cuối năm 2022, chị được Lãnh sự quán Việt Nam tại Ý mời tham gia quảng bá bản sắc văn hóa Chăm. Chị trình diễn các điệu múa dân gian, giới thiệu áo dài Chăm - kiểu áo tròng đầu, không cúc, không xẻ tà - và hướng dẫn chế biến các món ăn truyền thống. Những trải nghiệm này để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế.

Kiều Maily cùng phụ nữ làng Chăm Phước Nhơn dâng lễ cúng tổ tiên.
Kiều Maily cùng phụ nữ làng Chăm Phước Nhơn dâng lễ cúng tổ tiên.

Chọn Hội An lập nghiệp

Kiều Maily tích cực sáng tác, nghiên cứu văn hóa và cộng tác với nhiều cơ quan báo chí. Các tác phẩm tiêu biểu của chị gồm: Giữa hai khoảng trống (thơ, NXB Thanh Niên, 2013), Palei Phước Nhơn của tôi (biên khảo, NXB Trí Thức, 2017), Độc đáo ẩm thực Chăm (NXB Văn hóa Văn nghệ, 2014), Nàng, hoa của cát (thơ, NXB Hội Nhà văn, 2019), Em đi lễ hội (truyện thiếu nhi, NXB Phụ nữ, 2020)…

Với những đóng góp của mình, Kiều Maily được Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam trao Giải B về thơ, đồng thời nhận giải Khuyến khích của Tuần báo Văn Nghệ với tác phẩm Câu chuyện cổ tích hiện đại về cô gái Chăm. Năm 2020, chị được Hiệp hội Làng Nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Văn hóa Nghệ thuật Ẩm thực. Đầu năm 2022, chị trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Kiều Maily với tập sách thiếu nhi “Em đi lễ hội” truyện thiếu nhi do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành năm 2020.
Kiều Maily với tập sách thiếu nhi “Em đi lễ hội” truyện thiếu nhi do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành năm 2020.

Kiều Maily chọn Hội An lập nghiệp vì nơi đây gắn bó với nhiều di sản Champa như Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Đồng Dương. Ba mẹ chị cũng từng rong ruổi bán thuốc Nam ở Quảng Nam và nhận được sự quý mến của người dân địa phương. Hội An - điểm đến du lịch văn hóa hấp dẫn - tạo điều kiện thuận lợi cho công việc nghiên cứu, quảng bá văn hóa Chăm của chị. Sau gần 15 năm học tập và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, cuối năm 2017, Kiều Maily quyết định "dời cư" ra Hội An.

Ban đầu, chị kết nối với các nhà hàng tổ chức biểu diễn múa dân gian Chăm phục vụ du khách. Được kế thừa truyền thống nghệ thuật của ông nội Đạo Thanh Nhanh và bà nội Đạo Thị Cửa - những nghệ sĩ dân gian nổi tiếng ở Phước Nhơn - Kiều Maily biểu diễn thành thạo các điệu múa tri ân thần linh trên nền trống ghi năng. Chị cũng là nữ nghệ nhân duy nhất của làng Phước Nhơn vừa vỗ trống baranưng vừa hát dân ca Chăm, làm say lòng người.

Kiều Maily biểu diễn văn hóa Chăm tại Champa Amaravati House - Hội An.
Kiều Maily giới thiệu văn hóa Chăm với du khách quốc tế tại Champa Amaravati House - Hội An.

Hiện, Kiều Maily là chủ nhân của hai cơ sở tại Hội An: Champa Amaravati House (xã Cẩm Thanh) và nhà hàng KariChampa (số 10/1C, đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Minh An). Champa Amaravati House là không gian văn hóa, nơi chị biểu diễn nhạc dân gian, giao lưu với du khách trong và ngoài nước. Trong khi đó, nhà hàng KariChampa phục vụ các món ăn đặc trưng như Kari Chăm - công thức từ cộng đồng Chăm An Giang, kết hợp sợi mì Hội An - và thịt dê Ninh Thuận kho me non. Những món ăn độc đáo này không thể tìm thấy ở nơi nào khác ngoài nhà hàng của Kiều Maily.

Kiều Maily nấu cơm lam mời khách đến thăm nhà trong dịp vui đón Ramưwan.
Kiều Maily nấu cơm lam mời khách đến thăm nhà trong dịp vui đón Ramưwan.

Nhờ liên kết với các tour du lịch quốc tế, Champa Amaravati HouseKariChampa thu hút đông đảo du khách muốn khám phá, trải nghiệm văn hóa Chăm. Đến đây, họ không chỉ thưởng thức ẩm thực mà còn được chiêm ngưỡng nghệ thuật múa hát dân gian Chăm do chính Kiều Maily biểu diễn. Du khách đến Champa Amaravati House hay KariChampa đều ấn tượng về hình ảnh cô chủ nhỏ xinh tươi, tâm huyết nghiên cứu và chia sẻ nét đẹp văn hóa Chăm, một hình tượng đặc sắc riêng có ở phố cổ Hội An.

Tin cùng chuyên mục
Thanh minh trong tiết tháng Ba

Thanh minh trong tiết tháng Ba

Từ xa xưa, Tết Thanh minh (được tổ chức vào mùng 3 tháng Ba Âm lịch hằng năm) đã trở thành ngày lễ quan trọng, thiêng liêng đối với người Việt. Đối với đồng bào Tày, Nùng ở miền núi phía Bắc nói chung, tỉnh Bắc Kạn nói riêng, Tết Thanh minh là một trong những ngày Tết lớn sau Tết Nguyên đán. Đây không chỉ là dịp tưởng nhớ tổ tiên mà còn là lúc con cháu sum vầy, thấm tình gắn kết dòng tộc.