Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Dân ca dân tộc Mông và nỗi trăn trở của nghệ nhân

Hồng Minh - 14:18, 11/02/2020

Dân ca của dân tộc Mông là những bài hát do người dân tự sáng tác và được lưu truyền từ lâu đời. Dân ca Mông có nhiều loại, hiện nay còn lưu giữ được một số loại hình dân ca như: Hát trong sinh hoạt (hát ru, hát vui chơi của trẻ em); hát mang tính nghi lễ (hát lên nhà mới, hát trong đám cưới, hát giao duyên, hát than thân...).

Đồng bào dân tộc Mông thể hiện các làn điệu dân ca, dân vũ trong các lễ hội của thôn, bản
Đồng bào dân tộc Mông thể hiện các làn điệu dân ca, dân vũ trong các lễ hội của thôn, bản

Ngay từ lúc mới sinh ra, trẻ em người Mông đã được đắm mình trong cái nôi văn hóa cộng đồng với những làn điệu dân ca nói về cuộc sống, xây dựng bản làng. Những bài hát dân ca không chỉ thể hiện bằng lời, mà còn có thể giãi bày thông qua những nhạc cụ như: Sáo, khèn, kèn lá, đàn môi.

Nghệ nhân Ly Thị Chở, huyện Đồng Văn (Hà Giang) chia sẻ: “Tôi không còn nhớ mình đã bắt đầu hát từ khi nào. Nhưng tôi vẫn nhớ lại hình ảnh bố mẹ, cô chú của tôi hát khi họ đang thu hoạch và làm những công việc nhà. Và rồi cứ như vậy, tôi đã học thuộc được những giai điệu dân ca đó”.

Vừa kể, bà Chở vừa cất lên những câu hát trong bài Công ơn cha mẹ: “Nơi ở của người Mông cheo leo núi cao. Tay với đến mặt trời, mặt trăng, gần chân mây. Nơi mà từ những kẽ đá cũng mọc ra hạt ngô căng mẩy… nơi mà khó khăn mọi người vẫn vui cười, vui hát…”.

Đối với những chàng trai, cô gái Mông, dân ca là phương tiện để bày tỏ tình yêu chân thành, nhưng hết sức mãnh liệt: “Cái bụng anh thương em nhiều như lá rừng. Em không có lòng thì thôi. Có lòng thì về ta ở với nhau một đêm. Em không có lòng thì thôi, có lòng thì về, ta ở với nhau một ngày”. Những hình ảnh trong lời hát mộc mạc nhưng cũng phản ánh sâu sắc tâm tư, ước nguyện vươn tới hạnh phúc vẹn tròn. Qua lời hát, tiếng khèn, họ tìm hiểu nhau và nên vợ nên chồng.

Dân ca là tiếng lòng của người Mông gửi gắm qua câu hát
Dân ca là tiếng lòng của người Mông gửi gắm qua câu hát

Theo bà Chở, dân ca người Mông vô cùng phong phú và có nhiều chủ đề như trở thành một người con dâu, tình yêu và tình anh em, hay là những bài hát được mẹ truyền dạy lại cho con…

Cũng như Nghệ nhân Ly Thị Chở, bà Vàng Thị Dí, huyện Trấn Yên (Yên Bái) chia sẻ: “Người Mông hát dân ca rất hay và ý nghĩa. Thế hệ của tôi giỏi hát dân ca lắm, nhưng giờ già hết rồi nên lâu không hát nữa”. 

Nghệ nhân Giàng Seo Gà, huyện Sa Pa (Lào Cai) chia sẻ, dân ca có ý nghĩa rất quan trọng trong cuộc sống, nhất là vấn đề văn hóa tâm linh, sau đó là văn hóa giải trí. Những lời ca, tiếng hát, tiếng khèn, tiếng sáo, khèn lá chính là tiếng lòng của người Mông. Bây giờ mọi người dùng điện thoại, nên không biết thổi khèn lá nữa, cũng không còn gọi nhau từ vách núi này sang vách núi kia bằng khèn. Cứ thế tiếng khèn, tiếng kèn lá mất dần đi.

“Tụi trẻ bây giờ không hiểu hát dân ca là thế nào, cũng không hiểu lời mình hát”, nghệ nhân Giàng Seo Gà trăn trở.

"Những lời ca, tiếng hát, tiếng khèn, tiếng sáo, khèn lá chính là tiếng lòng của người Mông. Bây giờ mọi người dùng điện thoại, nên không biết thổi khèn lá nữa, cũng không còn gọi nhau từ vách núi này sang vách núi kia bằng khèn. Cứ thế tiếng khèn, tiêng kèn lá mất dần đi”.

Nghệ nhân Giàng Seo Gà, huyện Sa Pa (Lào Cai).

Tin cùng chuyên mục
Tự hào nguồn cội

Tự hào nguồn cội

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là loại hình Di sản tập quán xã hội, tín ngưỡng và lễ hội được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã lắng đọng trong tâm thức mỗi người dân niềm tự hào về nguồn cội con rồng cháu tiên, xuyên suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, lan tỏa mạnh mẽ đến mọi miền Tổ quốc, trở thành bản sắc văn hóa độc đáo của người Việt Nam.