Công an xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang tuyên truyền, vận động người dân không theo tà đạo Từ sự vào cuộc của hệ thống chính trị
Mèo Vạc là huyện đặc biệt khó khăn, vùng cao biên giới, nơi có hơn 95% số hộ là đồng bào DTTS, trong đó dân tộc Mông chiếm trên 78%. Từ năm 1990, một bộ phận người dân trên địa bàn huyện do nhận thức còn hạn chế đã bị kẻ xấu lợi dụng, xúi giục đi theo hiện tượng tôn giáo “San sư khẻ tọ”.
Trở thành tín đồ của tôn giáo này, các hộ dân đã dỡ bỏ bàn thờ cúng tổ tiên, không thực hiện các nghi thức theo phong tục, tập quán truyền thống của dân tộc. Thêm nữa, các hộ ngày càng xa lánh cộng đồng, không tích cực lao động như trước, chỉ ở nhà cầu nguyện chờ “đấng tối cao” ban phát sức khỏe, vật chất khiến cuộc sống của nhiều gia đình ngày càng thêm khó khăn.
Xác định hiện tượng đạo lạ “San sư khẻ tọ” tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, huyện Mèo Vạc đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng thực hiện công tác dân vận nhằm đẩy lùi, xóa bỏ tà đạo.
Theo đó, huyện đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để tuyên truyền, vận động các hộ hiểu được bản chất, động cơ, mục đích của hiện tượng tôn giáo sai lệch này. Công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện đa dạng dưới nhiều hình thức như: Tuyên truyền qua các buổi họp thôn, chợ, các nhóm Zalo, Facebook, hệ thống loa truyền thanh và các phương tiện thông tin đại chúng.
Đặc biệt, để công tác tuyên truyền được triển khai hiệu quả, huyện Mèo Vạc chỉ đạo huy động các lực lượng như: Người có uy tín, hội nghệ nhân dân gian, già làng, trưởng bản tham gia thực hiện công tác dân vận để tuyên truyền các hộ theo đạo lạ quay lại phong tục truyền thống. Đây là lực lượng có vai trò quan trọng, am hiểu ngôn ngữ, phong tục, văn hóa truyền thống nên sẽ thuận lợi trong thực hiện công tác.
Với sự kiên trì, bền bỉ, và với phương châm “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng”, các lực lượng này đã đi sâu, sát từng gia đình theo tà đạo để tuyên truyền, vận động, qua đó góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của các hộ. Ngoài ra, huyện Mèo Vạc cũng kết hợp công tác dân vận với việc quan tâm, thực hiện tốt các chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ phát triển kinh tế, giảm nghèo, các chính sách dân tộc đối với các hộ theo tà đạo.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, huyện Mèo Vạc đã vận động thành công 100% số hộ theo đạo lạ quay lại thờ cúng theo phong tục, tập quán truyền thống của dân tộc với 715 hộ/2.818 nhân khẩu tự nguyện từ bỏ tà đạo “San sư khẻ tọ” quay về phong tục tập quán truyền thống của dân tộc và các tôn giáo khác được Nhà nước công nhận; tính đến ngày 28/12/2024 xóa trắng hoàn toàn tà đạo này ra khỏi địa bàn huyện.
Từ bỏ tà đạo...
Hộ gia đình anh Chảo Tà Hành thôn Sủng Ú, xã Sủng Máng được các cấp chính quyền vận động quay lại phong tục tập quán địa phươngTrao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Sủng Máng Vừ Mí Phình thông tin: Trước đây, trên địa bàn xã có gần 90 hộ theo đạo “San sư khẻ tọ”. Ban đầu, cấp ủy, chính quyền xã gặp không ít khó khăn trong việc vận động các hộ từ bỏ tà đạo, bởi trình độ, nhận thức của các hộ còn hạn chế, nhất là nhiều hộ đã tin theo hiện tượng tôn giáo này được hơn 20 năm. Song, với quyết tâm chính trị cao, xã tích cực thực hiện các giải pháp, nhất là công tác tuyên truyền, vận động. Nhờ vậy, 100% số hộ trước đây theo đạo lạ nay đã hiểu và tự nguyện bỏ tà đạo.
Ông Chảo Sành Nhàn, thôn Sủng Quáng, xã Sủng Máng chia sẻ: Được sự tuyên truyền của cán bộ xã, gia đình ông đã hiểu được bản chất của tà đạo “San sư khẻ tọ”, ông quyết định từ bỏ và quay lại với phong tục truyền thống. Từ khi bỏ đạo này, ông tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của thôn, qua đó giúp ông mở rộng mối quan hệ, thêm gắn kết tình hàng xóm, ông còn dành nhiều thời gian để lao động sản xuất, phát triển chăn nuôi nâng cao thu nhập cải thiện cuộc sống và chăm lo cho các con ăn học.
Không chỉ dừng lại ở việc giúp người dân từ bỏ tà đạo, cấp ủy, chính quyền và các cơ quan huyện Mèo Vạc đã cùng các địa phương hỗ trợ bà con bằng các chương trình an sinh thiết thực. Từ việc hỗ trợ sửa chữa nhà ở, cung cấp giống vật nuôi, cây trồng đến tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cuộc sống người dân nơi đây đã đổi thay rõ rệt. Như trường hợp của ông Lò Phù Chiêu, người dân thôn Sủng Lủ, xã Lũng Chinh sau khi được chính quyền địa phương, lực lượng Công an chia sẻ, phân tích, gia đình ông đã dứt khoát từ bỏ đạo lạ.
Ông Chiêu hồ hởi: "Từ ngày bỏ tà đạo, gia đình tôi chăm chỉ làm ăn, được Nhà nước hỗ trợ thêm con bò, con lợn, nên giờ cái Tết cũng đủ đầy hơn, không còn lo cái ăn, cái mặc như trước nữa. Giờ đây, chúng tôi chỉ mong có sức khỏe, chăm chỉ làm ăn, nuôi dạy các con, các cháu học hành để có kiến thức tránh xa những cái xấu, cùng phấn đấu xây dựng phát triển kinh tế gia đình".
Thực hiện Đề án số 23, ngày 22/6/2018 của Tỉnh ủy Hà Giang về “Phòng ngừa, đấu tranh, giải quyết tình hình hoạt động của các tà đạo, đạo lạ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2025” và Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; cũng như thực hiện các đợt cao điểm về tuyên truyền, vận động các hộ theo tà đạo quay trở về phong tục, tập quán truyền thống, tỉnh đã chủ động hướng dẫn, đưa các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đi vào nền nếp, ổn định, tuân thủ pháp luật; tập trung giải quyết các kiến nghị, nhu cầu chính đáng của tổ chức, cá nhân tôn giáo.