Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Miền biên viễn vào Xuân

Thùy Như - 09:46, 22/02/2024

Là tỉnh miền núi, biên giới, khép lại năm 2023, Cao Bằng trở thành một trong những địa phương đạt thành tựu giảm nghèo ấn tượng, cao hơn mức bình quân chung của vùng đồng bào DTTS và miền núi. Cùng với các chính sách khác thì Chương trình MTQG 1719 là “đòn bẩy” để Cao Bằng giảm nghèo bền vững, giúp đồng bào các dân tộc trên địa bàn nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Chương trình MTQG 1719 đang tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển sản xuất cho đồng bào DTTS tỉnh Cao Bằng
Chương trình MTQG 1719 đang tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển sản xuất cho đồng bào DTTS tỉnh Cao Bằng

Động lực ở vùng “4 nhất”

Huyện Bảo Lâm được xem là vùng đất “4 nhất” (nghèo nhất, xa xôi nhất, hẻo lánh nhất và có đông đồng bào DTTS nhất) của tỉnh Cao Bằng. Tại thời điểm cuối năm 2022, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện ở mức 49,09% (cuối năm 2021 là 55,91%); nhiều vấn đề cấp thiết trong đồng bào DTTS của huyện cần được quan tâm giải quyết.

Với thực trạng kinh tế - xã hội (KT – XH) đó, Bảo Lâm là một trong những địa phương được ưu tiên bố trí nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), nhất là Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 1719 (Chương trình MTQG 1719) để giải quyết các nhu cầu cấp thiết của vùng đồng bào DTTS, góp phần giảm nghèo bền vững. Năm 2023, huyện được phân bổ hơn 339,3 tỷ đồng để thực hiện 3 Chương trình MTQG; trong đó vốn đầu tư của Chương trình MTQG 1719 là hơn 203,1 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, ông Mã Gia Hãnh cho biết, nhờ chủ động kịp thời giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời huy động, lồng ghép các nguồn lực, việc thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều thành quả quan trọng. Huyện đã cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống dân cư nông thôn; 100% các xã của huyện đã có đường ô tô đến trung tâm; các hoạt động văn hóa - xã hội được triển khai sâu rộng.

“Với việc triển khai hiệu quả Chương trình MTQG 1719, Bảo Lâm sẽ có động lực để vươn lên phát triển kinh tế, góp phần cải thiện sinh kế, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn”, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm Mã Gia Hãnh chia sẻ.

Cũng như huyện Bảo Lâm, nguồn lực từ các chương trình MTQG là “đòn bẩy” quan trọng để các địa phương trên địa bàn tỉnh Cao Bằng thúc đẩy giảm nghèo nhanh, bền vững. Riêng Chương trình MTQG 1719, theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, tổng số vốn ngân sách Trung ương thực hiện trong năm 2023 là hơn 2.095,448 tỷ đồng (gồm cả vốn năm 2022 chuyển tiếp sang). Đến ngày 31/12/2023, toàn tỉnh đã giải ngân được 1.510,739 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư công giải ngân được 91% kế hoạch vốn giao.

Theo ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, việc triển khai chính sách dân tộc đã được lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo, các cấp, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, kịp thời và được đồng bào các dân tộc tích cực tham gia. Các chương trình, dự án, chính sách đầu tư cho vùng đồng bào DTTS đã được thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng, có trọng tâm, không bị thất thoát... góp phần quan trọng giúp đồng bào vượt qua khó khăn, từng bước cải thiện đời sống để vươn lên thoát nghèo.

 Ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đi kiểm tra việc thực hiện Chương trình MTQG 1719 tại huyện Bảo Lâm
Ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đi kiểm tra việc thực hiện Chương trình MTQG 1719 tại huyện Bảo Lâm

Niềm vui trong Xuân mới

Hiệu quả của các chính sách dân tộc, trọng tâm là Chương trình MTQG 1719 đã góp phần quan trọng để Cao Bằng trở thành một trong những địa phương có thành tựu ấn tượng về giảm nghèo trong năm 2023, với mức giảm trên 4%, cao hơn mức bình quân chung vùng đồng bào DTTS và miền núi (3,2%). Không chỉ giảm nghèo đạt kết quả khả quan mà tỉnh Cao Bằng đã và đang tập trung giải quyết các vấn đề cấp thiết ở vùng đồng bào DTTS của tỉnh, tạo nền tảng giúp đồng bào phát triển kinh tế.

Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bế Văn Hùng, bám sát chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, trong quá trình triển khai chính sách dân tộc, Cao Bằng chú trọng ưu tiên đầu tư ở những địa bàn đặc biệt khó khăn, từ đó kéo gần khoảng cách phát triển giữa các địa bàn, các dân tộc. Trên địa bàn tỉnh có đồng bào Lô Lô là một trong các dân tộc có khó khăn đặc thù. Vì vậy, khi triển khai Chương trình MTQG 1719, tỉnh quan tâm bố trí vốn để thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 9.

“Trong năm 2023, tỉnh tiếp tục thực hiện đầu tư 14 công trình cơ sở hạ tầng cho đồng bào dân tộc Lô Lô tại huyện Bảo Lạc và Bảo Lâm; Các công trình hạ tầng được đầu tư đã đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt cho đồng bào dân tộc Lô Lô”, ông Hùng chia sẻ.

Nguồn lực được ưu tiên bố trí đầu tư, hỗ trợ cho các địa bàn vùng “trũng” đã góp phần thúc đẩy toàn tỉnh hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT - XH năm 2023 - năm giữa nhiệm kỳ 2021-2015, năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX. Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Cao Bằng, theo giá hiện hành, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2023 ước đạt 22.747 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 41,52 triệu đồng, tăng 1,93 triệu đồng so với năm 2022.

Đón Xuân mới 2024, niềm tin của đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng về một bước phát triển mới của tỉnh càng được củng cố từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Theo Quyết định số 1603/QĐ-TTg ngày 11/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về giao vốn ngân sách Trung ương năm 2024, Cao Bằng được phân bổ 775,172 tỷ đồng thực hiện Chương trình MTQG 1719; cùng với đó là 440,677 tỷ đồng thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; 55,830 tỷ đồng thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Đây là nguồn lực quan trọng, góp phần tạo “đòn bẩy” để tỉnh Cao Bằng giảm nghèo nhanh, bền vững, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.