Vậy mà năm nào đến rằm tháng Tám đón Tết Trung thu, mẹ cũng nhớ chuẩn bị cho lũ con một tiệc ngọt nhỏ. Mỗi năm mỗi món. Có năm mẹ làm bánh sắn ngọt; năm đổ kẹo dừa, kẹo đậu phụng hoặc nấu nồi chè đậu đen. Năm nào khó khăn thì mẹ vẫn dành tiền chợ mua ít trái cây về bày lên dĩa, pha thêm ít nước chanh đường cho lũ nhỏ có cái quây quần cùng nhau. Cỗ bàn đơn sơ nhưng niềm vui ngập tràn.
Ngày cha tôi còn sống, cha thường bảo “Trung thu không có lồng đèn sao gọi là Trung thu?”. Vậy nên Trung thu năm nào cha cũng hì hục đi chặt tre vót nan làm lồng đèn cho các con chơi. Cha mất đồng nghĩa với việc thú chơi lồng đèn mỗi độ Trung thu của anh em tôi bị “xóa sổ”. Buồn lắm!
Nỗi buồn ấy mẹ biết và Trung thu năm sau, không hiểu bằng cách nào mẹ đã tự mày mò làm một chiếc lồng đèn từ một chiếc khung lồng đèn cũ. Không đẹp như đèn cha làm nhưng cũng tạm được. Cầm chiếc khung lồng đèn đầu tiên mẹ làm cho, đứa nào cũng nhảy tưng tưng, vui như mở hội, quên để ý đôi bàn tay của mẹ bị xây xát, rướm máu do không quen cầm rựa vót nan. Niềm vui của lũ con chắc khiến mẹ quên đau nên khuôn mặt mẹ vẫn rạng lên nụ cười…
Chúng tôi dần lớn lên, dần “đủ cánh, đủ lông” qua những mùa Trung Thu thiếu vắng cha nhưng lại được bù nhân đôi, nhân ba bằng tình thương của mẹ. Mẹ giờ mắt đã mờ, tóc đã bạc, đi đứng khó khăn, chuyện quên chuyện nhớ. Vậy nhưng có một chuyện mẹ luôn luôn nhớ, ấy là nhắc các con mỗi độ rằm tháng Tám hằng năm nhớ tổ chức Trung thu cho lũ trẻ nhỏ, đừng để chúng buồn!