Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Men say câu lượn hà lều

Thanh Thắng - 19:23, 23/02/2022

Trong kho tàng văn hoá của đồng bào các dân tộc vùng cao, hát dân ca giao duyên luôn chứa đựng nhiều giá trị văn hoá tinh thần đặc sắc. Trong vô vàn các làn điệu dân ca làm say đắm lòng người phải kể đến hà lều - một hình thức hát giao duyên mang đậm bản sắc của người Tày - Nùng.

Hát hà lều là nhịp cầu se duyên đôi lứa tại các hội xuân
Hát hà lều là nhịp cầu se duyên đôi lứa tại các hội xuân

Hà lều có những nét rất gần gũi với quan họ Bắc Ninh. Hà lều thường được cất lên trong các cuộc vui, nhưng được hát phổ biến nhất là vào tháng Giêng, tháng Hai - mùa của hát hội và cũng là mùa của nam thanh nữ tú hoa lòng thắm đỏ, muốn được tỏ tình, trao duyên.

Nhà văn Chu Sĩ Liên, người con của đất mía Quảng Hòa (Cao Bằng) chia sẻ: “Có thể tự hào rằng, quê tôi là một trong những cái nôi của hà lều. Từ thửa tóc còn để chỏm, ngày ngày ngồi trên lưng trâu và “bước ngã bước trơn” trên con đường làng tới trường cấp I Cách Linh, tôi đã được nghe giai điệu hà lều ngọt ngào, da diết của các anh, các chị quê tôi. Họ lượn trong những phút nhàn tản, chuyện trò bên chén trà, chén rượu, hoặc lượn trong giờ giải lao của buổi gặt mùa, thu đỗ tương để xua tan cái mệt nhọc và cũng là để bày tỏ niềm vui của dân làng trước mùa màng bội thu. Thậm chí đang một mình lên nương, lên rẫy hoặc vào rừng hái củi, họ cũng ì ì … à lều … à đới để đỡ phút quạnh hiu, vắng vẻ. Và dường như khi ấy, núi rừng cũng xào xạc lá, lay động sẻ chia…”

Được cùng nhà văn Chu Sĩ Liên về thăm quê cũ, chứng kiến tận mắt, nghe tận tai những câu hát hà lều mượt mà, thắm cảm, mới hay, mới tỏ nét đẹp của ngôn ngữ vùng cao, ngôn ngữ ý nhị, kín đáo của lớp lớp người Tày, Nùng bồi đắp qua bao thế hệ. Chúng tôi được trò chuyện cùng các nghệ nhân Nông Văn Huyên, Hoàng Văn Dương, Đàm Thị Rằn... ở xóm Tà Lạn (xã Hồng Đại, huyện Quảng Hòa), các nghệ nhân chia sẻ, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, đến nay hà lều vẫn là một làn điệu dân ca trữ tình được yêu thích của người Tày-Nùng ở Cao Bằng. Người ta hát hà lều vào lúc đi chợ phiên hay trai gái gặp nhau để tỏ tình, cũng có khi hát trong buổi cất nhà mới hoặc trong đám cưới, hát trong tiệc rượu. Âm điệu của hà lều da diết, quyến luyến đến nao lòng. Ai đã bước vào cuộc hát thì không thể dứt ra, ai đã ngồi nghe thì không thể rời đi. Người hát càng lâu càng ngọt giọng, người nghe càng lâu càng bùi tai. Dường như cả rừng núi, đất trời cũng say theo tiếng hát.

Cuộc hát Hà Lều của các nghệ nhân người Tày Cao Bằng
Cuộc hát hà lều của các nghệ nhân người Tày Cao Bằng

Trong ngày hội mùa xuân khi hát hà lều, bên nam bên nữ tự chọn chỗ thích hợp để đứng hát. Hai bên chọn chỗ đứng không được gần nhau quá mà cũng không xa nhau quá bởi đứng gần sẽ không nghe được độ vang ngân của giọng, còn đứng xa quá sẽ không bắt được nhịp hát của nhau. Nơi đứng hát lý tưởng nhất là dưới một bóng cây hay bên một tảng đá để cho bên kia khi thấy khi không. Trong lúc hát cũng có khi bên nam hay bên nữ cần chuyển bè, chuyển giọng mà bảo nhau để bên kia không nghe được tiếng. Bởi có những lúc đang lượn vui thì bất chợt người con gái lại chuyển sang lượn thách đố hoặc người con trai lượn tỏ tình thì người con gái lượn trêu rồi châm chọc.

Bà Đàm Thị Rằn hồi tưởng lại những ngày xưa cũ, cách đây hơn 40 năm, khi các ông bà vẫn còn đương sức trẻ, những chuyến đi chợ xa đều là những ngày hội hà lều. Trai gái mến nhau không cần cần đến hội đông người, chỉ lặng lẽ chờ ở ven đường, gặp người vừa ý thì buông câu hát gọi, ướm thử lòng bạn, bạn ưng sẽ hát đáp. Cứ như vậy, từng đôi, từng cặp hình thành hội hát, hát mê mải để thử lòng, thử tài đối phương. Qua câu hát hà lều, tâm tình, tâm tính con người đều bộc lộ ra. Nhiều cặp đôi ưng nhau, hợp ý nên vợ nên chồng từ các cuộc hát đối hà lều.

Buổi sinh hoạt thường kỳ của những người yêu thích hà lều
Buổi sinh hoạt thường kỳ của những người yêu thích hà lều

Đối với hà lều, mới nghe tưởng chừng đơn giản, nhưng hát để được nhiều người khen hay thì không dễ chút nào. Cái khó của hát hà lều chính là người có giọng hát đẹp, mê hồn nhưng cũng phải là người ứng tác giỏi. Chất liệu từ câu hát không chỉ lưu trong sách, trong lời truyền dạy mà còn được chắt lọc từ cuộc sống hàng ngày, từ chính hoàn cảnh cụ thể mà thi tài ứng đối. Đây chính là một nét đặc thù của hà lều so với nhiều làn điệu dân ca khác.

Một đặc điểm nữa, lượn hà lều thường sử dụng câu thơ song thất, âm tiết thứ năm của câu thứ hai được gieo vần vào âm tiết cuối của câu đầu. Chính cách gieo vần đó tạo nên đặc trưng của hà lều là hát song ca mà tạo hai bè cao thấp trong câu hát, song vẫn bảo đảm ăn nhập với nhau, hòa quyện, nhuần nhuyễn như cùng diễn tả cái tâm đắc từ nơi sâu thẳm của tâm hồn. Cái tinh túy, chắt lọc làm mê hồn người nghe của hà lều chính là lối nói tượng trưng, ví von bằng hình ảnh. Hà lều như sợi chỉ kết nối giữa thế hệ này qua thế hệ khác, là sợi tơ hồng se duyên, đồng thời cũng là mạch nguồn liên kết những tâm hồn đồng điệu, cùng đắm say điệu hát giao duyên.

Đến với Cao Bằng, về với những lễ hội xuân ngày nay, trong các phiên chợ xuân vùng cao biên giới, trai gái Tày - Nùng vẫn mang bên mình điệu hát hà lều để hòa mình vào điệu hát giao duyên. Dẫu chỉ trong ngày xuân thắm, nhưng với chất ngọt trong câu hát, hà lều vẫn mãi là làn điệu dân ca kết nối văn hóa người bản địa, gắn kết cộng đồng, để ai một lần đến với lễ hội xuân, được nghe một lần câu lượn hà lều, khi về lòng sẽ lưu luyến mãi không thôi. 


Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.